Tết cổ truyền của người Sán Dìu

    Người Sán Dìu ở Bắc Giang có gần 24 vạn người sinh sống và cư trú ở 109 xã, thị trấn thuộc các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Tân Yên và Lạng Giang. Họ sống xen kẽ với những đồng bào dân tộc khác trong các làng bản.

    Hàng năm khi tết đến, gia đình người Sán Dìu nào cũng chăm chút đèn hương, hoa quả, thực phẩm để cúng ông bà, tổ tiên.

    Trong một năm người Sán Dìu có nhiều cái tết khác nhau như: thanh minh, rằm tháng giêng, tết Trung thu… Tuy nhiên, tết Nguyên đán vẫn là tết lớn nhất trong năm của đồng bào.

    Người Sán Dìu ăn tết chính trong 3 ngày từ mồng 1 đến mồng 3 âm lịch, nhưng các hoạt đông vui xuân thường kéo dài đến hết ngày 15 tháng giêng, sau đó mới bắt đầu bước vào lao động sản xuất. Từ ngày 28 tết mọi người gác lại các công việc sản xuất.

    Người Sán Dìu rất chú trọng trang trí nhà cửa, gần tết nhà nào cũng chuẩn bị giấy đỏ để trang trí quanh nhà. Mỗi mảnh giấy dài khoảng 15 cm, rộng 6 cm được dán lên các vị trí như bàn thờ tổ tiên, trước cửa ra vào, ngoài cổng, chuồng trâu, heo… cây cối hoặc các vật dụng lao động sản xuất như cuốc, xẻng, lưỡi cày…

    Đặc biệt, trong mỗi gia đình thường có một bộ tranh tết, một bộ tranh thờ treo trên bàn thờ hoặc trên tường. Về mặt mỹ thuật, tranh có màu sắc đẹp, bố cục, không gian hài hòa, cách tạo hình đặc sắc, các gam màu rất mạnh mẽ và rực rỡ.

    Gần tết, trẻ em háo hức được theo các bà, các chị tấp nập rộn ràng trong những phiên chợ ngày cuối năm để mua sắm những thứ cần thiết.

    Mâm cỗ ngày tết của đồng bào gồm nhiều món khác nhau như: bánh chưng, xôi, gà, thịt heo, khau nhục, bánh khảo, bánh rợm…

    Theo đồng bào dân tộc Sán Dìu, màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, tốt đẹp.

    Ngày 30 tết, các gia đình làm cỗ cúng gia tiên và thường để lại một ít tiết gà để bôi lên những mảnh giấy đỏ dán trước cửa nhà vì theo quan niệm màu đỏ của tiết gà sẽ đem lại sự may mắn cho gia đình trong năm mới.

    Trong những ngày tết, ngoài thịt heo, gà và rượu, thứ không thể thiếu là bánh giầy.

    Từ đôi tay khéo léo của các bà, các mẹ, các chị, món bánh giầy được chế biến kỳ công qua nhiều công đoạn như chọn gạo nếp, đậu xanh đem ngâm nước, nấu chín, cho thêm gia vị, giã bánh… Những chiếc bánh ngon nhất, đẹp nhất sẽ được chọn để thờ cúng tổ tiên.

    Trong những ngày tết, mọi người đến nhà nhau chúc tụng, ăn uống. Người già bàn cách làm ăn, thanh niên ra nhà sàn vui chơi ca hát, thi đấu các môn thể thao truyền thống như đánh cầu, đánh đáo.

    Cỗ tất niên của đồng bào cần phải ăn cho bằng hết, không để lại tới ngày hôm sau, vì ngày mồng 1 tết người bà con có tục ăn chay.

    Đặc biệt trong ngày tết này người Sán Dìu có tục lệ đốt lửa đêm 30, hay còn gọi là tục đốt đống giấm, tục này đã tồn từ lâu đời và được các thế hệ duy trì đến ngày nay.

    Từ chiều ngày 30 tết, mọi nhà tiến hành dọn dẹp nhà cửa, sân vườn, thu gom các thứ rác thải, phế thải của gia đình mình cùng với củi khô đem chất đống ở ngoài cổng nhà, trước lúc giao thừa chủ nhà sẽ châm lửa để đốt, đống lửa cháy đỏ rực trong đêm.

    Theo quan niệm thì tất cả các loại rác thải này là những điều không may mắn của năm cũ tồn tại lại cần phải đốt đi, sao cho cháy hết trước lúc giao thừa là tốt nhất.

    Ngoài ý nghĩa xua đuổi những điều không may, đồng bào còn cho rằng, việc đốt lửa đêm 30 tết trước cổng nhà là để báo hiệu cho ông bà, tổ tiên biết rằng con cháu rất vui mừng đón ông bà, tổ tiên về ăn tết cùng, đây là nét văn hóa truyền thống và không thể thiếu trong mỗi dịp tết đến xuân về, nói lên ước muốn có nhiều niềm vui, nhiều may mắn sẽ đến với gia đình mình trong năm mới.

    Sáng mồng 1 tết, người Sán Dìu ra suối lấy nước về để thờ và để ăn trong mấy ngày liền, từ ngày mồng 2, mọi người đến nhà anh em, họ hàng, làng xóm để chúc tết nhau.

    Hương sắc mùa xuân, ngày tết của đồng bào cứ tiếp diễn cho đến ngày 16 tháng giêng mới bắt tay vào vụ. Đồng bào thường đi dự các hội hát mùa xuân trong huyện, cũng như đi giao lưu hát soọng cô ở các huyện, tỉnh khác như: Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Lạng Sơn…

    NGUYỄN HƯỞNG

    Hình: Đồng bào Sán Dìu ở Lục Ngạn gói bánh chưng đón tết

    Recommended For You