Trong năm 2010, các loại động vật chân đốt đã có cơ hội phát triển, hoành hành do chúng chích đốt máu và lây truyền một số loại bệnh quan trọng cũng như gây phiền hà trong sinh hoạt hàng ngày của con người. Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết lan rộng, bọ xít hút máu người phát triển ở nước ta; ve và mò đốt máu gây bệnh ở Trung Quốc… đã gây nên những vấn đề thời sự trong năm qua cần được xã hội quan tâm, chú ý.
Vai trò y học
Phần lớn những động vật chân đốt có vai trò y học là những ngoại ký sinh trùng hút máu, trừ loài ruồi nhà và gián nhà; chúng có thể truyền bệnh và gây bệnh. Vai trò chủ yếu của động vật chân đốt là truyền bệnh, còn vai trò gây bệnh chỉ là thứ yếu nhưng đôi khi cũng gây nguy hiểm đến tính mạng của con người.
Vai trò gây bệnh của động vật chân đốt được thực hiện tại nơi vết đốt máu và tại vị trí chúng ký sinh. Tại vết đốt khi hút máu, chúng gây dị ứng, truyền độc tố, gây đau, mẩn ngứa, lở loét, hoại tử như do mò đốt; nặng hơn có thể làm viêm tấy cục bộ, choáng hoặc tê liệt như do ve hoặc bọ cạp đốt… Tại vị trí ký sinh, chúng gây một số bệnh do mầm bệnh bọ chét Tunga ký sinh ở da, ấu trùng ruồi ký sinh ở dạ dày, cái ghẻ Sarcopes scabiei ký sinh ở da…
Vai trò truyền bệnh của động vật chân đốt được xác định là bệnh do động vật chân đốt truyền, còn gọi là bệnh có vật môi giới (vector) với các đặc điểm khác nhau. Chúng thường truyền những bệnh nguy hiểm, gây chết người như sốt rét, dịch hạch… Bệnh có thể phát triển thành dịch, lây lan nhanh như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản… Nó thường xảy ra theo mùa, khu trú ở từng địa phương như viêm não, sốt mò… Bệnh có khả năng lây lan giữa người và người, giữa người với động vật.
Xác định vật môi giới và phương thức truyền bệnh
Tiêu chuẩn để xác định động vật chân đốt là vật môi giới truyền bệnh cần căn cứ vào các yếu tố như: động vật chân đốt phải hút máu người và sống gần người, mầm bệnh phát triển ở động vật chân đốt phải đến giai đoạn lây nhiễm, mùa phát triển của động vật chân đốt phù hợp với mùa của bệnh; đồng thời việc nghiên cứu gây nhiễm bệnh thực nghiệm phải có kết quả.
Về phương thức truyền bệnh của động vật chân đốt, chúng truyền bệnh theo hai cách đặc hiệu và không đặc hiệu.
– Phương thức truyền bệnh đặc hiệu còn gọi là truyền sinh học vì trong thiên nhiên nhiều loại động vật chân đốt chỉ truyền được một hoặc hai loại mầm bệnh nhất định. Những mầm bệnh này tăng sinh, phát triển ở động vật chân đốt với các hình thức khác nhau.
Mầm bệnh trong động vật chân đốt tăng sinh đơn thuần về số lượng từ một mầm bệnh ban đầu, sau một thời gian tăng lên hàng ngàn cá thể trong động vật chân đốt như loại vi khuẩn trong bọ chét.
Mầm bệnh không tăng sinh về số lượng mà chỉ phát triển từ giai đoạn chưa lây nhiễm đến giai đoạn có khả năng lây nhiễm như ấu trùng giun chỉ bạch huyết ở trong muỗi truyền bệnh.
Mầm bệnh vừa tăng sinh số lượng, vừa phát triển đến giai đoạn có thể truyền bệnh như ký sinh trùng sốt rét ở trong cơ thể muỗi.
