Mỗi lần có ai nhắc đến tên đất, tên làng, già đều cảm nhận được hồn đất, hồn làng gửi vào trong đó. Tên làng, mộc mạc, hiền lành thôi, như ngọn núi sừng sững ôm ấp làng từ ngày khai thiên lập địa, như con suối lặng thầm cho con nước mát lành, như bóng cây cổ thụ ngay đầu cổng làng vươn những chiếc cành đón chào người làng, người xa.
Làng, nơi già chôn rau cắt rốn, gắn bó trọn cả cuộc đời. Khi già hãy còn là đứa trẻ nằm trên địu mẹ, rồi trở thành chàng trai da nâu, mắt sáng, vóc dáng chắc nịch, đến nay chân đã chùng, gối đã mỏi, sương mai đã gợn mái đầu.
Già nhớ ngày còn là cậu bé con, lon ton theo cha đi khắp làng. Nghe cha kể bao nhiêu là chuyện, chuyện ngày xửa ngày xưa, chuyện dời làng trên núi cao về lòng thung, chuyện các bậc cao niên cùng nhau bàn bạc đặt tên làng sao cho thân thương, gợi nhớ.
Mới đầu, làng nào đã có tên. Tên của làng là do các bậc cao niên nhìn núi, nhìn sông, nhìn cảnh vật quanh làng mà gọi. Tên của làng là do người làng chung ý nguyện, gửi gắm bao ước vọng bình an, no ấm mà thành. Chẳng chút hoa mĩ, phô trương mà sao già thấy tên làng thân thương lạ kỳ, đi xa bao lâu đều nhớ mong, đều thao thiết ngóng trông ngày trở về.
Nhớ lần đang ồn ã tưng bừng nơi phố xá, người quen mới nhắc đến tên làng thôi già đã thấy nhớ ơi là nhớ. Nhớ ngôi làng nằm dưới lòng thung thân thương. Nhớ triền núi chênh chếch lúc nào cũng biêng biếc xanh những sắn, những ngô nuôi bao người làng khôn lớn. Nhớ ngày hội làng với tiếng cồng chiêng, điệu múa xoang rộn rã. Nhớ nếp làng, nếp nhà, nhớ những ân nghĩa ở làng. Nhớ tên những người làng, tên những món ăn, tên những loại rau, loại trái, loại cá bên bìa rừng, ven suối vẫn mãi là dấu cộng mến thương trong lòng già. Nhớ con đường nhỏ dẫn vào xóm nhỏ, ở đó có ngôi nhà sàn nho nhỏ và những con người thân yêu ruột thịt của già đã trở thành khoảng lặng đầy vơi. Nhớ cây hoa pơ lang bên góc suối chẳng biết đã bao nhiêu năm tuổi, cành vươn cao, lẳng lặng soi bóng khoe sắc đỏ rực rỡ gây thương, gây nhớ. Nhớ tà áo thổ cầm nhiều sắc màu chấp chới trong sương sớm bảng lảng. Và nhớ cả mỗi khi chiều xuống, khói lam dâng ngập không gian làng những mùi vị thân thương của cuộc sống hằng ngày.
Mỗi lần có người nhắc đến tên làng, già lại thấy như hồn đất hồn làng thức dậy. Làng ban cho già bao ân huệ cảm xúc, bồi đắp cho già những giọt mật đầu tiên và nâng già bước vào cuộc đời tràn đầy tin yêu, nên thơ, diệu vợi. Già cũng nghĩ về làng là nơi chốn của bình yên, trú ngụ. Xa làng thì nhớ làng, về bên làng vẫn không nguôi cơn khát tìm kiếm những góc nhớ mênh mông ở làng.
Nghe tên nhớ đất, nhìn tên thấy làng. Tên làng chẳng biết từ bao giờ neo đậu cùng với bóng dáng tảo tần, sáng sáng í ới nhau lên rẫy, ra đồng, chiều hôm về gùi nặng trĩu những bắp, những măng, những rau rừng. Tên làng gắn với những con người cả cuộc đời sinh ra, lớn lên ở làng với biết bao niềm vui, bao nỗi buồn, bao nhớ nhung, bao hoài niệm.
Tối tối, bên lửa hồng, quanh những câu chuyện làng, chuyện nhà, già lại giống như cha mình ngày trước, say sưa kể chuyện ngày xửa ngày xưa, chuyện lập làng, chuyện đặt tên làng. Giọng già khi nào cũng chậm rãi, đều đều, còn những câu chuyện kéo dài, mênh mông, cứ thế mà quấn quýt, đan xen vào nhau. Nào là, ngày nhỏ đi học, lớn lên đi làm, mỗi lần ghi chú thông tin cá nhân đều lưu dấu tên đất, tên làng cả đấy. Nào là, tên đất, tên làng như hương núi, hương rừng vương vấn. Tên đất, tên làng đâu dừng lại ở dãy núi trùng điệp ở phía sau lưng nhà, đâu dừng lại ở rừng cây nhấp nhô trước mặt, mà còn ở những thửa ruộng bậc thang, ở điệu múa xoang quanh tiếng cồng chiêng rộn rã.
Tên làng hiền hậu mãi là mạch nguồn của cảm hứng, nuôi dưỡng già bền bỉ đi qua những tháng năm ngập tràn nắng gió. Tên làng thân thương mãi neo đậu trong sâu thẳm tâm can già, đi xa thì nhớ, về bên làng rồi vẫn lặng lẽ tìm những góc thương, góc nhớ.
Già nguyện trọn đời mình sẽ mãi làm đốm lửa nhỏ truyền kể về tình yêu, về những câu chuyện hồn đất, tên làng cho các con, các cháu như một cách thắp sáng những góc nhớ mênh mông.
NGUYÊN PHÚC
Nguồn: Báo Kon Tum điện tử