Trong khi chạy (hoặc hầu hết các bài tập thể dục), một cơn đau nhói ở bên hông được nhân gian hay gọi là “sốc hông”. Về mặt y học, “sốc hông” được gọi là cơn đau bụng thoáng qua do chơi thể thao (ETAP – exercise-related transient abdominal pain). Có lẽ phải nếm trải thử một lần cảm giác này, chúng ta mới biết được “sốc hông” gây cản trở luyện tập và khó chịu như thế nào!
Một nghiên cứu năm 2015 ước tính rằng có tới 70% vận động viên chạy bộ đã bị “sốc hông” trong một năm luyện tập. Bên cạnh đó, cứ mỗi 5 người chạy bộ hoặc thi đấu, lại có 1 người bị vấn đề này. Điều đáng mừng là “sốc hông” không phải là một tình trạng nguy kịch và cũng chưa từng có ai vì vấn đề này mà phải đến gặp bác sĩ.
Nguyên nhân gây ra “sốc hông” đến nay vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng đa số mọi người đều có thể tự giải quyết nếu nó xảy ra và tiếp tục chạy.
Dấu hiệu dễ nhận biết nhất của “sốc hông” là đau ở một bên bụng, thường ngay dưới hai bè xương sườn. Ở những người lớn tuổi, “sốc hông” xảy ra ở bên phải gấp đôi so với bên trái. Điều ngược lại với những người chạy bộ trẻ tuổi.
Mặc dù “sốc hông” đã được tìm hiểu rất nhiều nhưng các nhà nghiên cứu vẫn không chắc chắn tại sao chúng lại xảy ra. Hầu hết các nguyên nhân đều dựa trên các giả thuyết.
Những lý do có thể bị “sốc hông” bao gồm:
– Độ cong của cột sống (chứng vẹo cột sống): một nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa “sốc hông” và độ cong của cột sống.
– Uống nước ngọt: một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống nước ngọt trước khi tập thể dục làm tăng nguy cơ “sốc hông”.
– Chạy bộ quá sớm sau khi ăn: sau khi ăn, máu được chuyển đến gan và lách nhiều hơn. Vì thế các cơ quan nêu trên sẽ nặng hơn bình thường, khiến cho các dây chằng cố định gan và lách bị kéo căng gây đau.
– Không khởi động trước khi chạy: khi không khởi động, cơ thể chưa sẵn sàng cho một hoạt động cường độ cao. Vì thế, chưa thể huy động máu đến các cơ bắp kịp, khiến các cơ bị thiếu máu gây ra hiện tượng chuột rút.
– Thở nông: về mặt lý thuyết, một số chuyên gia cho rằng “sốc hông” là do thở không đúng cách trong khi chạy.
Làm sao để chấm dứt tình trạng “sốc hông”?
Sau đây là một số mẹo để phòng ngừa “sốc hông”:
– Nhẹ nhàng đẩy các ngón tay vào vùng mà bạn cảm thấy đau.
– Tiếp theo, hãy thay đổi kiểu thở: hít thở sâu càng nhanh càng tốt. Giữ nguyên hơi thở trong vài giây, sau đó bắt buộc thở ra bằng miệng.
– Thử thay đổi kiểu thở/sải chân của bạn. Nếu bạn thường thở ra khi chân phải chạm đất, hãy thử thở ra bằng chân trái.
– Thử kéo căng bên đau bằng cách nghiêng người về phía bên đối diện. Việc này sẽ giúp làm giãn các cơ gây ra cơn “sốc hông”.
– Nếu vẫn chưa hiệu quả, hãy giảm tốc độ, chuyển sang đi bộ và tập trung hít thở sâu. Khi “sốc hông” hết hẳn mới quay trở lại chạy.
Lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa y học thể thao về vấn đề “sốc hông”
Những việc nên làm:
– Uống nước lọc: bỏ qua đồ uống chứa nhiều đường, bao gồm đồ uống thể thao và đặc biệt là đồ uống có gas.
– Điều hòa nhịp thở. Thở là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa “sốc hông”. Hít vào và thở ra bằng miệng, thở sâu từ bụng chứ không phải ngực để hít vào nhiều không khí hơn.
– Kết hợp yoga vào thói quen tập thể dục. Chủ yếu để học được cách hít thở đúng trong môn yoga.
Những việc không nên làm:
– Ăn trong vòng 1 giờ sau khi ra ngoài chạy bộ.
– Chạy mà không khởi động. Bắt đầu với một số động tác kéo giãn cơ và đi bộ hoặc chạy bộ 5 phút để máu bơm đến các cơ trước khi chạy là vô cùng cần thiết.
– Không làm ấm cơ thể. Trong trường hợp khi cần chạy trong thời tiết lạnh, bạn nên quấn khăn quàng cổ trước nhằm mục đích làm ấm không khí hít vào phổi.
– Chạy khom người. Khi gập người, chúng ta sẽ khó hít sâu thở đều hơn. Tập trung vào việc duy trì tư thế tốt và cách chạy phù hợp.