Ngoài ra, có một vài loại mầm bệnh được động vật chân đốt truyền cho đời sau qua trứng như mầm bệnh sốt mò Rickettsia orientalis ở loài mò…
Do quá trình phát triển trong cơ thể động vật chân đốt, mầm bệnh muốn truyền được sang người hoặc một vật chủ khác cần phải có thời gian phù hợp. Thời gian này phụ thuộc vào từng giai đoạn mầm bệnh và nhiệt độ của môi trường như ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum muốn phát triển được trong muỗi, nhiệt độ môi trường phải lớn hơn 16oC và Plasmodium vivax phải trên 14,5oC.
– Phương thức truyền bệnh không đặc hiệu còn gọi là truyền cơ học vì động vật chân đốt chỉ đơn thuần mang mầm bệnh từ nơi này đến nơi khác.
Mầm bệnh bám dính trên động vật chân đốt, truyền vào thức ăn, nước uống của người; chúng không sinh sản, biến đổi trong động vật chân đốt nên không cần có thời gian. Những loại động vật chân đốt truyền bệnh theo phương thức không đặc hiệu có vai trò quan trọng như ruồi nhà, nhặng xanh, gián nhà… vì nó thường tiếp xúc với người. Ngoài ra, mầm bệnh còn có thể ở trong ống tiêu hóa của động vật chân đốt rồi theo chất bài tiết ra ngoài mà lây truyền sang người. Một số loại mầm bệnh như trứng giun, sán, kén đơn bào có thể tồn tại trong cơ thể động vật chân đốt suốt trong quá trình sống của nó nên tác tại của phương thức truyền bệnh cơ học là rất lớn.
Khả năng truyền bệnh
Động vật chân đốt có thể truyền hầu hết các loại mầm bệnh ký sinh trùng, vi khuẩn, virus cho người và động vật như: Muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét, giun chỉ bạch huyết… Muỗi Culex truyền bệnh giun chỉ bạch huyết, viêm não Nhật Bản…
Muỗi Aedes truyền bệnh sốt vàng, sốt xuất huyết Dengue, giun chỉ bạch huyết và một bệnh do virus khác. Muỗi Mansonia truyền bệnh giun chỉ bạch huyết… Muỗi cát truyền bệnh Leishmania.
Ve truyền mầm bệnh Rickettsia và virus viêm não ở châu Âu. Mò truyền Rickettsia orientalis gây bệnh sốt mò. Ruồi ngủ Tsetse (Glossina) truyền trùng roi Trypanosoma gây bệnh ngủ châu Phi. Bọ xít (Triatoma), rệp truyền trùng roi Trypanosoma gây bệnh Chagas ở Nam Mỹ. Ruồi vàng (Simulium) truyền bệnh mù lòa đường sông. Ruồi trâu (Tabanidae) truyền bệnh giun chỉ Loa Loa. Ruồi nhà, nhặng, gián nhà truyền mầm bệnh vi khuẩn tả, lỵ, thương hàn, lao, trứng giun sán, kén đơn bào, virus bại liệt, viêm gan… Chấy, rận truyền bệnh sốt phát ban chấy, rận. Bọ chét truyền bệnh dịch hạch…
Ngoài ra, một số động vật chân đốt có vai trò truyền bệnh quan trọng do có sự tồn tại và lưu hành những bệnh có ổ bệnh thiên nhiên. Đặc biệt, ngoài vai trò là vật môi giới truyền bệnh (vector), nhiều khi chúng còn là vật dự trữ mầm bệnh như loại mò Leptotrombidium mang mầm bệnh sốt mò Rickettsia orientalis suốt đời và có khả năng truyền sang lại cho đời sau.
Do mầm bệnh phát triển trong động vật chân đốt là vật môi giới truyền bệnh nên mùa phát triển bệnh phụ thuộc vào mùa phát triển, hoạt động của động vật chân đốt như mầm bệnh virus gây bệnh viêm não Nhật Bản chỉ phát triển trong muỗi khi nhiệt độ trên 20oC, mùa bệnh là mùa xuân-hè, ít gặp trong mùa đông lạnh. Vật môi giới truyền bệnh là những động vật chân đốt có tập tính hút máu, bảo đảm sự truyền bệnh từ người sang người, từ động vật này sang động vật khác.
