Sức sống của nghệ thuật sân khấu dù kê

Hình thành và phát triển gần 100 năm nay, nghệ thuật sân khấu dù kê là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân tộc Khmer Nam bộ nói chung và người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Nghệ thuật dù kê với đặc trưng có tích truyện, nghệ thuật biểu diễn tinh tế, ý nghĩa nhân văn sâu sắc nên được người dân yêu thích.

Nghệ thuật dân gian độc đáo

Sân khấu kịch Khmer Nam bộ đến nay có 2 loại hình chính là rô băm và dù kê.

Loại hình nghệ thuật sân khấu rô băm hình thành từ xa xưa trong cộng đồng người Khmer thuộc thể loại kịch múa cổ điển, có nguồn gốc từ biểu diễn phục vụ cung đình, được cho rằng xuất phát từ Campuchia.

Nghệ thuật rô băm đòi hỏi tuân thủ nhiều quy tắc về kịch bản, trang phục, trình độ biểu diễn và trình độ thưởng thức cao, nhưng giá trị về nội dung thì đơn giản.

Còn nghệ thuật dù kê của đồng bào Khmer Nam bộ thì chỉ mới xuất hiện từ đầu thế kỷ 20 thuộc thể loại ca kịch dân gian.

Dù kê còn có tên gọi khác là Lakhôn Bassắc, nghĩa là kịch hát của người Khmer ở vùng sông Bassắc (tức sông Hậu).

Các nhà nghiên cứu cho rằng: Dù kê ra đời trên cơ sở kế thừa những loại hình nghệ thuật đã có trước đó như rô băm và ảnh hưởng lớn bởi sự giao thoa văn hóa giữa người Khmer Nam bộ với người Việt và người Hoa trên địa bàn… Vì vậy, người ta so sánh nghệ thuật dù kê tương tự như sân khấu cải lương Nam bộ.

Dù kê ra đời dựa trên trí tuệ, tinh thần và tình yêu cái đẹp của đồng bào Khmer Nam bộ. Nó nhanh chóng được phổ biến khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với nhiều ban, gánh, đoàn nghệ thuật Khmer lần lượt ra đời. Trong đó, các tỉnh phát triển mạnh nghệ thuật dù kê là: Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang và An Giang… Từ những ban hát dù kê ban đầu, nhiều địa phương đã mở ra các đội, rồi các đoàn lớn hơn, có điều kiện dựng vở và biểu diễn tốt hơn, xa hơn, phục vụ sự ngưỡng mộ của đông đảo đồng bào Khmer khắp nơi.

Ngày nay, dù sân khấu nói chung đang gặp nhiều khó khăn, nhưng những đoàn nghệ thuật Khmer khi biểu diễn dù kê trong vùng đồng bào dân tộc thì luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con. Anh Thạch Chăm Rơn – trưởng đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện nay, loại hình sân khấu dù kê ở Sóc Trăng rất phát triển. Đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng rất ưa thích loại hình này. Đi đến đâu, đoàn nghệ thuật của anh cũng được khán giả yêu mến và ủng hộ rất nhiệt tình bởi vì loại hình dù kê rất gần gũi, phản ánh được nguyện vọng tâm tư của đồng bào.

Ấn tượng nhân vật “chằn”

Trong nghệ thuật sân khấu dù kê truyền thống của người Khmer Nam bộ, vai nhân vật “chằn” tượng trưng cho cái ác, điều xấu, thế lực đen tối đầy tham vọng đê hèn. Đó là những nhân vật yêu quỷ có nhiều pháp thuật, hung tợn, thường gây ra những nghịch cảnh cho người khác. Tuy là tưởng tượng, nhưng hình tượng “chằn” đã trở nên quen thuộc trong đời sống văn hóa tín ngưỡng với đồng bào Khmer.

Ngôn ngữ Khmer gọi “chằn” là Yaksa, nhân vật hoang tưởng có sức mạnh phù phép. Tuy nhiên, trong nghệ thuật sân khấu dù kê, cũng như trong nếp nghĩ của người Khmer quan niệm “chằn” là hình tượng của bọn quỷ xấu xa, có lẽ quan niệm này bắt nguồn từ truyện Riêm Kê theo trường ca Ramayana Ấn Độ. Chính điều này đã giải thích những khác biệt ít nhiều về những nhân vật “chằn” trong truyện cổ dân gian của đồng bào Khmer.

