Tiền thân là tờ Khoa Học Phổ Thông ra đời vào năm 1934, qua nhiều giai đoạn phát triển, Báo Khoa Học Phổ Thông luôn hoàn thành tiêu chí phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật đến người dân, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc. Đội ngũ những người làm báo Khoa Học Phổ Thông tự hào về truyền thống của mình, xem đây là nền tảng vững chắc hướng tới tầm cao, đáp ứng nhu cầu tiếp cận tri thức ngày càng đa dạng, hiện đại của bạn đọc.
Nhà báo NGUYỄN LONG HỒ – Trưởng ban Thư ký tòa soạn: HẾT LÒNG PHỤNG SỰ BẠN ĐỌC!
Báo Khoa Học Phổ Thông có bề dày truyền thống, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, đã tạo được dấu ấn trong lòng bạn đọc. Người làm báo Khoa Học Phổ Thông luôn xem bạn đọc là trung tâm và phản hồi từ bạn đọc là thước đo giá trị lao động nghề nghiệp. Chính vì vậy, đội ngũ phóng viên, biên tập viên của báo luôn rèn luyện, đảm bảo tính tiếp nối, giàu nghị lực, tâm huyết với nghề. Người làm báo ở đây luôn tạo đột phá ngay trong những thời điểm khó khăn nhất. Hiện tượng các ấn phẩm chuyên đề hướng dẫn sản xuất (những năm 1980), Làm bạn với máy vi tính (năm 2000 – 2007) được bạn đọc hào hứng đón nhận, thật sự là quả ngọt, là niềm tự hào của những nhà báo sáng tạo, hết lòng phụng sự bạn đọc.
Báo Khoa Học Phổ Thông đang bước vào giai đoạn phát triển mới, nhu cầu tiếp cận tri thức của bạn đọc đòi hỏi những người làm báo phải nâng cao nghiệp vụ, nắm bắt chính xác và truyền tải hiệu quả các vấn đề khoa học công nghệ hiện đại. Các nhà báo khoa học luôn trong tâm thế sẵn sàng “làm mới chính mình” bằng cách ứng dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, các phương pháp nghiệp vụ phù hợp, hiệu quả. Cái tâm phụng sự bạn đọc cùng với truyền thống sáng tạo vượt khó sẽ giúp Khoa Học Phổ Thông có những ấn phẩm theo đúng tiêu chí mục đích, như kỳ vọng của bạn đọc suốt 86 năm qua. Chúng tôi sẽ làm được và làm tốt!
Nhà báo NGUYỄN THANH TÂM – Thư ký tòa soạn: KHOA HỌC PHỔ THÔNG – NGƯỜI BẠN TIN CẬY TRÊN MỌI NẺO ĐƯỜNG
Trong lòng độc giả, từ giới trí thức đến nhà nông mọi miền đất nước ít nhiều lưu dấu Báo Khoa Học Phổ Thông (KHPT), từ những mảng cắt nhỏ trong trang báo chứa kiến thức được dán đơn sơ trên vách hay cẩn thận dán trong quyển sổ, có khi được ép nhựa để lưu trữ. Đó là bản tin phát minh khoa học sắp được ứng dụng, nghiên cứu mới hay đơn giản đó là bài hướng dẫn nuôi cá, trồng rau, bài tập cho người bị tai biến, bài thuốc trị đau bụng, trúng gió lúc đêm về… Kiến thức trên Báo KHPT gần gũi, dễ hiểu, mang tính thực tiễn cao, đặc biệt là đội ngũ biên tập của báo luôn định hướng truyền tải kiến thức khoa học đa chiều, đa góc, mọi tầng lớp, góp phần phổ biến tri thức khoa học đến với nhân dân nhiều hơn, sâu rộng hơn.
Có lần, trong phiên gặp mặt báo chí về chương trình phòng chống nước biển dâng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, khi trao đổi với phóng viên Báo KHPT, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói, Báo KHPT có lịch sử lâu đời trong làng báo, tồn tại qua nhiều giai đoạn của đất nước, là cầu nối thông tin của giới trí thức, sau này cũng được cả nông dân làm ruộng theo dõi.
