Thôn Đoài còn nhớ thôn Đông?

Đã bao giờ bạn tự hỏi trong câu thơ của Nguyễn Bính:
“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ, mười mong một người”
thì thôn Đoài và thôn Đông ở đâu không?

Mà sao “Đông” và “Đoài” lại xuất hiện nhiều đến thế trong thi ca?
Quang Dũng thì thốt lên khắc khoải:
“Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương?”…

Thực ra “Đoài” chẳng là thôn nào cụ thể, mà Đông cũng thế.

Đoài là phía Tây, Đông là phía Đông.

“Thôn Đông, thôn Đoài” là cách gọi tên những làng quê bất kỳ ở đồng bằng và Trung du Bắc bộ, cũng như “bên ni, bên nớ, bên tê” của người Trung bộ mà thôi.

Cho đến câu ca dao:
“Xứ Đoài, xứ Bắc, xứ Đông
Xứ Nam cộng lại ôm thành Thăng Long”
thì Đoài đã rộng lớn hơn nhiều rồi.

“Xứ Đoài” là vùng đất ở phía Tây kinh thành, bên cạnh các xứ Nam (Trấn Sơn Nam), xứ Đông (Trấn Đông) và xứ Bắc (Trấn Kinh Bắc).

Trong đó, xứ Đoài là Sơn Tây, một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ năm 1831, thời vua Minh Mạng, bao gồm phần lớn địa bàn các tỉnh Vĩnh Phúc, phía Bắc tỉnh Phú Thọ, một phần tỉnh Tuyên Quang và Tây Bắc thành phố Hà Nội ngày nay. Tỉnh lỵ là thành Sơn Tây, nay là thị xã Sơn Tây.

Xứ Đoài tự hào đã sản sinh cho dân tộc những nhân vật lịch sử như Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Phùng Khắc Khoan, Giang Văn Minh… Các nhà thơ Phạm Tiến Duật, Quang Dũng cũng quê gốc xứ Đoài.

Xứ Đông hay trấn Hải Đông có hạt nhân là trấn Hải Đông xưa, nay là thành phố Hải Dương, bao gồm một vùng rộng lớn ở Đông Bắc Đồng bằng sông Hồng, với các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng và một phần đất thuộc các tỉnh Quảng Ninh và Hưng Yên.

Thật “môn đăng hộ đối”, trong suốt nhiều thế kỷ, xứ Đông cũng là một trong những trung tâm kinh tế và văn hóa sôi động của quốc gia Đại Việt, đặc biệt là giai đoạn từ thời Trần cho tới thời Mạc; là nơi phát tích Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông sáng lập.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, đất và người xứ Đông đã có những đóng góp mang tính nền tảng cho nền văn hóa Việt Nam với những tác giả lớn từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ, Phạm Đình Hổ… cho tới Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam… Đặc biệt, xứ Đông đóng góp cho âm nhạc nhiều người con ưu tú của mình như Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Phạm Tuyên, Đỗ Nhuận…

Xứ Bắc và xứ Nam thì sao? Hy vọng được hầu chuyện bạn đọc lần sau.

Nguồn: Hải Quan online | Cẩm Hà

Recommended For You