Sắt là một trong những dưỡng chất quan trọng bậc nhất của cơ thể. Nếu thiếu sắt, cơ thể sẽ: không thể sản xuất đủ hemoglobin để giúp hồng cầu chuyên chở oxy đến các mô. Cơ thể không thể dự trữ oxy, mô cơ vân sẽ giảm sút, làm cho cơ thể hoạt động không hiệu quả, mau mệt mỏi, kém tập trung, trí nhớ kém, hay quên khi thiếu sắt.
Theo một kết quả thống kê cho thấy hiện trên thế giới có khoảng 20% phụ nữ, 50% phụ nữ mang thai, và 36% nam giới bị thiếu sắt dẫn đến chứng thiếu máu thiếu sắt.
Nhu cầu hấp thụ sắt cho từng đối tượng
Lượng sắt trong cơ thể phụ thuộc vào giới tính và độ tuổi như sau:
Biểu hiện và hậu quả khi thiếu sắt
Các biểu hiện của thiếu sắt như: cơ thể yếu và mệt mỏi, giảm khả năng tập trung, rụng tóc, đau đầu, móng yếu dễ gãy. Ở một số người, khi bị thiếu sắt họ sẽ luôn cảm thấy ớn lạnh bởi vì sắt đóng một vai trò trong việc điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể.
Nếu thấy những biểu hiện trên, nên đi khám bác sĩ và làm xét nghiệm máu nhanh sẽ giúp phát hiện sớm nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt của cơ thể hay không. Với người bị thiếu sắt lâu ngày, khả năng vận chuyển oxy của hồng cầu sẽ bị suy giảm dẫn đến việc thiếu oxy cung cấp cho các tổ chức đặc biệt như tim, cơ bắp, não… khiến họ luôn có cảm giác mệt mỏi, yếu ớt và xanh xao.
Thiếu máu thiếu sắt nhẹ thường không gây ra biến chứng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, bệnh có thể trở nên nặng và gây ra những vấn đề nghiêm trọng bao gồm:
- Tim mạch: thiếu máu thiếu sắt có thể làm tim đập nhanh hoặc không đều. Tim phải bơm nhiều máu hơn để thích nghi với tình trạng thiếu oxy có trong máu khi bệnh nhân bị thiếu máu. Ở những bệnh nhân bị bệnh mạch vành – hẹp những động mạch cung cấp máu cho tim – thiếu máu không được phát hiện ra có thể dẫn đến đau thắt ngực. Đau thắt ngực là cơn đau ngực gây ra bởi giảm lượng oxy và máu đến nuôi cơ tim.
- Thai kỳ: ở những phụ nữ đang mang thai, thiếu máu thiếu sắt nặng có thể liên quan đến sinh non và khiến trẻ nhẹ cân. Nhưng tình trạng này có thể phòng ngừa một cách dễ dàng bằng cách bổ sung sắt trong giai đoạn trước khi sinh.
- Vấn đề tăng trưởng: ở nhũ nhi và trẻ em, thiếu sắt nặng có thể dẫn đến thiếu máu cũng như làm chậm phát triển. Thiếu máu thiếu sắt không được điều trị có thể dẫn đến chậm phát triển tâm thần và thực thể ở nhũ nhi và trẻ em trong các vấn đề của khả năng nói và đi. Ngoài ra, thiếu máu thiếu sắt liên quan đến sự gia tăng tỷ lệ ngộ độc chì và tăng nhạy cảm với nhiễm trùng.
Những ai có nguy cơ thiếu sắt?
Tất cả mọi người đều có thể bị thiếu sắt, tuy nhiên những người sau sẽ có nguy cơ cao hơn:
- Phụ nữ: từ giai đoạn bắt đầu có kinh nguyệt đến khi mang thai và mãn kinh đều có nguy cơ bị thiếu sắt hơn các nhóm khác, đặc biệt thiếu nhiều trong thời gian mang thai.
- Những người ăn chay: sắt trong thịt hấp thu nhanh hơn sắt trong thực vật vì thế việc ăn chay sẽ rất khó cung cấp đủ lượng sắt cần thiết cho cơ thể. Những người ăn chay có nhu cầu sắt gấp 2 lần so với những người không ăn chay (đặc biệt là với phụ nữ).
- Phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt: khi các bạn gái thường hay cảm thấy chóng mặt, choáng váng trước và trong chu kỳ kinh nguyệt đó chính là biểu hiện của hiện tượng thiếu sắt thiếu máu. Vì trong chu kỳ kinh nguyệt cơ thể của phụ nữ sẽ mất đi một lượng máu đáng kể đồng nghĩa với hàm lượng lớn của sắt bị mất đi.
- Những người bị bệnh tiêu hóa: những người bị bệnh viêm đường ruột có nguy cơ cao do không có khả năng hấp thu đủ dinh dưỡng cho cơ thể.
Khi nào cần bổ sung chất sắt và dưỡng chất?
Khi bạn cần chuẩn bị năng lượng để đối mặt với một cuộc sống bận rộn, vận động quá sức hay phải gánh chịu ảnh hưởng của bệnh tật. Khi tỷ lệ “cung” không đủ “cầu” đối với nhu cầu sắt ở các bạn gái trong độ tuổi dậy thì. Khi bạn không chú ý tăng cường chất dinh dưỡng và bổ sung kịp thời, cơ thể sẽ bị suy nhược, gây ra các chứng bệnh như thiếu máu.
Vì thiếu máu còn là một đặc điểm sinh lý thông thường. Vì một chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ là 3 – 5 ngày, nhưng vẫn có một số phụ nữ có chu kỳ kéo dài hơn, làm cho lượng máu và lượng sắt mất khá nhiều. Nếu lưu ý cung cấp thêm sắt và các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, thì chắc chắn bạn sẽ tránh được chứng bệnh thiếu máu mạn tính sau này.
BS. THANH HƯƠNG