Tại sao nói “sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ con”?

Từ năm 1976, Ủy ban dinh dưỡng Viện hàn lâm nhi khoa Hoa Kỳ đã khuyến cáo nên cho trẻ con bú sữa mẹ ngay từ sơ sinh đến 6 – 12 tháng tuổi là tốt nhất. Chỉ khi nào mẹ mất sữa thì mới sử dụng các công thức sữa trẻ con có bổ sung sắt hoặc ngũ cốc cho trẻ con trong độ tuổi 1 năm.

Ủy ban có chỉ rõ: “Các công thức sữa trẻ con và các sản phẩm sữa đã được xử lý nhiệt chỉ thích hợp để thay thế sữa mẹ trong giai đoạn 6 tháng đến 1 tuổi vì trong lúc này có sự tăng khả năng mất máu dạ dày – ruột gây thiếu sắt cho cơ thể”.

Năm 1981, BS. Fomon và cộng sự nghiên cứu khả năng mất máu dạ dày – ruột ở trẻ em từ 4 – 6 tháng tuổi được nuôi bằng sữa bò nguyên chất (whole cow’s milk = WCM), sản phẩm sữa đã được xử lý nhiệt (tiệt trùng) hay công thức sữa trẻ con. Trước đó, tất cả trẻ đều nhận một lượng sulfat sắt và vitamin C.

Lượng máu mất qua đường tiêu hóa ở trẻ dưới 4 tháng tuổi nuôi bằng WCM tăng cao. Ở trẻ 4 tháng tuổi rưỡi đến 6 tháng tuổi không có thay đổi nhiều ở cả ba nhóm trẻ về lượng máu mất. Dựa vào đó, Ủy ban dinh dưỡng đưa ra một khuyến cáo khác hẳn: “Sữa bò nguyên chất (WCM) có thể thay thế công thức sữa trẻ con có bổ sung sắt để dùng cho trẻ khi trẻ được 6 tháng tuổi và được cung cấp ít nhất 1/3 lượng Calori từ những nguồn thực phẩm bổ sung”.

Một câu hỏi được đặt ra là:

  • Liệu cho trẻ bú công thức sữa có bổ sung sắt (iron-fortified formula – I.F.F) trong 6 tháng đầu có đủ để ngừa thiếu sắt trong suốt 6 tháng sau không khi trẻ dùng WCM thay thế?

Nhiều công trình nghiên cứu đã được tiến hành nhằm đưa ra những phương thức dinh dưỡng trẻ em trong thời kỳ trẻ phát triển.

Mức trưởng thành của hàng rào chất nhày dạ dày – ruột ở trẻ

Hệ thống niêm mạc dạ dày – ruột ở giai đoạn đầu đời sống chưa hoàn hảo. Hậu quả có sự gia tăng chuyển vận protein còn nguyên vẹn từ thành ruột vào máu ở giai đoạn sơ sinh, nhất là ở trẻ em thiếu tháng. Mặc dù còn tranh cãi, nhưng có thể tin rằng, gia tăng khả năng thẩm thấu ở ruột liên quan đến nguy cơ cao dị ứng protein sữa bò, chiếm 0,4 – 7,5% trẻ. Không có thông tin nào ghi nhận WCM gây dị ứng nhiều hơn ở trẻ bú WCM hay IFF. Trẻ bị dị ứng protein sữa bò thì không được dùng cả WCM lẫn IFF. Ở trẻ không dị ứng, việc dùng WCM căn cứ vào các điều kiện tiêu hóa và dinh dưỡng chứ không dựa trên sự phát triển hàng rào chất nhày.

Lượng sắt trong chế độ ăn toàn phần và khả năng sinh học của sắt khi WCM thay thế IFF ở trẻ 6 tháng tuổi. Ngũ cốc bổ sung sắt có đáp ứng được nhu cầu sắt của trẻ?

Nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ bú WCM trong giai đoạn này hấp thu một lượng sắt dưới mức khuyến cáo (recommended daily allowence – RDA). Các kết quả cho thấy rõ, ngũ cốc trong khẩu phần thức ăn trẻ cung cấp không đủ nhu cầu sắt của trẻ. Tuy nhiên, ngũ cốc là nguồn cung cấp sắt duy nhất trong thức ăn cứng cho trẻ. Các bậc cha mẹ khi cho con dùng WCM cần phải chọn lựa kỹ lưỡng loại thức ăn cứng có chứa sắt cho trẻ.

