Sự cần thiết của việc bảo tồn và phát triển làng nghề ở TP.HCM

    Làng nghề tại TP.HCM có khả năng tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn, mang giá trị văn hóa cao, tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội, đặc biệt là có thể phát triển du lịch nhờ làng nghề… Tuy nhiên, thời gian gần đây các làng nghề đã mai một dần, không còn khả năng phát triển nếu không có giải pháp.

    Vào những năm 2000 trở về trước, toàn địa bàn xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi) có 7 ấp và mỗi ấp là một làng nghề đan lát với một sản phẩm đặc trưng như ấp Mỹ Khánh A, Mỹ Khánh B chuyên sản xuất nia; ấp Bình Thượng 1, Bình Thượng 2, làm thúng, sọt tre; ấp Bình Hạ Đông, Bình Hạ Tây làm dần, sàn; ấp Tháp làm rổ, rá… Từ đó hình thành nên làng nghề đan lát xã Thái Mỹ với khoảng 1.800 hộ và 4.000 lao động theo nghề vào thời kỳ cao điểm. Tuy nhiên, từ những năm 2010 trở lại đây, do giá trị kinh tế mang lại không cao, nhu cầu thị trường chủ yếu chuộng những sản phẩm tiện dụng làm từ nhựa, nhôm, inox… nên số người gắn bó với nghề ngày càng ít. Mặt khác, giá cả đầu ra sản phẩm thấp nên thanh niên trong làng không còn gắn bó với nghề.

    Ngoài làng đan lát Thái Mỹ, TP.HCM vẫn còn khá nhiều làng nghề truyền thống, như Làng bánh tráng Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi), làng lồng đèn Phú Bình (quận 11), làng nem (quận Thủ Đức), làng dệt Bảy Hiền (quận Tân Bình), làng làm nhang (Bình Chánh),… Tương tự như trên, quy mô sản xuất của các làng nghề này dần bị thu hẹp do sự tác động của nhiều yếu tố.

    Ông Trần Thanh Nam – thứ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, hiện cả nước có 165 nghề truyền thống; 1.951 làng nghề đã được công nhận. Việc công nhận nghề, làng nghề truyền thống tại TP.HCM, cũng như cả nước đã góp phần khôi phục và phát triển được nhiều nghề truyền thống, như thêu, ren, dệt lụa, gốm sứ, sơn mài, khảm trai, mây tre đan lá, điêu khắc. Đồng thời, phát triển nhanh các nghề mới gắn với quá trình công nghiệp hóa như bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm, gây trồng sinh vật cảnh. Các làng nghề ngoài việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, còn giữ vai trò quan trọng trong bảo tồn, gìn giữ không gian, cảnh quan làng nghề, nét đẹp văn hóa truyền thống và có tiềm năng lớn phát triển du lịch, dịch vụ.

    Tuy nhiên, thực trạng bảo tồn làng nghề còn gặp nhiều thách thức, cần có biện pháp căn cơ để giải quyết. Mục tiêu quan trọng nhất trong bảo tồn và phát triển làng nghề là phải đảm bảo yếu tố phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Thế nhưng, đây cũng là điểm nghẽn khó giải quyết nhất. Thực tế hiện nay, các làng nghề đều sử dụng thiết bị công nghệ lạc hậu và sản xuất gây ô nhiễm môi trường, thậm chí ở mức độ trầm trọng. Trong khi đó, hệ thống các ngành sản xuất hỗ trợ, như khai thác và xử lý nguyên vật liệu phục vụ cho các loại ngành nghề còn yếu, chưa đáp ứng kịp với nhu cầu phát triển. Mặt khác, các làng nghề còn rất thiếu lao động có tay nghề giỏi và không am hiểu về xu hướng thị trường, thiếu ý tưởng thiết kế sáng tạo và phát triển sản phẩm mới, nhất là khu vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống mà đây lại là yếu tố quyết định để làng nghề “sống” được và phát triển.

    Kiến trúc sư – chuyên gia đô thị Trần Vĩnh Nam cho rằng, nếu TP.HCM bảo tồn, phát huy những làng nghề truyền thống và giữ được nét văn hóa đặc sắc thì sẽ thu hút thêm nhiều du khách. Ông Nam lấy dẫn chứng từ các nước như Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản dù phát triển đến mức nào thì họ vẫn giữ lại các làng nghề để phục vụ du lịch.

    NHƯ QUỲNH

    Recommended For You