Nguyên tắc phòng, chống
Nguyên tắc phòng, chống động vật chân đốt là vật môi giới truyền bệnh phải được thực hiện trên quy mô rộng lớn nhưng có trọng tâm, trọng điểm.
Hầu hết các bệnh ký sinh trùng do động vật chân đốt truyền là bệnh xã hội, khá phổ biến, làm cho nhiều người bị mắc bệnh và có khả năng dễ lây lan.
Bệnh do động vật chân đốt truyền có rất nhiều loại khác nhau, vì vậy không thể đồng loạt tổ chức các biện pháp phòng, chống mà phải chọn một số bệnh có tác hại nhiều đến sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng sức sản xuất của từng vùng; đồng thời cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng khả năng khống chế được bệnh với điều kiện kinh tế, vật chất, kỹ thuật… có thể có được. Một số bệnh ký sinh trùng do động vật chân đốt truyền có thể giảm dần trên cơ sở đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng được nâng cao.
Kế hoạch phòng, chống động vật chân đốt cần được thực hiện trong thời gian dài, liên tục và phải dựa vào kế hoạch hành chính của chính quyền các cấp từ trung ương đến cơ sở vì các bệnh do động vật chân đốt truyền thường kéo dài và người bệnh bị tái nhiễm liên tiếp.
Một vấn đề cũng cần được chú ý là việc phòng, chống động vật chân đốt truyền bệnh phải là công tác của quần chúng. Vì vậy phải xã hội hóa các biện pháp phòng, chống; lôi cuốn cộng đồng người dân cùng tự giác tham gia.
Cán bộ, nhân viên y tế phải tích cực truyền thông giáo dục, vận động, giúp đỡ mọi người dân hiểu biết, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, tự nguyện thực hiện các biện pháp phòng, chống.
Nhiệm vụ của ngành y tế là phải tham mưu cho chính quyền các cấp thấy rõ được tác hại, hậu quả của các loại động vật chân đốt truyền bệnh quan trọng bằng cách cung cấp tình hình thực tiễn, các số liệu mang tính thuyết phục và đề xuất được những kế hoạch cụ thể, hiệu lực trong việc phòng, chống bệnh có khả năng lây lan.
Khi triển khai công tác phòng, chống động vật chân đốt truyền bệnh; cần kết hợp nhiều biện pháp với nhau, từ biện pháp thô sơ đến hiện đại. Phối hợp các biện pháp cơ học, lý học, hóa học và sinh học để phòng, chống động vật chân đốt truyền bệnh một cách có hiệu quả.
Ngoài ra, nên lồng ghép việc phòng, chống động vật chân đốt truyền bệnh với các hoạt động, các chương trình, dự án, dịch vụ y tế, sức khỏe khác… và kết hợp việc phòng, chống động vật chân đốt truyền bệnh với công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, nhất là ở tại tuyến cơ sở.
Bệnh do các loại động vật chân đốt truyền hoặc gây phiền hà cho sinh hoạt của con người do hoạt động chích đốt máu đã có chiều hướng phát triển, gia tăng trong năm 2010 như sốt xuất huyết, bọ xít, rệp giường hút máu ở nước ta và bệnh do ve truyền, bệnh sốt mò ở Trung Quốc… là những vấn đề thời sự.
Chúng có khả năng diễn biến phức tạp trong thời gian tới do những sự thay đổi môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như sự giao lưu, hợp tác, hội nhập quốc tế… Vì vậy các nhà khoa học cần quan tâm đến vấn đề thời sự này để nghiên cứu, chủ động đề xuất các giải pháp kiểm soát, biện pháp phòng, chống bệnh do động vật chân đốt một cách có hiệu quả nhằm bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng người dân.