Như vậy xứng đáng là tờ báo của trí thức và của cả nông dân. Cách đây 18 năm, anh nông dân vùng Chợ Mới, An Giang tình cờ gặp phóng viên Báo KHPT khi đang tác nghiệp ở vùng quê này. Anh mừng rỡ, mời phóng viên về nhà bằng được. Đến nhà, anh dẫn ra xem hàng loạt ao cá phía sau và “khoe” nhờ bài viết nuôi cá kiểng trên Báo KHPT mà anh chuyển đất ruộng sang đào ao nuôi cá, anh nuôi thành công, nhân ra nhiều ao mà vẫn không đủ cung cấp cho người mua. Anh khấm khá lên từ đó.
Những năm 2000, một doanh nghiệp chuyên sản xuất nhôm tại TP.HCM, cũng là bạn đọc dài hạn của Báo KHPT, có người mẹ già hay bị đau nhức, ông đưa đi chữa trị nhiều nơi nhưng thời gian sau tái lại. Khi đọc loạt bài về cách phòng trị đau nhức bằng “cây nhà lá vườn”, đơn giản dễ áp dụng, ông cho người mẹ dùng thử theo hướng dẫn, thời gian sau bà khỏi hẳn, ông gọi điện về Tòa soạn cám ơn. Câu chuyện về những bài viết trên Báo KHPT được bạn đọc ứng dụng vào thực tiễn đời sống luôn nối tiếp. Thành công của họ trong sự góp sức nhỏ nhoi của trang báo tạo nên những hạnh phúc cho người cầm viết – đội ngũ làm báo KHPT.
Chặng đường mới đang mở ra, trong hành trình 4.0, tiến tới ứng dụng khoa học công nghệ cao, Báo KHPT sẽ mang sức mạnh tri thức mới, luôn là người bạn tin cậy, đồng hành cùng bạn đọc, mọi tầng lớp nhân dân.
Nhà báo VÕ MINH TÂN – Thư ký tòa soạn: LÀM BÁO VỀ KHOA HỌC, PHỤC VỤ LỢI ÍCH CHÍNH ĐÁNG CỦA CON NGƯỜI
Với vai trò là cầu nối giữa các nhà khoa học, giữa các công trình nghiên cứu khoa học với bạn đọc, người dân và cả những đơn vị tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống, chúng tôi – những người làm Báo Khoa Học Phổ Thông luôn cố gắng phổ biến kiến thức khoa học hữu ích qua từng tin, bài viết. Trong hành trình ấy, công nghệ thông tin đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc lan tỏa thông tin đến bạn đọc. Nhưng cũng chính công nghệ thông tin, mà cụ thể là Internet và một số yếu tố khác đã làm giảm số lượng báo phát hành trong mỗi kỳ báo, bởi bạn đọc lên website để đọc báo miễn phí, thay vì bỏ vài ngàn đồng ra để mua một tờ báo in.
Chính vì vậy, báo giấy trong thời gian qua đã suy giảm phần nào chất lượng các tin, bài. Khoa Học Phổ Thông cũng như nhiều tờ báo in khác phải tìm nguồn thu khác từ quảng cáo, dự án truyền thông… để vận hành, nuôi sống những người có tâm huyết gắn bó với tờ báo. Làm báo về lĩnh vực khoa học, chúng tôi không tự nhận mình là những nhà khoa học, nhưng chúng tôi vẫn luôn tâm niệm rằng: Chúng ta làm khoa học là để mở rộng kiến thức của loài người về thiên nhiên, tiến tới làm chủ thiên nhiên. Nhà khoa học chân chính phải có ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình đối với nhân loại là đưa khoa học phục vụ lợi ích chính đáng của con người.
Nhà báo LÝ THỊ ANH THƯ (Như Quỳnh): NHÀ BÁO KHOA HỌC PHẢI LUÔN RÈN LUYỆN, PHẤN ĐẤU
Khoa Học Phổ Thông (KHPT) là báo tuần và các ấn phẩm chuyên đề nên việc viết bài cho báo cũng không phải dễ. Nếu các bạn đồng nghiệp báo ngày, thậm chí là “báo phút”, “báo giờ” (cách gọi hiện nay trong nghề của báo điện tử) phải viết ngay, khi sự kiện kết thúc cũng là bài báo đã lên mạng, thì viết cho Báo KHPT có thể “đủng đỉnh” một chút cũng không sao. Nhưng phía sau sự “đủng đỉnh” đó là cả một vấn đề khó khăn: viết sau báo bạn thì phải viết khác đi, phân tích sâu hơn chứ không phải chỉ là phản ánh sự kiện, trong khi cũng chỉ có bao nhiêu đó nguồn thông tin. Để bài báo “đạt chuẩn”, việc tác nghiệp phải nhiều hơn, tìm nhiều thông tin hơn để “thủ” sẵn, sao cho bạn đọc đến với Báo KHPT vẫn thấy có điểm mới ở các sự kiện mà các báo bạn đã đăng từ trước.
