Tăng đề kháng để ứng phó với thách thức kinh tế

“Suy thoái kinh tế toàn cầu trở nên trầm trọng trong quý 4 năm 2022 và nhiều khả năng sẽ tiếp tục trong năm 2023”, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết. Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cũng phát biểu: “Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt ở các nước phát triển và tác động lan tỏa từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu”.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê quý I, tổng sản phẩm trong nước ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức thấp hơn chỉ tiêu được Quốc hội giao (6,5%) và là mức tăng gần như thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua, trừ giai đoạn quý I/2020 khi dịch bệnh bùng phát. Tại TPHCM, đầu tàu kinh tế của cả nước, GRDP của thành phố trong quý I ước đạt khoảng 360.000 tỷ đồng, chỉ tăng 0,7% so cùng kỳ năm ngoái, trong đó nhiều ngành nghề như vận tải kho bãi, thông tin truyền thông, bất động sản và y tế đang có mức tăng trưởng âm.

Những dấu hiệu xấu đi của nền kinh tế khiến cả xã hội “thu mình” lại và cẩn trọng trước mọi biến động của thị trường. Nhưng nhìn một cách tích cực, sau một thời gian dài tăng trưởng nóng, chu kỳ điều chỉnh hiện tại là cần thiết để nền kinh tế trở về trạng thái cân bằng để phát triển bền vững hơn.

Quý I/2023: Doanh nghiệp phòng thủ, người dùng thắt lưng buộc bụng

Không đợi đến quý I năm nay, dấu hiệu của một nền kinh tế khó khăn đã bắt đầu từ quý IV/2022. Trong kế hoạch năm 2023 được định hình từ vài tháng trước, nhiều lãnh đạo đã phải viết lại chiến lược cho doanh nghiệp mình, chuyển từ chế độ “tấn công” sang “phòng thủ”. Các biện pháp sa thải nhân sự, cắt giảm chi phí cho những hoạt động tiêu tốn nhiều nguồn lực như R&D (nghiên cứu và phát triển), tạm ngưng mở mới điểm bán hay thậm chí cắt lỗ để tồn tại là những hành động quyết liệt để “bật chế độ an toàn” đã được nhiều doanh nghiệp áp dụng.

Doanh nghiệp phòng thủ, người lao động cũng cẩn trọng đáng kể trong chi tiêu. Tâm lý thắt lưng buộc bụng khiến tình hình tiêu dùng chung trong quý I không mấy khả quan. Đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ, có sự thay đổi trong hành vi chi tiêu của người dùng: cắt giảm với những mặt hàng không quá cần thiết, và tìm kiếm những lựa chọn tương tự có giá thấp hơn với hàng hóa thiết yếu.

Nhóm hàng hóa dịch vụ không thiết yếu là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả. Đa phần các cửa hàng thuộc nhóm điện thoại, điện máy đều tụt giảm từ 30 – 50% doanh thu so với quý trước.  Nhiều doanh nghiệp chuỗi ICT chia sẻ, sức mua của người dùng năm nay yếu hơn so với cùng kỳ dù doanh nghiệp liên tục tung ra chương trình ưu đãi. Trả góp vốn là phương thức thanh toán yêu thích của người dùng với nhóm ICT cũng bắt đầu chững lại từ quý III năm trước, giảm dần từ quý IV đến nay vì chi phí tài chính tăng cao và nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này giảm mạnh.

Hàng hoá dịch vụ thiết yếu cũng không ngoại lệ. Mức giảm được ghi nhận qua nền tảng Payoo là từ 5 – 10% doanh thu với nhóm siêu thị, cửa hàng tiện lợi và 10% đối với các trung tâm thương mại – nơi tập trung nhiều cửa hàng thời trang, nội thất.

Trong khi hầu hết người dùng đang cố gắng giữ chặt túi tiền thì ở một số ngành hàng, sức mua vẫn tồn tại, tạo ra dòng chảy của thị trường và là yếu tố thúc đẩy khó khăn kinh tế không trầm trọng hơn.

Những nhân tố kích thích dòng chảy của thị trường

F&B là một trong những lĩnh vực ít ỏi duy trì mức tăng trưởng tốt. Theo dữ liệu của nền tảng thanh toán Payoo, ngành hàng ăn uống của các nhà hàng tầm trung, các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh (mức chi tiêu từ 150.000 – 300.000 đồng/người) có mức tăng trưởng 30% so với quý trước. Riêng nhóm mặt hàng trà sữa, cà phê, với đơn giá trung bình từ 40.000 – 70.000 đồng/phần có sự tăng nhẹ gần 5% so với quý trước.

