Phải đợi đến cuối năm lớp chín, khi tôi đã bước qua tuổi mười sáu, hình bóng của anh em thằng Chửng mới bắt đầu nhạt dần trong những giấc mơ tôi.
Dĩ nhiên chúng tôi vẫn còn cặp kè với nhau như ba thằng tiểu quỷ và không ngừng lang thang phá làng phá xóm cũng như làm lắm trò ngốc nghếch khác. Nhưng lúc này, chui vào chùa nấp sau lưng tượng phật để chờ dịp đánh cắp oản xôi hoặc lẻn lên gác chuông nhà thờ giựt chuông “boong boong” rồi co giò vọt chạy đối với tôi không còn là những giây phút mơ mộng của riêng mình.
Đã có những buổi tôi lần mò ra bờ suối mà không có anh em thằng Chửng. Tôi ra suối chẳng để câu cá, cũng không lặn hụp. Tôi ngồi trên bãi cỏ bâng khuâng nhìn những chiếc lá khô chập chờn theo dòng nước, lòng miên man nghĩ tới tận đâu đâu. Đó là dạo chị Ngà về nhà ông tôi.
Mùa hè năm đó chưa kịp bắt đầu, dì Miên đã hớn hở thông báo với tôi nhân một chuyến về thăm nhà:
– Trường ơi! Hè này bạn của dì về đây học thi chung với dì đó!
– Vậy hả!
Tôi đáp một cách hững hờ. Tôi biết dì báo tin đó với tôi không phải để chia sẻ niềm vui của dì. Hẳn dì sắp đòi hỏi tôi một chuyện gì đó. Quả nhiên, sau khi ngừng lại để lấy hơi, dì nhìn đăm đăm vào mắt tôi, khẽ giọng dặn:
– Có bạn của dì về ở, Trường bớt nghịch lại một chút nghen!
– Cháu có nghịch gì đâu! – Tôi đáp, giọng tự ái.
Thấy tôi giận dỗi, dì Miên cười xòa:
– Thì dì chỉ nói thế thôi!
Vẫn chưa nguôi ấm ức, tôi “trả đũa” bằng cách giả bộ ngây thơ hỏi:
– Bạn trai hả dì?
Dì Miên tròn mắt:
– Sao Trường hỏi kỳ vậy? Ai dám rủ bạn trai về nhà học chung! Đây là bạn gái! – Rồi như chợt nhớ ra chuyện gì, dì nói như reo – Chị Ngà đó, Trường nhớ không?
Tôi nhún vai:
– Bạn của dì, làm sao cháu biết được?
Dì Miên nhìn tôi bằng ánh mắt ranh mãnh:
– Nhưng chị Ngà thì chắc Trường phải biết!
Vẻ quả quyết của dì khiến tôi ngạc nhiên. Nhưng sau một hồi đăm chiêu nghĩ ngợi, tôi vẫn không tài nào nhớ nổi chị Ngà là ai.
Nhìn vẻ mặt ngớ ngẩn của tôi, dì Miên mỉm cười:
– Nếu Trường không nhớ thì để dì nhắc lại cho! Chị Ngà tức là cái chị nằm bên cạnh Trường trong chuyến đi cắm trại năm kia, tức là cái chị sau lần đó đã thề là…
Dì Miên nói chưa dứt câu, tôi đã hét lên một tiếng khủng khiếp, vội vàng bịt chặt hai tai và co giò phóng ra khỏi nhà như bị ma đuổi…
Tôi chạy xa thật xa. Ngay cả khi giọng cười tinh quái của dì Miên đã rơi lại sau lưng, tôi vẫn không dừng bước. Tôi cũng chẳng biết tôi chạy đi đâu. Mặt nóng ran, rồi nhắm mắt phóng qua những bờ đất mấp mô chạy cắt ngang những khoảng ruộng trơ chân chạy ra.
Một lát sau, tôi đã ngồi thở hổn hển bên bờ suối. Tiếng rì rào của hàng dương liễu và hơi gió mát thoảng lên từ lòng suối khiến lòng tôi dịu lại phần nào nhưng nỗi bứt rứt xốn xang vẫn không hề giảm bớt. Câu chuyện năm xưa tôi đã quên bẵng mất rồi, bây giờ dì Miên thình lình nhắc lại khiến tôi đâm xấu hổ chín người.
