Về ‘búng Bình Thiên’ vào mùa bông điên điển

    “Búng” là một từ mang âm hưởng địa phương để chỉ một loại hồ nước thiên nhiên rộng lênh láng. Búng Bình Thiên có diện tích mặt nước rộng khoảng 300 hécta trong mùa khô, rồi phình ra đến 800 hécta với độ sâu trung bình 4 mét vào mùa nước nổi, nằm giữa 3 xã Khánh Bình, Khánh An và Nhơn Hội của huyện An Phú (tỉnh An Giang ), cách biên giới Campuchia chỉ 10 km.

    Cái tên “Bình Thiên”, có một truyền thuyết kể rằng, vào cuối thế kỷ 18, tướng Võ Duy Dương của nhà Tây Sơn đưa quân vào vùng Thất Sơn hùng vĩ và hoang sơ này đúng vào mùa khô hạn, chẳng những binh lính mà dân tình quanh đó cũng đều khốn đốn vì nắng hạn kéo dài. Một nhà sư bèn bày cho vị tướng Tây Sơn cách lập đàn trời cầu mưa. Sau khi cúng tế, tướng Dương rút thanh gươm đâm xuống đất. Lạ thay, dòng nước trào lên đọng thành một hồ nước trong xanh. Mọi người mừng vui gọi là búng Bình Thiên, bà con người Khmer dựa theo ý nghĩa này gọi là… hồ nước Trời.

    Vừa vui con mắt, vừa ngon cái bụng!

    Đến nay, búng Bình Thiên vẫn được xem là hồ nước ngọt thiên nhiên rộng lớn nhất miền Tây Nam bộ.

    Cũng khá lạ kỳ, cái hồ nước Trời rộng mênh mông nằm ngay đầu nguồn vùng lũ, vậy mà trong mùa nước nổi vẫn trong xanh; trong khi toàn bộ kênh rạch gần đó, kể cả nước trên đoạn sông Bình Di thông với búng Bình Thiên ra sông Hậu đều ngầu đục phù sa. Khúc cửa búng này vào mùa nước nổi đẹp và sinh động lạ thường.

    Trải dài theo bờ búng là một màu vàng rực của rừng cây điên điển đang mùa trổ bông. Dưới mặt búng nở trắng chi chít bông súng ma, xanh dờn những giề hẹ nước…

    Vào mùa nước nổi, điên điển lại đồng loạt trổ bông vàng rực cả một vùng sông nước. Bông điên điển và cá linh tạo nên “cặp đôi hoàn hảo”, làm cho cảnh sắc miền Tây vào mùa nước nổi không những tươi vui, sinh động mà còn cống hiến cho nền ẩm thực Nam bộ một sắc thái riêng, độc đáo. Đây cũng là dịp để thưởng thức những món ngon không phải lúc nào cũng có như: canh chua bông điên điển với cá linh, bánh xèo nhưn bông điên điển, bánh xèo cá linh, cá linh nướng trui, lẩu mắm cá linh nhúng bông điên điển, bông súng, bông điên điển làm dưa chấm với cá linh kho mía, mắm cá linh…

    Làng chăm Islam bên bờ búng

    Người dân sống quanh búng Bình Thiên hầu hết là bà con dân tộc Khmer Nam bộ và Kinh; thế nhưng thật đặc biệt, ở ấp Búng Lớn của xã Nhơn Hội lại có một làng Chăm với chừng 3.000 người đều theo đạo Hồi, trang phục truyền thống, phụ nữ vẫn thường mang khăn che mặt để lộ đôi mắt to, đẹp nhìn khá ấn tượng. Thánh đường Mas Jiđ Khay Ri Yah của bà con người Chăm Islam bên bờ búng Bình Thiên này thật khang trang.

    Hướng dẫn viên Phạm Trung Em của An Giang Travel, cho biết: “Người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận theo đạo Bà La Môn nên kiêng ăn thịt bò, còn bà con người Chăm của mình ở đây theo đạo Hồi nên ăn thịt bò mà lại kiêng thịt heo, không uống rượu bia, có tập tục ăn bốc bằng tay trái nên rất ít ăn món canh… nhưng nhờ sống lâu năm ở búng Bình Thiên này nên bây giờ bà con nấu nướng mấy món đặc sản mùa nước nổi rất ngon! Và bà con đang tập tành làm du lịch kiểu homestay nên cũng giao du cởi mở lắm!”.

    Đi đầu trong số những người Chăm tham gia làm du lịch mùa nước nổi ở búng Bình Thiên, ông Mách Ly (một “già làng” đã từng tham gia công tác chính quyền và cũng là một thành viên Ban quản trị Thánh đường Hồi giáo ở Nhơn Hội) không giấu vẻ tự hào cho biết: “Bà con người dân tộc Chăm theo đạo Hồi chúng tôi ở Nhơn Hội này lâu nay chỉ sống với hai nghề chủ yếu là làm nông và hạ bạc.

    Ruộng quanh bờ búng nhờ tưới tắm phù sa màu mỡ nên mỗi năm làm được 3 vụ lúa, mùa nắng còn tận dụng đất bãi ven bờ búng trồng thêm bắp, rau cải, nuôi lươn…

    Mùa nước lũ kéo lưới đánh bắt cá linh, cá rô, tôm tép…. Đặc biệt là thu hái bông điên điển, bông súng… bán ra tận chợ Châu Đốc, Long Xuyên.

    Chúng tôi đang tập làm quen với nghề mới là làm du lịch với việc nhận nấu và phục vụ ăn tại nhà, cho thuê trang phục truyền thống của người Chăm để chụp ảnh lưu niệm, chèo ghe xuồng đón chở khách tham quan trên búng…”.

    Giữa thời buổi khí hậu biến đổi mang tính toàn cầu như hiện nay mà ngồi trong căn nhà sàn thoáng mát trên bờ búng Bình Thiên để thưởng thức đặc sản mùa nước nổi, mà bên cạnh lại thấp thoáng áo váy khăn choàng rực rỡ của “gái Hời thời mở cửa”, tạo cho khách lãng du tâm trạng vừa lạ vừa quen.Nhưng trên tất cả là cảm giác rất đỗi thánh thiện, bình yên, mà không phải nơi đâu cũng có được.

    BÙI THUẬN

    Recommended For You