Thách thức kinh tế có thể ảnh hưởng đến đại bộ phận người tiêu dùng, nhưng không phải là tất cả. Trong bối cảnh chung nhiều khó khăn, xã hội vẫn luôn có những đối tượng miễn nhiễm với khủng hoảng vì tài sản và sức chi tiêu của họ cực lớn. Đó là nguyên nhân dù cho nhiều mặt hàng thông thường giảm sức mua nhưng một số chi tiêu cho hàng hóa, dịch vụ, nữ trang cao cấp vẫn đứng vững, thậm chí tăng nhẹ.

Cuối tháng 3 vừa qua, Công ty CP thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2022, ghi nhận một năm kinh doanh tăng trưởng kỷ lục cả về doanh thu lẫn lợi nhuận: doanh thu thuần đạt 6.965 tỷ đồng (tương đương thu về hơn 19 tỷ đồng mỗi ngày), gấp hơn 2 lần năm 2021. Trong đó, doanh thu từ bán thực phẩm và đồ uống là 6.955 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt 4.314 tỷ đồng, tương đương tăng 124%, cao nhất kể từ năm 2014.

Thống kê ngành F&B trong nền tảng thanh toán Payoo, những nhà hàng tiêu chuẩn fine-dining (cao cấp) với mức chi tiêu tầm 1 triệu đồng/người cho mỗi bữa ăn vẫn cho thấy sự tăng trưởng đều đặn, thậm chí tỏ ra hút khách hơn dù giá trị trung bình mỗi đơn hàng ở quý này đã tăng 7% so với quý trước.

Bên cạnh đó, nhóm sản phẩm nữ trang, đá quý cũng có mức tăng trung bình 10%. Quý I vừa qua tập trung nhiều ngày Lễ như dịp Vía Thần Tài, ngày 14/2, 8/3, đây là những dịp người tiêu dùng khá giả thoải mái mở hầu bao cho nữ trang cao cấp.

Dù không phải là mùa cao điểm nhưng sức mua các thương hiệu thời trang xa xỉ được ghi nhận đạt mức tương đương quý trước. Do cầu nhiều hơn cung và sự khan hiếm của các mặt hàng này, các sản phẩm đồng hồ, túi hiệu từ những thương hiệu cao cấp còn trở thành một khoản đầu tư hấp dẫn, sinh lợi cao trong bối cảnh các kênh đầu tư tài chính gần đây thiếu hụt dòng tiền và thanh khoản.

Mạnh tay chi tiền trong khi hầu hết những người khác thực hành tiết kiệm, dưới góc độ kinh tế học, những “người giàu” sẵn sàng tiêu dùng này chính là những nhân tố kích thích và duy trì mạch hoạt động của thị trường. Nếu tất cả đều tiết kiệm, những “dấu hiệu suy thoái” sẽ có thể dẫn đến khủng hoảng thật sự.

Thích ứng để tăng sức đề kháng trong bối cảnh mới

Có thể nhìn thấy rõ nhất sự khác biệt của khó khăn kinh tế ở hiện tại với những lần suy thoái trong quá khứ. Nhờ sự chuẩn bị, đón đầu của tất cả các bên: Chính phủ – Doanh nghiệp – Người dân, những thách thức kinh tế hiện tại có thể không đáng lo ngại, thậm chí mang lại nhiều ý nghĩa tích cực.

Trên thế giới, tháng 3 vừa qua sự kiện ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) phá sản dù làm rúng động giới startup ở Mỹ, nhưng không gây hiệu ứng “domino” cho ngành tài chính toàn cầu. Động thái dứt khoát trong việc mua lại khoản nợ của ngân hàng này của Chính phủ Mỹ và các định chế tài chính khác đã giúp cho SVB không trở thành một Lehman Brothers thứ hai, ngăn cuộc khủng hoảng lan rộng và tác động tiêu cực lên kinh tế toàn thế giới.