Cái sự cố “chết người” đó xảy ra vào năm tôi học lớp bảy. Bấy giờ dì Miên đang học lớp mười ngoài trường tỉnh. Gần cuối năm học, lớp dì Miên tổ chức đi cắm trại hai ngày dưới bãi biển Kỳ Hòa. Năm đó cũng là năm đầu tiên tôi phải đạp xe đi học một mình, dì Miên không còn đưa tôi đi học nữa. Nỗi “bơ vơ” của tôi có lẽ làm dì Miên động lòng nên chuyến cắm trại đó, dì đạp xe đò về rủ tôi đi.
Dĩ nhiên tôi bằng lòng cả hai tay. Tôi lót tót theo dì, nỗi sung sướng không để đâu cho hết. Sung sướng nhất là các anh chị cùng lớp với dì đều coi tôi như em út, vì vậy cưng chiều tôi hết mức.
Chuyến cắm trại đó sẽ là một kỷ niệm tuyết vời đối với tôi nếu “tai họa” không thình lình xảy đến. Đêm đó, tôi đang ngủ trong lều với các anh trai thì mưa bất thần ập đến. Nước tuôn xối xả, gió giật đùng đùng, chẳng mấy chốc căn lều tôi ngủ bị giật sập khiến mọi người ướt như chuột lột.
Các anh rủ nhau chui vào một mái hiên đốt nến ngồi đánh bài chờ sáng. Tôi phận con nít, ngồi chầu rìa mãi cũng chán, mình mẩy ướt đẩm không ngủ được, bèn bỏ ra ngoài trời đi lang thang dưới rặng phi lao, lòng chợt nhớ anh em thằng Chửng da diết. Nếu có hai thằng giặc đó ở đây, hẳn chúng sẽ bày trò nghịch ngợm, chứ đâu có cái cảnh mình tôi cô đơn thất thểu thế này.
Đang nghĩ ngợi vẩn vơ, bỗng tôi nghe một tiếng gọi sửng sốt vang lên bên tai:
– Phải Trường đó không?
Tôi giật thót mình quay lại. Tiếng gọi phát ra từ căn lền nữ. Tôi mở to mắt nhìn cái khối đen nằm lù dù dưới góc cây và ngạc nhiên không hiểu sao nó vẫn chưa bị giật đổ dưới những cơn gió rít kinh hồn.
– Trường đi đâu mà lang thang vậy?
Tiếng hỏi vang lên, lần này tôi nhận ra ngay giọng dì Miên.
– Căn lều của cháu bị sập! – Tôi buồn bã đáp.
– Các anh kia đâu?
Tôi chỉ tay về phía ánh đèn:
– Mấy ảnh đang chơi cát-tê.
Giọng dì Miên dịu dàng:
– Trường lại đây ngủ với dì đi! Đừng có chạy loăng quăng ngoài trời nữa!
Tôi ngập ngừng bước lại. Dì Miên chiếu đèn pin vào người tôi, bật kêu:
– Trời ơi, ướt mèm hết! Trường cởi đồ dài ra đi! Chỉ mặc quần đùi thôi!
Lúc này, lều tối đen. Các bạn của dì Miên có lẽ là ngủ say nhưng không hiểu sao tôi cứ thấy ngại ngùng.
Thấy tôi đứng loay hoay hoài, dì Miên dường như hiểu ra, liền cười nói:
– Con nít mà mắc cỡ gì! Trường không cởi đồ ra, sáng mai bị cảm cho coi!
Không biết sao, tôi đành phải lóng ngóng cởi bỏ đồ ngoài, chỉ mặc trần xì cái quần xà lỏn. Dì Miên rọi đèn xuống chiếu, bảo:
– Trường nằm ở đây nè!
– Tôi ngả người chưa kịp nằm, dì Miên đã đẩy lưng tôi:
– Trường nằm vô trong đi! Để dì nằm ở ngoài bìa!