Nhiều bạn trẻ mới bước vào nghề thường cho rằng, viết về khoa học khó hơn các lĩnh vực khác, vì nó khô khan, “kén” bạn đọc, ban đầu tôi cũng nghĩ thế, nhưng càng làm thì thấy không phải vậy, lĩnh vực nào cũng có khoa học, khoa học ở trong tất cả đời sống của chúng ta. Bởi vậy, khi thực hiện một chuyên đề truyền thông với Sở khoa học và công nghệ, tôi đã hướng về doanh nghiệp và thật may mắn, loạt bài “Khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển” đã được trao giải nhất Giải báo chí do Bộ khoa học và công nghệ tổ chức. Gắn bó với tờ Báo KHPT từ cách đây hơn 20 năm, từ lúc tờ báo có số lượng phát hành thuộc loại hàng đầu cả nước, tuy hiện nay có sụt giảm nhiều, nhưng Báo KHPT vẫn được xem là tờ báo có uy tín trong lĩnh vực khoa học, tôi luôn cảm thấy thật may mắn vì được cùng các bạn đồng nghiệp trải qua nhiều thăng trầm của tờ báo.
Nhà báo NGUYỄN THỊ TUYẾT MAI (Mai Thy): VIẾT VỀ KHOA HỌC – CÔNG NGHỆ KHÔNG “KHÔ KHAN”
Chuyên theo dõi mảng khoa học công nghệ – một lĩnh vực trong suy nghĩ của mọi người là “khô khan”, nên tôi phải không ngừng trau dồi và nâng tầm kiến thức của mình. Tôi luôn đặt mình vào vị trí bạn đọc với quan niệm viết là cho bạn đọc hiểu và cảm nhận chứ không phải viết chỉ để cho mình đọc. Nhờ sự định hướng của ban biên tập, tôi tìm hiểu về lĩnh vực nghiên cứu, sáng chế, đổi mới sáng tạo, sáng kiến kỹ thuật trong cộng đồng, các trung tâm, trường, viện, sở ngành… được tiếp xúc nhiều thành phần, nhiều lứa tuổi có niềm đam mê mãnh liệt với nghiên cứu khoa học. Được chứng kiến những thành quả do bàn tay và khối óc con người chế tạo nên, tôi tự hào về trình độ và kỹ thuật con người Việt Nam không hề thua kém các nước khác trong khu vực.
Qua các buổi báo cáo đề tài và các buổi đi thực tế tham quan các thành quả khoa học được nghiệm thu, tôi có thể khẳng định: “Khoa học không hề khô khan nếu chúng ta biết uyển chuyển khai thác theo chiều hướng phù hợp với tôn chỉ, mục đích báo chí mà đơn vị mình muốn khai thác”. Tôi được đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều với giới nghiên cứu khoa học, những người trẻ với đam mê sáng tạo và cống hiến cho khoa học… Những điều trên chắc chắn chỉ có thể trải nghiệm ở cuộc đời làm báo.
Nhà báo TRẦN THỊ MỸ PHƯỢNG (Vỹ Phượng): YÊU NGHỀ VÀ “KẾT DUYÊN” CÙNG KHOA HỌC PHỔ THÔNG
Có duyên làm việc tại Tòa soạn Báo Khoa Học Phổ Thông chưa lâu, thế nhưng tôi lại dành tình cảm đặc biệt cho tờ báo này đến lạ. Với chiều dài lịch sử đã 86 năm, tờ báo chứa đựng những tinh hoa được đúc kết từ nhiều thế hệ người làm báo. Khi đã đủ hiểu rõ và “kết duyên” với tờ báo, tôi trăn trở là làm sao để kế thừa những tinh hoa làm báo đồ sộ của thế hệ trước, làm sao để tờ báo tự sống được khi cơn lốc công nghệ 4.0 quét qua?
