Tháng Bảy… nhớ bố

Cuối tuần, phố núi mưa rả rích. Thành phố sương mù trong mưa càng lắng đọng, bâng khuâng. Ngồi buồn, tôi mở nhạc vừa nghe vừa ngắm phố xá qua màn mưa. “… Tháng Bảy con lại về đây… Cha ơi thổn thức cõi lòng, gửi vào thương nhớ đôi dòng lệ rơi…” – những ca từ da diết khiến trong tôi bất giác dâng trào cảm xúc, sống mũi cay cay. Thoắt cái mà đã tháng Bảy rồi đấy. Với gia đình tôi, tháng Bảy đặc biệt hơn cả vì gắn với thật nhiều ký ức không thể quên về bố.

Thuở bé, những ngày mưa dầm tháng Bảy, mấy chị em chúng tôi thường quây quần ngồi tẽ ngô hoặc quay len cho mẹ, mẹ vừa đan áo vừa kể chuyện ngày xưa. Chuyện mẹ kể mãi không hết, cứ nghe mãi không chán, từ chuyện cái cổng làng bị bom giặc cắt chéo một vạt, chuyện đi cấy sáng trăng, đi nhổ đay, giặt đay là như thế nào, rồi chuyện cả nhà phải đi sơ tán, ở nhờ bên chái bếp của bác Toan…

Những lúc ấy, bố ngồi trầm ngâm với điếu thuốc, nhìn xa xăm vô định, thi thoảng lại tủm tỉm cười như đang sống lại thời xa xưa. Bố tôi sinh ra trong một gia đình bần nông ở làng quê vùng chiêm trũng thuộc miền đồng bằng Bắc bộ nổi tiếng với Phố Hiến, với “Nhãn lồng bổ ngập dao phay…”.

Như bao người trai trong thời chiến trận, bố tôi cùng chúng bạn xung phong lên đường nhập ngũ khi đang là sinh viên năm nhất Trường Cao đẳng kỹ thuật Hưng Yên, mặc dù mới cưới vợ được mấy ngày. Mẹ bảo ngày bố lẻn trốn đi đến khu tập kết đội hình chuẩn bị hành quân, lúc ông bà biết thì sự đã rồi, bà nội tôi gào khóc từ chiều đến đêm.

Hẳn nhiên là quá bất ngờ, bởi bà chắc mẩm cưới vợ rồi và với trách nhiệm con cả trong nhà, lại là đích tôn của dòng họ thì bố tôi sẽ không nhất quyết đòi đi bộ đội nữa.

Tiểu đoàn của bố được giao nhiệm vụ chiến đấu tại chiến trường nước Lào. Hai người chị và tôi được hoài thai từ những lần bố về thăm nhà, bởi vậy tuổi của 3 chị em cách nhau không đều: 1 năm, lại 5 năm.

Rồi bố được xuất ngũ về nghỉ mất sức vì bị bom napan ép chùn một đốt sống lưng. Cũng từ đó, mọi gánh nặng dồn lên vai khiến mẹ tôi – một cô giáo cấp hai, phải tảo tần vừa đi dạy học vừa tranh thủ làm nghề hàng xáo để trang trải kinh tế cả gia đình.

Tháng Bảy năm 1991, cả nhà tôi “Nam tiến” đến vùng kinh tế mới Lâm Hà theo chủ trương, vận động của Đảng và Nhà nước. Những ngày đầu thật nhiều gian khó. Sức khỏe sau xuất ngũ suy giảm nhiều nhưng bố vẫn cố gắng lo toan việc ruộng vườn, nương rẫy để mẹ tôi yên tâm công tác và bươn chải dạy một lúc mấy trường.

Nấu nướng, mổ cá, gói bánh chưng hay trồng cây, cấy lúa, thậm chí giặt giũ, khâu áo vá quần đều một tay bố làm và chỉ dạy từng li từng tí cho mấy đứa con gái. Nhờ thế mà chị em chúng tôi đều biết tự chăm sóc tốt bản thân và làm mọi việc, yên tâm không bị mắng vốn là “con gái vụng về”.

Bố tôi hiền lành nhưng ít nói, nhìn vẻ ngoài đã toát lên sự nghiêm nghị, khuôn thước. Thế nên, lũ bạn tôi luôn nghĩ rằng bố của tôi nghiêm khắc lắm. Suốt thời gian tôi học phổ thông, không mấy khi lũ bạn dám bén mảng đến nhà rủ rê đi chơi, chỉ trừ chuyện bài vở.

Còn thằng em trai tôi là con trai một mà cũng chẳng hề được bố nuông chiều kiểu “quý tử” như nhà người ta. Đấy là mọi người cảm thấy thế, chứ thực tình bố tôi là người tình cảm nhưng không thể hiện ra ngoài. Ngay con bé “Trâu sứt của bố” là tôi đây, cũng từng nghĩ bố sao mà nghiêm quá, khó quá. Sau này lớn khôn rồi, tôi mới nhận ra điều này.

Đó là những lần tôi bắt gặp người đàn ông nghiêm khắc ấy khóc. Bố đã âm thầm vào bếp khóc một mình khi nghe tin tôi đậu đại học, sắp đi học tận Sài Gòn xa xôi. Cũng là bố (chứ không phải mẹ) khóc trong ngày lễ vu quy của con gái. Và cả những giọt nước mắt có lẽ vì thương, vì đau lòng khi mẹ tôi kể về những ấm ức, tủi thân của nàng dâu mới trong khoảng thời gian bố đang ở nơi hòn tên mũi đạn.

Tháng Bảy năm ấy… bố để lại mẹ con chúng tôi mà đi mãi mãi khi vừa nhận được huy chương ghi nhận những chiến công trong đấu tranh giúp cách mạng Lào. Tôi không bao giờ quên được những ngày bố bị cơn bạo bệnh, tất cả như vừa mới xảy ra hôm qua mà thôi. Những lúc khối u quái ác hành hạ, cả nhà quặn thắt theo từng đợt bố phải rướn lên hít thở khí dung, xót xa nhìn người lính từng một thời kiên cường nơi trận mạc đang gồng mình chiến đấu với bệnh tật.

Biết rằng đau đớn nhiều lắm nhưng hỏi thì bố luôn tỏ vẻ không sao, bác sĩ đồng ý để bố được về nhà cho dễ chịu. Sau khi dặn dò tỉ mỉ hết lượt con cháu, bố đau dữ dội phải nhập viện trở lại. Khoảnh khắc tất cả bác sĩ trong ca trực vội vã chạy vào phòng cấp cứu, mẹ tôi ngã quỵ, chị em tôi hiểu rằng không còn níu giữ được nữa rồi.

Thế là bố đi, chẳng dự Lễ kỷ niệm 27/7 với các bác, các chú ở Hội Cựu chiến binh. Đồng đội, láng giềng đến tiễn đưa bố trong một buổi sáng trời cũng mưa tầm tã như hôm nay.

Tháng Bảy năm nay, đã 11 năm nhà vắng bố. Bố ơi…

P.K.L

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Recommended For You

Để lại một bình luận