Tôi đỏ mặt:
– Thôi, cháu không nằm trong đâu! Cháu thích nằm ngủ ngoài bìa hơn!
– Ngoài bìa sao được mà ngoài bìa! – Dì Miên nạt khẽ – Bộ Trường muốn chết cóng sao?
Vừa nói dì Miên vừa nhích người đẩy tôi vô trong. Một phần vì không muốn cãi lại dì nhưng phần chính là đã bắt đầu cảm thấy lạnh, tôi không buồn đổi chỗ với dì nữa. Tôi lặng lẽ nằm xuống.
So với lều nam, căn lều nữ ấm áp và “tiện nghi” hơn nhiều. Chiếu trải trên một tấm ni-lông dày, bên dưới là những tấm vạt giường kê san sát. Những tấm vạt giường này, hồi sáng tôi không thấy, có lẽ các chị mới hỏi mượn của những căn nhà cạnh bãi biển.
Nhưng dù mệt mỏi, tôi không ngủ được ngay như tôi tưởng. Lần đầu tiên nằm cạnh những người con gái, lòng tôi tự dưng hoang mang pha lẫn bồn chồn.
Bên phải là dì Miên, bên trái là một cô gái lạ, tôi nằm ở giữa ngay đơ như cán cuốc, vậy mà mỗi khi làn hương lạ thoảng qua mũi, trái tim tôi không sao ngăn được bồi hồi.
Nằm ngẩn ngơ, thao thức một hồi, tôi thiếp đi lúc nào không hay. Tôi chỉ choàng tỉnh dậy khi bên tai bỗng vang lên tiếng la bài hãi:
– Chuyện gì vậy Ngà?
– Trời sập hả?
Hóa ra chị nằm kế bên tôi tên Ngà.
– Không biết nước ở đâu chảy ướt cả quần tao! – Giọng chị Ngà chưa hết thoảng thốt.
– Hay là mưa dột!
Đến khi dì Miên lia đèn pin xuống chỗ tôi nằm, nhiều người bật kêu sửng sốt:
– Trời ơi, đứa nào nằm vậy cà?
– Ai như thằng Trường!
– Đúng rồi, cháu con Miên!
– Sao nó lại nằm đây? Nó chui vô đây hồi nào vậy?
Dì Miên tặc lưỡi:
– Lúc tối, lều bên nam sập. Thấy nó đi lang thang ngoài trời, tao kêu nó vô đây nằm.
Chị Ngà dòm tôi một hồi rồi vụt la lên:
– Ý! Quần nó cũng ướt!
Mọi người ngó tôi lom lom. Rồi có tiếng cười khúc khích:
– Tao hiểu rồi! Bữa nay con Ngà bị sao Thủy Tinh chiếu!
– Sao? – Chị Ngà vẫn chưa hiểu.
– Còn sao gì nữa! Rõ ràng cháu con Miên “đấm dài”!
– Cái gì? Lớn tồng ngồng mà còn đái dầm?
Dì Miên thở dài:
– Thằng này nó mắc cái tật đái dầm từ nhỏ.
– Ôi, hèn gì từ nãy đến giờ tao nghe khai rình! – Tiếng ai đó than thở, nửa khôi hài nữa chế giễu.
Ngay từ tiếng la hoảng đầu tiên của chị Ngà, tôi đã giật mình tỉnh giấc. Nhưng kịp phát hiện ra ngay tình trạng tệ hại mà tôi là thủ phạm, tôi giả vờ nằm im, ra vẻ ta đây đang ngủ mê mệt. Tôi nhắm tịt mắt, tai vẫn không bỏ sót một câu đối thoại nào.
Tiếng than thở bỡn cợt vừa rồi khiến tôi xấu hổ muốn chui ngay xuống đất. Nhưng tôi vẫn cố trân mình giả chết, mặc dù người tôi ngứa ngáy nhột nhạt như bị kiến bò. Cũng may là tôi nằm xoai nghiêng về phía chị Ngà, một cánh tay che ngang mặt, nên không ai nhìn thấy sắc mặt thoạt xanh thoạt đỏ của tôi.
