Tảo hôn luôn để lại nhiều hệ lụy, trong đó phải kể đến hậu quả nặng nề khi trẻ vị thành niên mang thai và sinh con sớm. Những đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới” đã gánh trên vai trách nhiệm làm vợ, làm chồng, làm bố mẹ, kéo theo đó là vòng luẩn quẩn đói nghèo – thất học – tảo hôn…
Những bà mẹ “nhí”
Trong căn phòng nhỏ chưa đầy 8 m2 ở buôn Ea Sin, xã Ea Sin (huyện Krông Búk), H’Qui Niê đang gắng gượng dỗ đứa bé 3 tuổi, trên trán còn dán miếng băng hạ sốt. Mong manh trong chiếc áo cộc, người vàng vọt xanh xao, H’Qui già hơn rất nhiều so với tuổi 18. Đã vậy, chỉ khoảng 4 tháng nữa thôi, đứa con thứ hai của em sẽ chào đời.
Sống trong hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu, con cái không có đủ cái ăn, H’Qui không khỏi chạnh lòng mỗi khi nhìn bạn bè cùng trang lứa vẫn đang được học hành, chưa vướng bận chuyện chồng con.
Em gái H’Qui là H’Ngân Niê (SN 2007) cũng vừa làm mẹ hơn một tháng. Lấy chồng khi mới 14 tuổi và làm mẹ khi 15 tuổi, đối với H’Ngân, ước mơ làm cô giáo trở nên xa vời trong sự tiếc nuối.
H’Ngân cho biết, khi đi học, em mơ ước sau này trở thành cô giáo. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, em nghỉ học và vào Bình Dương làm công nhân rồi làm quen bạn trai ở đó, nghĩ đơn giản là lấy chồng để phụ gia đình. Dịch COVID-19 bùng phát, cả hai dắt nhau về Ea Sin sống cùng gia đình, rồi sinh con, đến khi sinh em cũng không biết phải chăm con như thế nào…
Tương tự, H’Thơ Mlô (SN 2004) ở buôn Ea Pông, xã Ea Sin, huyện Krông Búk hiện đã làm mẹ của bé gái gần 3 tuổi. Em “bắt” chồng khi mới 15 tuổi, những tưởng nhà có thêm lao động, cuộc sống sẽ bớt khó khăn. Nhưng đứa con nhỏ ra đời khi hai vợ chồng vẫn còn lóng ngóng khiến cái nghèo thêm phần cơ cực. Trong căn nhà xập xệ đã xuống cấp, khoác trên mình bộ đồ dính đầy nhựa điều và bụi đất, H’Thơ vừa tất tả dỗ dành con vừa lau những giọt mồ hôi lăn dài trên trán. Nhìn em, chúng tôi không khỏi xót xa. H’Thơ tâm sự, mặc dù lúc đó đang đi học nhưng vì nhà không có người làm, hoàn cảnh quá khó khăn nên em đành nghỉ học lấy chồng. Nhìn bạn bè cùng tuổi đi học, đi chơi trong khi mình vất vả, xoay xở chăm con, H’Thơ tủi thân và hối hận vì mình lấy chồng sớm.
Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má, những lời nói đầy tiếc nuối xen lẫn sự bất lực của H’Thơ khiến người nghe chuyện vừa thương, vừa giận. Thương vì em đã phải tự mình vất vả làm mẹ khi tuổi đời còn quá trẻ, giận vì dù đã được cán bộ xã tới tận nhà tuyên truyền rất nhiều lần, đi học em cũng được nghe thầy cô dạy về những hệ lụy khi tảo hôn, biết sẽ khổ nhưng rồi em vẫn trở thành một bà mẹ “nhí”.
Nỗi buồn dai dẳng
Theo thống kê của ngành chức năng, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 3.000 trường hợp tảo hôn, tập trung nhiều ở các vùng dân tộc thiểu số thuộc các huyện Buôn Đôn, Krông Bông, Lắk, Ea Súp, M’Drắk.
Tại huyện Krông Búk, chỉ tính riêng ở xã Ea Sin, trong 5 năm qua đã có hơn 20 trường hợp tảo hôn, riêng năm 2021 đã xảy ra 8 trường hợp tảo hôn, trong đó hầu hết trẻ vị thành niên đã làm mẹ hoặc đang mang thai.
Vấn nạn tảo hôn không chỉ dẫn đến nghèo đói, thất học, mà ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe giống nòi. Hiện Đắk Lắk có tới 18,4% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, 28,5% trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, cao gấp 1,5 lần so với tỷ lệ trung bình của cả nước.
Khi làm mẹ ở tuổi vị thành niên, bản thân những bà mẹ “nhí” bị ảnh hưởng đến sức khỏe do cơ thể chưa phát triển đến độ hoàn thiện, việc quan hệ tình dục sớm, mang thai, sinh đẻ, nuôi con làm chậm quá trình phát triển thể chất tự nhiên, dẫn tới thoái hóa và các di chứng bệnh tật, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của mẹ và những đứa trẻ được sinh ra.
Hơn nữa, theo các nghiên cứu chuyên ngành, sinh con sớm làm tăng gấp đôi tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi và tỷ lệ tử vong của người mẹ mang thai sớm cũng cao gấp 5 lần so với những người mẹ trên 20 tuổi.
Theo chị Phạm Ngọc Diệp, cán bộ Truyền thông dân số – kế hoạch hóa gia đình xã Ea Sin (huyện Krông Búk), thời gian qua, địa phương luôn nỗ lực đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu các hậu quả khi tảo hôn và sinh con sớm.
Thế nhưng, khi tổ chức các buổi gặp mặt tuyên truyền hầu hết các em trong độ tuổi đều không tham gia, thậm chí khi cán bộ truyền thông tới nhà tuyên truyền người dân cũng không nghe.
Bên cạnh đó, do phong tục tập quán của người dân nơi đây còn lạc hậu nên việc tuyên truyền rất khó khăn. Các gia đình thường giấu không cho cán bộ địa phương biết việc tổ chức đám cưới nên khi phát hiện ra thì hầu hết các em gái đã có thai rồi…
Kim Oanh
- Hình bìa: H’Ngân Niê chăm sóc đứa con hơn một tháng tuổi. Ảnh: Q.Nhật
Nguồn: Báo Đắk Lắk điện tử