Ngày trước ở vùng nông thôn, ngoài chiếc giếng chung thường nằm ở đầu làng, dưới bóng mát sum suê của cây muỗm, cây đa cổ thụ và mái đình rêu phong, cổ kính thì ở nhiều gia đình còn đào những chiếc giếng riêng nơi góc vườn hoặc cạnh khu vực nhà bếp để tiện cho việc sinh hoạt hằng ngày.
Để có được chiếc giếng khơi nước trong vắt và luôn đầy ăm ắp, nhiều gia đình phải chọn được tốp thợ đào giếng có kinh nghiệm, chỉ cần nhìn địa hình cũng đoán biết được những nơi có mạch nước ngầm dồi dào, phun khỏe.
Còn nếu hàng xóm láng giềng, anh em trong nhà tự rủ nhau đào giếng thì phải căn cứ vào kinh nghiệm dân gian của các cụ truyền lại. Ấy là khi mặt trời lặn, lấy mấy cái bát sứ lau thật khô rồi úp ở những vị trí khác nhau trên nền đất, sáng hôm sau kiểm tra, thấy lòng bát nào đọng nhiều hơi nước hơn cả thì chọn đó làm nơi đào giếng. Việc đào giếng vốn quan trọng và có phần cầu kỳ như vậy nên khi có được một cái giếng ưng ý, cả nhà ai cũng cảm thấy mãn nguyện.
Giếng khơi thường xây bằng đá ong hoặc gạch đỏ nung thật già. Thành giếng xây cao khoảng một mét, vừa để tránh nước bẩn tràn vào khi mưa lụt, vừa để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ. Lòng giếng lâu ngày mọc đầy rêu xanh do nước lên xuống vơi đầy suốt ngày đêm theo mạch ngầm.
Nhà ông bà ngoại tôi trước làm nghề bán bánh dày giò, thuộc hàng khá giả trong làng nên thuê được đám thợ lành nghề về đào được chiếc giếng khơi nước lúc nào cũng đầy, trong vắt và ngọt lịm. Những ngày hè mưa rào to liền mấy trận, nước ngập lên tận miệng, tràn cả xuống sân giếng, trẻ con chúng tôi tha hồ chạy ra vùng vẫy, nô đùa.
Nước giếng mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát lạnh, những ngày trở trời cũng không bị đổi màu, đổi mùi vị, đun lên hãm chè tươi nước cứ xanh óng, đượm hương nên hàng xóm nhiều nhà thường sang xin nước về dùng.
Quanh bờ giếng, bà tôi còn bắc giàn, trồng bí, mướp, hoa thiên lý nên khu vực giếng thật mát mẻ. Cứ đến giờ cơm nước, giặt giũ, sân giếng lại tấp nập các bà, các mẹ đến rửa rau, vo gạo, tắm giặt cho các con, chuyện trò rôm rả.
Những trưa hè oi bức, cánh thợ gặt đi làm đồng về, cứ vục gầu xuống, kéo nước lên tu ừng ực mà chẳng lo bị đau bụng.
Bây giờ quê tôi, nước máy đã đến từng nhà. Những chiếc giếng khơi hầu hết đã bị lấp đi vì chẳng còn mấy nhà sử dụng. Nhưng chiếc giếng khơi nhà ông bà ngoại tôi vẫn còn đó, trong veo soi bóng mây trời. Mỗi lần về quê, thả dây gầu xuống lòng giếng thăm thẳm, lại nghe như văng vẳng âm thanh quen thuộc của tiếng gầu va vào thành giếng những đêm trăng yên ả thuở nào.
Nguồn: Báo Nam Định | Lam Hồng