Tôi mắc chứng đái dầm từ hồi còn bé xíu. Tôi cứ tưởng lớn lên, bịnh sẽ tự khắc hết. Nào ngờ học hết cấp một rồi mà đêm nào tôi cũng tè vãi ra quần.
Mẹ tôi bắt tôi uống đủ thứ thuốc. Mẹ lấy mề gà đốt thành than, ngào với cơm nát, vo viên bắt tôi uống. Tôi còn uống cả nước lá cải củ hòa với muội nồi. Rồi rễ chanh, rồi bông mã đề, rồi hoa mào gà lẫn cam thảo, thứ nào nghe thiên hạ bảo trị được bịnh đái dầm, tôi đều tống tuốt tuột vào bụng. Vậy mà cũng chẳng ăn thua gì.
Đêm đêm, quần tôi ướt đẫm để sáng hôm sau tôi phải len lén đi giặt một mình. Khi chui vào ngủ trong căn lều nữ, tôi quên bẵng mất cái tật khủng khiếp của mình. Bây giờ mọi chuyện vỡ lỡ ra, tôi đành phải nằm co ro như con tôm luộc, mặt đỏ rần giấu dưới cánh tay.
Đang than thân trách phận, tôi bỗng nghe chị Ngà khịt mũi trách:
– Đầu đuôi cũng do con Miên!
Dì Miên cười:
– Tại số mày xui!
– Xui con khỉ! Ai bảo mày đặt thằng cháu quý hóa của mày nằm cạnh tao!
– Tao đâu có biết! – Dì Miên chép miệng – Ai ngờ mười ba tuổi rồi mà nó vẫn còn đái dầm!
– Mười ba tuổi thì mười ba tuổi chứ! Giọng chị Ngà vẫn chưa hết hậm hực – Từ nay về sau, tao thề không nằm cạnh một đứa con nít nào hết, mười ba hay mười bốn tuổi cũng vậy!
– Thôi được rồi! – Dì Miên hắng giọng – Để khi nào thằng cháu tao được hai mươi tuổi, tao sẽ cho nó nằm cạnh mày!
– Mày dám nói cái giọng đó với tao hả!
Chị Ngà vừa la lên vừa chồm về phía dì Miên. Lúc này, ánh đèn pin đã tắt. Căn lều tối om vang lên những tiếng la oai oái lẫn tiếng cười khúc khích.
Chỉ có tôi là cười không nổi. Tôi khẽ mở mắt và thận trọng thở từng hơi ngắn. Quần tôi ướt đẫm, dính bết vào đùi nhưng tôi không dám gỡ ra cũng không dám trở mình. Tôi cứ nằm nghiêng một bên như vậy, trằn trọc mãi tới gần sáng.
May cho tôi, suốt ngày hôm sau, không ai mở miệng chòng ghẹo tôi về “sự cố” đêm trước. Chỉ có những ánh mắt nhìn về phía chị Ngà kèm theo những nụ cười tủm tỉm. Nhưng dù mọi người ý tứ không đả động tới, nỗi xấu hổ vẫn không ngừng bám lấy tôi. Suốt từ sáng tới chiều tôi tránh xa căn lều nữ, cứ tò mò bám theo các anh nam cho đến tận khi nhổ trại ra về.
Câu chuyện kinh hoàng đó xảy ra cách đây đã hai năm và chứng đái dầm đã giã từ tôi từ cuối năm lớp tám. Tất cả lẽ ra đã chìm vào quên lãng nếu hôm nay dì Miên không tình cờ gợi lại. Và tôi cũng không thể ngờ “nạn nhân” năm nào của tôi lại sắp sửa khăn gói về đây và điều đó khiến tôi cực kỳ lúng túng.
Tôi ngồi cả buổi bên bờ suối, hết thở vắn lại than dài, lòng chỉ mong cho chị Ngà bị té xe hay va đầu phải tảng đá, gốc cây nào đó để trí nhớ lộn tùng phèo mà quên tuốt tuột chuyện đó đi.
(Hết phần 3)
Xem phần 1 tại: Truyện dài: Đi qua hoa cúc 1
Xem phần 2 tại: Truyện dài: Đi qua hoa cúc 2
NGUYỄN NHẬT ÁNH