Khả năng sinh học của sắt điện ly, dạng sắt được thêm vào thức ăn trẻ con, chưa được khảo sát kỹ lưỡng. Hơn nữa các nghiên cứu hấp thu loại sắt này chỉ thực hiện ở người lớn. Các nhà khoa học đã tính toán lượng sắt trong ngũ cốc dành cho trẻ chỉ khoảng 0,12 mg trong số 0,6 – 0,7 mg sắt hấp thu mà trẻ cần mỗi ngày. Điều này chứng tỏ sắt trong ngũ cốc không đáp ứng đủ nhu cầu sắt ở trẻ bú sữa bò toàn phần (WCM).

Thành phần của WCM (lượng calci và phosphor cao, lượng vitamin C thấp) có thể làm giảm khả năng sinh học của sắt từ các nguồn cung cấp khác như ngũ cốc. Các nghiên cứu so sánh tình trạng sắt ở trẻ em dùng công thức sữa bổ sung sắt 6 tháng đầu, sau đó bú WCM hay IFF tiếp tục, cho thấy tình trạng sắt ở trẻ bú WCM rất nghèo nàn.

Các thực phẩm như ngũ cốc, trái cây, nước quả… được bổ sung một dạng sắt có khả năng sinh học cao (FeSO4 với vitamin C) nhưng tương đối ít hơn so với công thức IFF, có nhiều hứa hẹn. Khả năng hấp thu sắt từ sữa chứa vitamin C (100 mg) thay đổi từ 5,9 đến 11,3% và không bị ảnh hưởng bởi lượng chất béo trong sữa, lượng đường thêm vào hay tính acid. Kết quả các thử nghiệm ở trẻ 0 – 15 tháng tuổi nuôi bằng sữa đầy đủ chất béo, được acid hóa, bổ sung sắt cho thấy có hiệu quả trong việc chống thiếu sắt.

Liệu việc cho trẻ 6 tháng tuổi chuyển sang bú sữa bò (WCM) liên tục mà không bổ sung sắt có làm trẻ bị thiếu máu không?

Đây là đề tài của nhiều nghiên cứu và tranh luận khá lâu. Hiện nay, cũng vẫn dựa vào những nghiên cứu của Fomon, nhưng dùng một phản ứng nhạy hơn, phản ứng guaiac dương tính để khảo sát lượng hemoglobin trong phân, một số nhà khoa học đã so sánh lượng máu mất qua đường tiêu hóa trên trẻ 6 tháng tuổi nuôi bằng sữa WCM hay bằng IFF. Kết quả: ở trẻ bú WCM lượng máu mất qua đường tiêu hóa tăng 30%, trong khi ở trẻ bú IFF, lượng máu mất này không tăng, mặc dù trước đó tất cả trẻ đều được nuôi bằng IFF hay sữa mẹ trong 6 tháng đầu.

Những kết quả đầy tính thuyết phục này đã làm Fomon và các cộng sự thay đổi quan niệm trước đây của họ: họ không còn khuyên nên cho trẻ bú WCM trong 6 tháng sau của năm đầu mà ngược lại nên cho trẻ dùng sữa mẹ hoặc sữa có bổ sung sắt (IFF) trong suốt 12 tháng tuổi đầu tiên của trẻ là tốt nhất. Nguyên nhân là vì:

– Trẻ bú WCM bị mất máu nhiều qua đường tiêu hóa, dẫn đến thiếu máu và thiếu sắt.

– Khả năng sinh học của lượng sắt hấp thu từ ngũ cốc không đủ cho nhu cầu của trẻ.

– Khả năng của WCM ngăn cản hấp thu sắt do WCM chứa nhiều calcium và phosphor mà lại có ít vitamin C.

Tầm quan trọng của lượng chất hòa tan lọc qua thận có ở WCM

Những dữ kiện từ các cuộc nghiên cứu cho thấy, ở trẻ bú WCM thay vì IFF có sự gia tăng rõ rệt mức hấp thu Na, K, Cl và protein. Lượng Na cung cấp từ WCM (1.000 mg/ngày) vượt xa nhu cầu tối thiểu phỏng định (120 mg/ngày ở trẻ sơ sinh đến 5 tháng tuổi và 200 mg/ngày ở trẻ 6 – 12 tháng tuổi).

