Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) vừa công bố báo cáo, nội dung báo cáo cho thấy vai trò quan trọng của cộng đồng, cũng như vấn đề thiếu kinh phí và các khó khăn khác đang là rào cản trong việc cứu sống bệnh nhân và chấm dứt căn bệnh AIDS.
Báo cáo có tên gọi “Let Communities Lead” chỉ ra rằng căn bệnh AIDS có thể được chấm dứt như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030, nhưng chỉ khi các cộng đồng ở tuyến đầu nhận được sự hỗ trợ đầy đủ mà họ cần từ chính phủ và các nhà tài trợ.
Trong báo cáo, Giám đốc Điều hành của UNAIDS Winnie Byanyima khẳng định, các cộng đồng trên khắp thế giới cho thấy họ sẵn sàng, sẵn lòng và có khả năng dẫn đường. Tuy nhiên, họ cần dỡ bỏ những rào cản cản trở công việc của họ và họ cần được cung cấp nguồn lực hợp lý. Thông thường, cộng đồng được những người ra quyết định coi là vấn đề cần quản lý, thay vì được công nhận và hỗ trợ. Chúng tôi cho rằng các cộng đồng không cản đường, họ thắp sáng con đường chấm dứt bệnh AIDS.
Theo báo cáo, việc đầu tư vào các chương trình về phòng chống HIV/AIDS do cộng đồng chủ trì sẽ mang lại những lợi ích rõ rệt. Báo cáo nêu rõ các chương trình được thực hiện bởi kế hoạch dựa vào cộng đồng ở Nigeria có tác động như nào đến việc tăng 64% khả năng tiếp cận điều trị HIV, tăng gấp đôi khả năng sử dụng dịch vụ phòng ngừa HIV/AIDS và tăng gấp 4 lần việc sử dụng bao cao su thường xuyên ở người dân, giảm nguy cơ lây nhiễm.
Bên cạnh đó, cộng đồng những người nhiễm HIV/AIDS cũng luôn chủ động trong việc giữ liên lạc với các cơ quan chức năng. Như tại Nam Phi, các cộng đồng đã thực hiện hàng chục nghìn cuộc phỏng vấn với người bị nhiễm. Từ đây, giới chức y tế địa phương đã có những cải tiến trong việc sắp xếp lịch khám và phân phát thuốc.
Trong tuyên bố năm 2021, các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã công nhận vai trò quan trọng của cộng đồng trong việc cung cấp thông tin dịch vụ về căn bệnh HIV/AIDS, đặc biệt là đối với những người có nguy cơ nhiễm cao nhất.
Tuy nhiên, trong khi năm 2012, khi hơn 31% nguồn tài trợ cho HIV được chuyển qua các tổ chức xã hội dân sự thì 10 năm sau, vào năm 2021, chỉ có 20% nguồn tài trợ dành cho HIV. Chính vì vậy, các ý kiến được UNAIDS đưa vào báo cáo đều kêu gọi tăng thêm kinh phí và công cụ để các cộng đồng có thêm vai trò.
“Tại thời điểm này, hành động do cộng đồng lãnh đạo là biện pháp đối phó quan trọng nhất trong ứng phó với bệnh HIV/AIDS. Tuy nhiên, đây không phải là nền tảng của các kế hoạch, chương trình nghị sự, chiến lược hoặc cơ chế tài chính nhằm cải thiện khả năng chuẩn bị cho đại dịch và sức khỏe cho tất cả mọi người. Đã đến lúc phải thay đổi điều này”, bà Solange Baptiste, Giám đốc Điều hành của Liên minh Chuẩn bị Điều trị Quốc tế nhấn mạnh.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ | Thùy Chi