Trong nghệ thuật sân khấu dù kê, “chằn” không phải là kẻ bần tiện, rách rưới đói khát mà là những kẻ giàu sang, lắm mưu nhiều kế, quỷ quyệt và háo sắc, có sở trường sử dụng ma thuật và binh lực đi gây chiến, chém giết và ăn thịt người, đặc biệt là cướp các nàng công chúa xinh đẹp. Chính những hành động tội ác của nhân vật “chằn” trong vai diễn đã tạo nên sự xung đột kịch tính tuồng tích là nguyên nhân dẫn đến những mối thù hận mà những người thân của họ bị hại phải tập hợp đánh trả để tiêu diệt “chằn” và giải thoát cho nạn nhân. Mâu thuẫn giữa “chằn” và người thường xuất hiện trong nội dung tuồng cổ của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ.

Theo NSƯT. Thạch Sung – phó trưởng đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (tỉnh Trà Vinh): “Đối với những ông thầy tuồng, tuồng tích được dựng luôn phải có phe tốt và phe xấu đại diện là “chằn”. Nó trở thành biểu trưng sân khấu của những nhân vật phản diện, mang đậm tính chất thế sự. Diệt “chằn” truyền thống trở thành quán tính thị hiếu của người Khmer”.

Nhân vật “chằn” được vẽ mặt hao hao giống kép phiên, kép núi của hát bội hay hồ quảng. Điều khó nhất của các diễn viên đóng vai “chằn” là phải vừa ngậm nanh, múa võ, vừa đối thoại.

Nanh “chằn” trong nghệ thuật sân khấu dù kê không phải được vẽ hay gắn cố định một chỗ, mà là nanh thật được giấu vào hai bên mép, với cặp nanh cong và dài, lúc ngậm vào lúc lồi ra hai bên mép, làm tăng thêm tính hung ác và quyền lực đen tối…

Tùy theo diễn biến câu chuyện và trạng thái, tính cách của “chằn” mà nanh lồi ra theo kiểu nào, xuất hiện 1 hay 2 cái, đưa lên hay đưa xuống. Mọi động thái đều được điều khiển bằng lưỡi. Và vì vai “chằn” đòi hỏi công phu khổ luyện, nhiều lúc phải trả giá, nên người đóng vai này vốn đã hiếm giờ chẳng còn được mấy.

Đã vậy, khổ luyện để diễn vai “chằn” là một chặng đường gian nan. Nghệ sĩ Thạch Sovana, một diễn viên chuyên đóng vai “chằn” của Đoàn nghệ thuật Khmer Triều An (Trà Vinh) cho biết, để luyện thành người đóng vai “chằn”, anh phải ngậm cái nanh trong miệng mấy tháng trời. Ban đầu, đưa cái nanh heo vô miệng, Sovana không sao tránh được buồn nôn. Cái nanh heo sao khớp với miệng người, chả trách anh chàng này tập đến nỗi… vạt cả các nướu răng, rách mép hàm, máu tuôn như nước. Hay những lúc lôi nanh lên, kéo nanh xuống, anh cắn phải lưỡi, chảy máu.

Tuy vậy, không phải ai chuyên tâm khổ luyện đều thành công, mà phải cần có năng khiếu. Ngoài ngậm nanh thuần thục, người thủ vai này còn phải thuộc các bài võ dành riêng cho nhân vật phản diện được Khmer hóa, luyện thanh sao cho giọng la cũng nghe vang hơn, dữ tợn hơn.

Chính vì khổ nhọc như thế mà ít người có thể đảm nhiệm được vai “chằn” một cách hoàn thiện trong nghệ thuật dù kê. Ít người diễn vai “chằn”, sân khấu dù kê ngày càng hiếm sự xuất hiện của “chằn” hơn.

PHƯƠNG NGHI – LAM AN

Recommended For You