Xưởng in tín phiếu của Liên khu 5: Giá trị còn mãi

Xóm Xà Nây, thôn Chàm Rao, xã Sơn Nham (Sơn Hà) là nơi đặt xưởng in tín phiếu của Liên khu 5 trong kháng chiến chống Pháp. Đây là nơi ghi dấu sự lãnh đạo tài tình của đồng chí Phạm Văn Đồng khi được cử làm đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ ở miền Nam Trung Bộ.

Một quyết sách tài tình

Để chủ động về mặt tài chính phục vụ kháng chiến kiến quốc trước sự bao vây, phong tỏa kinh tế của thực dân Pháp hòng ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí, hàng hóa, tài chính từ trung ương vào vùng tự do Liên khu 5, đồng chí Phạm Văn Đồng đã đề xuất giải pháp cho phép chính quyền miền Nam Trung Bộ in và phát hành tín phiếu ở vùng tự do Liên khu 5.

Ngày 18.7.1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 231-SL/M cho phép chính quyền miền Nam Trung Bộ in và phát hành tín phiếu ở vùng tự do Liên khu 5 (có giá trị như giấy bạc Việt Nam).

Tháng 9.1947, đồng chí Phạm Văn Đồng và Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ thành lập xưởng in tín phiếu đặt tại xóm Xà Nây, thôn Chàm Rao, xã Sơn Nham.

Xưởng in tín phiếu có 50 cán bộ, công nhân do đồng chí Nguyễn Xin làm giám đốc, đồng chí Nguyễn Hữu Thâm làm phó giám đốc. Xưởng có diện tích 2 ha, gồm khu nhà xưởng, khu nhà ở và nhà làm việc. Lúc mới thành lập, phân xưởng in được trang bị 5 máy minet, vận hành bằng đạp chân để cung cấp điện thắp sáng, về sau được trang bị máy nổ cung cấp điện.

Vẽ mẫu tín phiếu do họa sĩ Hoàng Kiệt đảm nhận, còn bản ảnh in bằng đồng do ông Văn Hồ là thợ điêu khắc có tiếng ở Đà Nẵng thực hiện.

Giấy in tín phiếu do các cơ sở sản xuất giấy ở Trà Câu, phường Phổ Văn (TX.Đức Phổ) và ở xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) cung cấp.

Sau này có xưởng giấy riêng, sản xuất được loại giấy bóng mờ, có ngôi sao chìm hình 5 cánh, góp phần ngăn ngừa những hành vi làm giả tín phiếu.

Nguyên liệu làm mực in là các loại bột màu mua ở các thành phố lớn đem về pha chế với dầu rái.

Tín phiếu kháng chiến gồm các mệnh giá: Một đồng, năm đồng, hai mươi đồng, năm mươi đồng, một trăm đồng, năm trăm đồng.

Mỗi tờ tín phiếu có in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, có chữ ký của đồng chí Phạm Văn Đồng, đại diện Chính phủ và chữ ký của đồng chí Nguyễn Duy Trinh, đại diện Ủy ban Hành chính Trung Bộ; có ghi mệnh giá bằng chữ quốc ngữ, chữ Hán và chữ số…

Hoàn thành sứ mệnh vẻ vang

Đầu năm 1950 khi xảy ra bạo loạn ở Sơn Hà, xưởng in tín phiếu tại xóm Xà Nây bị địch phát hiện, nên được lệnh chuyển đến thôn Bình Trung, xã Trà Bình (Trà Bồng). Hoạt động đến tháng 6.1951, sau khi Chính phủ cho thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, cơ quan in tín phiếu đóng tại xã Trà Bình, huyện Trà Bồng sáp nhập vào cơ quan 100 đóng tại Hoài Ân, tỉnh Bình Định, trực thuộc Ngân hàng Liên khu 5. Đến đây, Xưởng in tín phiếu của Liên khu 5 kết thúc nhiệm vụ lịch sử của mình.

*Tín phiếu in tại xưởng in ở Xà Nây.

Hoạt động trong thời gian hơn 3 năm, xưởng in tín phiếu của Liên khu 5 đã in được một khối lượng lớn tín phiếu, lưu hành không chỉ ở vùng tự do bao gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên với số dân 2,5 triệu mà còn đưa vào buôn bán ở một số vùng địch kiểm soát như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận… góp phần phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, xây dựng nền kinh tế tự túc ở Liên khu 5, tự cung cấp đủ nhu cầu cho chiến trường miền Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, đồng thời làm nghĩa vụ quốc tế với nhân dân hai nước bạn Lào và Campuchia, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh công cuộc kháng chiến mau chóng đi đến thắng lợi.

Chủ trương xây dựng nền kinh tế tự cung, tự cấp ở Liên khu 5 với sự chủ động in và phát hành tín phiếu để thay thế tiền tài chính do bị địch bao vây cấm vận là một trong những sáng kiến mang tầm chiến lược của đồng chí Phạm Văn Đồng, nhằm thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân toàn diện, dựa vào sức mình là chính, vừa kháng chiến vừa kiến quốc do Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra.

Với ý nghĩa lịch sử quan trọng, di tích Địa điểm Xà Nây, nơi đặt Xưởng in tín phiếu của Liên khu 5 hiện đang được Bảo tàng Tổng hợp tỉnh xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ và nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia

Với ý nghĩa lịch sử quan trọng, di tích Địa điểm Xà Nây, nơi đặt Xưởng in tín phiếu của Liên khu 5 hiện đang được Bảo tàng Tổng hợp tỉnh xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ và nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ.

PH.LÝ – PH.DUNG

  • Hình bìa: Một trong số 3 khuôn in tín phiếu được lưu giiữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.

Nguồn: Báo Quảng Ngãi điện tử

Recommended For You

Để lại một bình luận