Tại Việt Nam, nhận định được những thách thức của nền kinh tế khi động lực tăng trưởng từ khu vực sản xuất công nghiệp suy giảm, Chính phủ cũng “phản ứng nhanh” hơn khi tích cực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua việc giảm lãi suất điều hành. Những việc làm trên đã tạo tâm lý tích cực cho người dân, hỗ trợ người lao động có việc làm và tháo gỡ khó khăn cho thị trường vốn, thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Về phía doanh nghiệp, sau nhiều “cú bồi” từ đại dịch đến đứt gãy chuỗi cung ứng, sau những lần tăng nóng về nhân sự của các doanh nghiệp hoạt động trực tuyến, họ đã có những bài học giá trị để quy hoạch lại nhằm thích ứng với những biến động thị trường. Sa thải nhân sự là một ví dụ điển hình. Thời kỳ “lạm phát tuyển dụng” trong đại dịch, nhiều công ty cạnh tranh tìm kiếm nhân sự mới, đẩy mặt bằng lương lên cao trong khi đóng góp thật của nhân sự không tương xứng. Vì vậy, họ phải hành động để cắt giảm chi phí khi điều kiện kinh tế vĩ mô không thuận lợi. Trong cơn bão sa thải này, quản lý cấp trung – những người không trực tiếp thực thi công việc và dễ rơi vào trạng thái lơ là – trở thành nhóm bị thanh lọc nhiều nhất. Đây được coi là một trong những hành động quyết liệt nhằm gióng lên một hồi chuông cảnh báo để những nhân sự chưa có thái độ tích cực buộc phải nghiêm túc trong công việc của mình. Dù vậy, nhìn tổng thể, số lượng nhân sự còn lại sau bão sa thải vẫn lớn hơn thời điểm trước khi thị trường lao động tăng nóng. Về bản chất, sự thay đổi này đang làm cho thị trường lao động khỏe mạnh hơn, gián tiếp giúp doanh nghiệp thích ứng và có đề kháng tốt hơn với những thay đổi của thị trường.

Với người lao động, việc chi tiêu hợp lý và có xu hướng dành riêng một khoản dự trù phát sinh cho những điều không lường trước được cũng là kinh nghiệm có được sau các lần đối mặt với khó khăn trước đó. Người dùng cũng là đối tượng trực tiếp hưởng lợi vì sức mua hạn chế buộc các doanh nghiệp phải thực hiện các chính sách kích cầu, gia tăng các ưu đãi và chăm sóc khách hàng chu đáo.

Chuyển đổi số thay đổi bộ mặt kinh tế – xã hội

Không thể phủ nhận chuyển đổi số vẫn trên đà chuyển dịch nhanh, mạnh và đồng bộ hơn bao giờ hết. Trong ngành thanh toán, QR code phát triển vượt bậc và phổ biến đến mọi tầng lớp, độ tuổi. Giá trị thanh toán QR qua Payoo của quý I năm nay đã gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Mức độ phủ sóng của QR code từ nhà hàng sang trọng đến quán ăn vỉa hè – điều mà cách đây vài năm khó ai có thể hình dung được. Quán tính lan tỏa của QR nói riêng và thanh toán điện tử nói chung đang rất mạnh mẽ, khiến thanh toán không tiền mặt đã trở thành “từ khoá” phổ biến trong mọi hoạt động mua sắm của người dân.

Tự động hóa doanh nghiệp cũng là một dấu ấn khác trong quá trình chuyển đổi số. Bằng việc áp dụng các công cụ quản trị tổng thể từ các giải pháp số hóa toàn bộ quy trình điều hành nhân sự, quản lý kho bãi, bán hàng, marketing, hậu mãi, tài chính… các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã giảm tải phần lớn các tác vụ đơn giản, tối ưu hiệu quả công việc và phát triển nhanh gấp nhiều lần so với trước kia.

Song song với sự phát triển của khối tư nhân, khối Chính phủ cũng đang tiến nhanh, tiến mạnh nhờ sự nhất quán trong việc triển khai số hóa của chính quyền. Cổng dịch vụ công quốc gia – kênh hỗ trợ thông tin, đăng ký các thủ tục hành chính đến nay đã thanh toán hơn 4,6 triệu giao dịch với tổng giá trị thanh toán hơn 3.830 tỷ đồng. Mặc dù bước đầu triển khai còn nhiều lỗi hệ thống nhưng đến nay, các thao tác thanh toán đã nhanh chóng và quen thuộc với nhiều người dân. Người dân nay có thể đăng ký hoặc xin cấp lại hộ chiếu mới ngay trên cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an, thanh toán trực tuyến và nhận tại nhà sau 8 ngày làm việc. Các hoạt động như thanh toán học phí, viện phí, đặt khám từ xa hoặc làm việc với các Uỷ ban quận, huyện, Sở ban ngành cũng đều có thể tiến hành trực tuyến.

Nhìn chung, mặc dù tình hình kinh tế ngắn hạn vẫn được các chuyên gia cảnh báo sẽ còn nhiều thách thức nhưng Payoo vẫn chọn góc nhìn lạc quan về tăng trưởng kinh tế tích cực trong trung và dài hạn. Chúng tôi đánh giá những giai đoạn thách thức này giúp tạo ra một thế hệ doanh nghiệp và người lao động có sức chống chịu tốt hơn để vượt qua khó khăn, hướng đến sự tăng trưởng bền vững.

KIẾN MINH

Recommended For You