Sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hay các tiêu chuẩn tương đương sẽ được thừa nhận ở phạm vi rộng, dễ dàng được chấp nhận bởi các nhà phân phối lớn và các thị trường khó tính.
4 tiêu chuẩn chính của VietGAP
VietGAP là tiêu chuẩn thực hành tốt nông nghiệp Việt Nam, do Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi.
Tiêu chuẩn VietGAP ra đời ngày 28/1/2008, kế thừa các mô hình sản xuất GAP ở các nước trên thế giới.
Các tổ chức, doanh nghiệp muốn đạt được chứng nhận VietGAP cần đáp ứng đầy đủ 4 tiêu chí:
- 1. Về kỹ thuật sản xuất;
- 2. Tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, bao gồm các biện pháp đảm bảo không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch;
- 3. Tiêu chuẩn về môi trường làm việc, mục đích nhằm ngăn chặn việc lạm dụng sức lao động của nông dân;
- 4. Truy tìm nguồn gốc sản phẩm. Tiêu chuẩn này cho phép xác định được những vấn đề từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể là việc quy định rõ ràng những yếu tố chính trong sản xuất nông nghiệp như: đánh giá và lựa chọn vùng sản xuất; giống và gốc ghép; quản lý đất và giá thể; phân bón và chất phụ gia; nước tưới; hóa chất (bao gồm cả thuốc bảo vệ thực vật); thu hoạch và xử lý sau thu hoạch; quản lý và xử lý chất thải; an toàn lao động; ghi chép, lưu trữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm; kiểm tra nội bộ; khiếu nại và giải quyết khiếu nại.
Việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP chính là bằng chứng khẳng định tên tuổi của các sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi của Việt Nam, tăng kim ngạch xuất khẩu do vượt qua được các rào cản kỹ thuật, không vi phạm các quy định, yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Tiêu chuẩn GlobalGAP được công nhận toàn cầu
GlobalGAP là một bộ tiêu chuẩn được xây dựng để áp dụng tự nguyện cho sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản) trên toàn cầu.
Trọng tâm của GlobalGAP là an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, nhưng bên cạnh đó cũng đề cập đến các vấn đề khác như an toàn, sức khỏe và phúc lợi cho người lao động và bảo vệ môi trường.
GlobalGAP với hơn 100 tiêu chí kiểm soát, yêu cầu các nhà sản xuất phải thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm xuyên suốt, bắt đầu từ khâu sửa soạn nông trại canh tác đến khâu thu hoạch, chế biến và tồn trữ.
Chẳng hạn, phải làm sạch nguồn đất, đảm bảo độ an toàn nguồn nước; giống cây trồng, vật nuôi được chọn cũng là giống sạch bệnh bởi nếu giống không an toàn sẽ ảnh hưởng nhiều tới năng suất, chất lượng; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng phải đảm bảo là những thuốc trong danh mục, chủ yếu là thuốc có nguồn gốc hữu cơ an toàn cho người sử dụng.
Ngoài ra, người sản xuất phải ghi chép lại toàn bộ quá trình sản xuất, bắt đầu từ khâu xuống giống đến khi thu hoạch và bảo quản để phòng ngừa khi xảy ra sự cố như là ngộ độc thực phẩm hay dư lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép và có thể truy nguyên được nguồn gốc.
Sản phẩm được chứng nhận GlobalGAP sẽ được nhận biết thông qua hệ thống định vị tọa độ địa lý toàn cầu, tham gia hệ thống dữ liệu toàn cầu, đảm bảo truy xuất nguồn gốc nên có thể trở thành đối tượng của thương mại điện tử.