Không thể phủ nhận, công nghệ 4.0 đã giúp báo chí có thêm đôi cánh và sức mạnh về mặt truyền tải thông tin, thế nhưng, chính nó cũng làm đảo lộn những giá trị truyền thống về báo chí (tin bổ ích, giá trị đôi khi bị xếp sau lượng tin giật gân, rẻ tiền), khiến Tòa soạn Báo Khoa Học Phổ Thông và người làm báo phải đương đầu với khó khăn về tài chính do lượng bạn đọc bị sụt giảm. Tôi quyết tâm cùng tập thể những người làm Báo Khoa Học Phổ Thông vượt qua những khó khăn, toàn tâm toàn ý tạo dấu ấn về nội dung và chất lượng cho tờ báo.
Phóng viên PHAN CÚC (Dạ Thi): TRỞ MÌNH TRONG NIỀM “HOÀI CỔ”
Tôi nhớ hồi mới bước chân vào Báo Khoa Học Phổ Thông, đứa bạn hỏi tôi thích nhất điều gì ngay tại nơi tôi làm việc. Tôi không cần suy nghĩ mà trả lời ngay, điều tôi thích nhất là được lục lọi lại những quyển, tờ báo cũ được lưu trữ trên thư viện. Hầu như lần nào tôi cũng xem nó một cách mê mẩn, bởi lẽ nó y hệt những quyển sách kiểu như kiến thức phổ thông cần biết, 1.000 câu hỏi vì sao… mà hồi tiểu học và cho đến tận bây giờ tôi vẫn tìm đọc. Mà hồi đó tôi nhớ đâu chỉ có tôi đọc, cả cha mẹ, ông bà trong nhà dù chỉ biết dăm ba chữ nghĩa cũng có thể đọc được. Thế rồi khi gặp một hiện tượng nào đó trong cuộc sống, chúng tôi cũng có thể lý giải bằng những kiến thức được đọc một cách khoa học.
Đứng trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ hiện nay, sự bùng nổ thông tin đã làm cho báo giấy gặp khó, trong đó có Báo Khoa Học Phổ Thông. Có sự tiện ích của công nghệ, người ta cũng dần lãng quên đi tờ báo với sứ mệnh cung cấp tri thức, làm giàu cho trí tuệ. Không cần nhờ bộ não lưu giữ, người ta nhờ Google và chỉ tìm đến tri thức mỗi khi cần. Hiện nay, có thể thấy rõ một bộ phận bạn đọc trung thành với báo đa số chỉ là những người cao tuổi. Vậy còn người trẻ? Thiết nghĩ, trong một xã hội ngày càng tiến bộ, phát triển thì đáng lẽ báo khoa học (dù là phổ thông) càng phải được sự quan tâm mới phải, bởi lẽ mọi kiến thức dù có chuyên sâu đến mấy chẳng phải cũng đều bắt đầu từ những kiến thức cơ bản đó sao? Hơn nữa, dù cho xã hội có vận động và phát triển đến đâu, thì mọi cái mới xuất hiện chẳng phải đều trên cơ sở kế thừa cái cũ đó sao? Tôi tin những người làm Báo Khoa Học Phổ Thông sẽ biết cách trỗi dậy mạnh mẽ và làm nên lịch sử như nó đã từng.
Phóng viên TRẦN HOÀN (Hoài An): NHIỀU BÀI HỌC QUÝ GIÁ
Là một phóng viên trẻ làm việc tại Báo Khoa Học Phổ Thông, tôi có nhiều cơ hội để được rèn luyện về kỹ năng làm báo cũng như kỹ năng sống. Đây là nơi làm việc đầu tiên khi tôi bước chân rời cổng trường đại học, mọi sự lo lắng khi bắt đầu công việc ở một thành phố “lạ hoắc” đã không còn, trạm dừng chân này cho tôi vô vàn trải nghiệm tuyệt vời. Báo Khoa Học Phổ Thông chính là gia đình thứ hai, nơi tôi được học nghề – rèn nghề – phát triển bản thân. Tôi luôn tự hào là một thành viên của báo! Bởi tại đây, môi trường làm việc rất thoải mái và thân thiện. Tôi luôn mong Báo Khoa Học Phổ Thông sẽ ngày càng phát triển, đưa đến bạn đọc nhiều thông tin bổ ích hơn. Đặc biệt, ngày càng có thêm nhiều độc giả yêu mến và tin tưởng.