Trong khi đó lượng Na cung cấp từ IFF cho trẻ 7 – 12 tháng tuổi là 580 mg/ngày, thấp hơn WCM 2 lần. Khi WCM thay thế IFF, lượng chất hòa tan lọc qua thận tăng gấp đôi, vượt quá mức. Gấp đôi, vượt quá khả năng cho phép đối với thận (33 mgsm/100 kcal) có thể dẫn đến mất nước cơ thể.

Tầm quan trọng của chất có trong IFF và sữa mẹ nhưng không có trong WCM: acid béo cần thiết, tocopherol, vitamin C.

Vitamin C: sữa bò cung cấp lượng vitamin C thấp (tuy nhiên chưa dưới mức nhu cầu (recommended daily allowence – RDA).

Acid linoleic: sữa bò cung cấp acid linoleic thấp một cách thảm hại (1,8%) so với RDA (3%).

a-tocopherol: giảm rõ rệt ở trẻ bú WCM so với trẻ bú IFF (3,7 ± 2,6 mg/ngày so với 10,9 ± 3,1 mg/ngày).

Tóm lại, trẻ bú WCM sẽ thiếu sắt, vitamin C, acid linoleic và dư Na, K, Cl, protein.

Những nghiên cứu mới về chứng thiếu sắt và sự phát triển trí não

Những nghiên cứu của Oski và một số các tác giả khác cho thấy, chứng thiếu máu, thiếu sắt ở thời gian đầu đời của trẻ có thể dẫn đến những biến đổi về tinh thần. Những biến đổi này không thể phục hồi được mặc dù sau đó trẻ được cung cấp sắt để điều trị thiếu máu. Nhiều nghiên cứu gần đây nhất chứng minh tầm quan trọng của chứng thiếu máu, thiếu sắt khi trẻ bú WCM.

Khảo sát ở chuột, trong giai đoạn thiếu sắt, người ta thấy số lượng thụ thể D2 ở não bị giảm và không còn khả năng phục hồi khi chuột được điều trị thêm sắt, dẫn đến biến đổi về tình trạng phát triển thần kinh não bộ.

Kết luận

Như vậy, để có được một chế độ dinh dưỡng tối ưu cho trẻ, giúp trẻ phát triển hoàn chỉnh về thể chất cũng như tinh thần, các bậc cha mẹ cần phải cho con mình bú sữa mẹ ít nhất là 6 tháng đầu đời, tốt nhất là tròn 12 tháng tuổi.

Chỉ khi nào không có sữa mẹ thì mới dùng sữa công thức bổ sung sắt IFF. Khi trẻ được ít nhất là 6 tháng tuổi trở đi, có thể cho bú dặm sữa bò (sữa tươi tiệt trùng), sữa công thức IFF. Nên nhớ cho bé 6 tháng tuổi trở đi ăn dặm thịt, cá dần dần như người lớn.

Viện hàn lâm nhi khoa Hoa Kỳ hiện nay khuyến cáo:

+ Nên cho trẻ bú sữa mẹ từ sơ sinh đến 6 – 12 tháng.

+ Chỉ trong trường hợp không có sữa mẹ (mẹ mất sữa) thì mới dùng sữa bò thay thế. Trong trường hợp này, công thức sữa cho trẻ con có bổ sung sắt là tốt nhất.

– Các thức ăn cứng thích hợp cần được cung cấp thêm từ 6 tháng tuổi trở đi.

– Việc dùng sữa mẹ hay IFF kèm theo thức ăn cứng thích hợp và nước quả trong 12 tháng đầu là cần thiết để cân bằng dinh dưỡng.

– Sữa bò nguyên chất (WCM) và các công thức có lượng sắt thấp không được dùng cho trẻ trong ít nhất 12 tháng đầu đời của trẻ.

DS. ĐINH TẤN TUYÊN – DS. PHAN ĐỨC BÌNH
(Dựa theo tài liệu Ủy ban dinh dưỡng Viện hàn lâm nhi khoa Hoa Kỳ)

Recommended For You