Tác động qua lại giữa thức ăn & thuốc

Trong thực tế điều trị, giữa việc sử dụng thuốc và ăn uống có sự tác động qua lại lẫn nhau, chúng có ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình điều trị bệnh. Bên cạnh đó, dinh dưỡng cơ thể cũng trở nên rất quan trọng cho quá trình dùng thuốc. Nhiều loại thuốc khi sử dụng sẽ bị hạn chế tác dụng có sự hiện diện của thức ăn trong dạ dày; cũng có những loại thuốc phải dùng sau khi ăn.

Nhiều bệnh nhân do không được giải thích kỹ của thầy thuốc nên cứ khăng khăng phải ăn no xong rồi mới uống thuốc, vì vậy mà giảm đi sự phát huy tác dụng của thuốc một cách tốt nhất.

Dưới đây là một số tác động giữa dưỡng chất (thức ăn) và thuốc:

1. Thiếu chất dinh dưỡng có thể gây trở ngại cho sự chuyển hóa thuốc

Sự thiếu năng lượng và protein làm giảm hàm lượng enzym trong mô, dẫn đến suy giảm đáp ứng với thuốc, gây giảm hấp thu thuốc và rối loạn chức năng gan.

Thiếu các chất khoáng như Ca, Mg, kẽm làm suy yếu sự chuyển hóa thuốc.

Thiếu vitamin C có liên quan đến suy giảm các enzym chuyển hóa thuốc.

2. Một số thuốc có ảnh hưởng đến sự chuyển hóa chất khoáng

Thiếu kali do dùng thuốc lợi tiểu. Sự ứ đọng natri và nước do dùng cortisol, corticosteroid, aldosteron, prednisolon, và các steroid mới, chứng này cũng gặp khi dùng thuốc ngừa thai estrogen – progestogen, phenylbutazon.

3. Sự hấp thu nhiều loại vitamin bị ảnh hưởng

Ethanol làm giảm hấp thu vitamin B1.

Thuốc isoniazid là chất đối kháng với vitamin B6 và niacin.

Sự kém hấp thu vitamin B12 được ghi nhận khi dùng acid aminosalicylic, kali iodua phóng thích chậm, colchicin, ethanol hay thuốc ngừa thai uống.

Sự thiếu vitamin D do uống thuốc chống co giật.

4. Nhiều loại thuốc có ảnh hưởng đến sự ngon miệng, sự hấp thu dưỡng chất và sự chuyển hóa glucose, lipid, protein

– Rượu, insulin, steroid, hormon tuyến giáp, thuốc kháng histamin làm tăng sự ngon miệng.

– Indomethacin, morphin, digitalis làm giảm sự ngon miệng.

– Neomycin, kanamycin, clotetracyclin, methotrexat, indomethacin làm kém hấp thu.

– Thuốc giảm đau nacortic, benzothiadiazin lợi tiểu, couramin làm tăng glucose máu.

– Sulfamid, aspirin, phenacetin, phenylbutazon, barbituric làm giảm glucose máu.

– Aspirin, clotetracyclin, colchicin, glucagon, dextran… làm giảm lipid huyết tương.

– Thuốc ngừa thai uống loại estrogen – progestogen, corticosteroid tuyến thượng thận, clopromazin, vitamin D làm tăng lipid huyết tương.

– Tetracyclin, cloramphenicol làm giảm chuyển hóa protein.

Một số thuốc khi dùng cần phải uống trước bữa ăn thì mới phát huy hiệu quả tốt trong điều trị như những thuốc điều trị bệnh lao (nên uống một lần vào buổi sáng lúc đói bụng), một vài loại thuốc kháng histamin uống lúc đói sẽ phát huy tác dụng hơn khi ăn no.

Các thuốc có ảnh hưởng đến bao tử thì cần phải uống sau khi ăn hoặc trong bữa ăn để tránh tác động đến bao tử, như những thuốc thuộc nhóm kháng viêm steroid và không steroid…

BS. LÊ THIỆN ANH TUẤN

Recommended For You