7 nhiệm vụ trọng tâm phát triển du lịch nông thôn của TPHCM

UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TPHCM đến năm 2025 với 7 nhiệm vụ trọng tâm.

TPHCM đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững.

Theo đó, đến năm 2025, mỗi huyện (Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ) xây dựng ít nhất từ 1 sản phẩm/điểm du lịch nông nghiệp, sinh thái gắn với phát huy giá trị văn hóa, cộng đồng trong không gian nông nghiệp, nông thôn; phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm này được công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.

Trong đó, phấn đấu xây dựng 2 mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.

Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số, trong đó 100% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.

Phấn đấu có 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ, mỗi điểm du lịch có ít nhất 1 nhân viên thành thạo ngoại ngữ.

Xây dựng cơ sở dữ liệu về các sản phẩm, điểm du lịch nông thôn và tiếp tục cập nhật bản đồ sản phẩm OCOP gắn với du lịch TPHCM.

7 nhiệm vụ trọng tâm

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, TPHCM đặt ra 7 nhiệm vụ trọng tâm, khẳng định quyết tâm thúc đẩy du lịch nông thôn, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên địa bàn

Cơ chế, chính sách

Đồng bộ trong quy hoạch thành phố và quy hoạch nông thôn; thúc đẩy liên kết nông thôn – đô thị trong phát triển du lịch, ưu tiên phát triển du lịch nông thôn ở những vùng có lợi thế về tài nguyên, kết nối với các khu vực động lực phát triển du lịch, trung tâm du lịch.

Thúc đẩy quan hệ hợp tác công – tư, hợp tác công – tư – cộng đồng trong phát triển du lịch nông thôn; xây dựng cơ chế quản lý, giám sát và phát triển du lịch nông thôn có sự tham gia của cộng đồng.

Có cơ chế hỗ trợ cho các mô hình du lịch nông thôn trên địa bàn Thành phố theo hướng thân thiện với môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, du lịch không phát thải.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về du lịch nông nghiệp, nông thôn

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho lãnh đạo, cán bộ cấp ủy, chính quyền, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; người dân, cộng đồng và khách du lịch về phát triển du lịch nông thôn bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Đa dạng hóa và đổi mới hình thức, nội dung truyền thông du lịch nông thôn trên nền tảng công nghệ số; gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới; xây dựng đề án khuyến khích, hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp…

*Nằm cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh gần 40km, Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cần Giờ có tổng diện tích hơn 75.000ha. Trong đó, vùng lõi rộng 4.721ha, vùng đệm 41.000ha và vùng chuyển tiếp 29 nghìn ha – Ảnh: VGP/Ngọc Tấn

Đầu tư phát triển sản phẩm, điểm du lịch nông thôn

Rà soát, điều tra, cập nhật thông tin, số liệu về tài nguyên, thị trường du lịch nông thôn trên địa bàn thành phố để đánh giá hiện trạng và định hướng phát triển du lịch nông thôn từ đó có cơ sở phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn mang giá trị đặc trưng.

Hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ tại các làng văn hóa du lịch, làng du lịch nông thôn, điểm du lịch phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, gắn với đặc trưng văn hóa của từng khu vực.

Số hóa thông tin, tài liệu thuyết minh về các di tích lịch sử – văn hóa, sản phẩm du lịch, điểm du lịch, làng nghề truyền thống… gắn với xây dựng nông thôn mới.

Lựa chọn và tổ chức hướng dẫn xây dựng sản phẩm OCOP “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”; liên kết và lồng ghép các địa điểm xây dựng sản phẩm OCOP với quy hoạch chung của địa phương, phù hợp với quy định quản lý, sử dụng đất đai…

Thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông thôn: du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, làng du lịch thông minh, du lịch không phát thải.

Phát triển nguồn nhân lực

Rà soát, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực du lịch nông thôn và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của các hộ, cộng đồng kinh doanh du lịch nông thôn và các làng bản du lịch cộng đồng.

Tổ chức đào tạo nghiệp vụ quản lý du lịch, kiến thức thị trường, ngoại ngữ, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch… cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch các cấp ở khu vực nông thôn.

Triển khai tập huấn phát triển mô hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới cho cán bộ làm công tác về phát triển du lịch các cấp, các doanh nghiệp tham gia phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; cộng đồng, người dân có liên quan về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn…

Truyền thông, quảng bá

Đa dạng hóa và đổi mới hình thức, nội dung truyền thông du lịch nông thôn trên nền tảng công nghệ số thông qua các cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, chuyên đề… trên các kênh truyền thông quốc tế, các tạp chí du lịch và các ấn phẩm du lịch.

Tăng cường quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các sự kiện, hội chợ du lịch trong nước và quốc tế; tổ chức các hoạt động quảng bá các làng nghề truyền thống tại các lễ hội tại TPHCM. Tăng cường liên kết trong hoạt động kinh doanh du lịch giữa các quận, huyện nông thôn mới có tiềm năng phát triển du lịch với các công ty lữ hành.

Ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số

Tiếp tục phát triển và số hóa bản đồ OCOP phục vụ cho du lịch, hỗ trợ kết nối sản phẩm du lịch nông thôn nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng với các sản phẩm du lịch khác phục vụ cho việc quảng bá, xúc tiến du lịch nông thôn.

Liên kết phát triển du lịch nông thôn

Tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực liên quan nhằm triển khai hoạt động phát triển du lịch nông thôn đồng bộ và hiệu quả; chia sẻ thông tin với các tỉnh, thành phố khác, các tổ chức trong và ngoài nước nhằm tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm về quản lý và phát triển du lịch nông thôn.

Huy động sự hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn lực triển khai của các tổ chức trong nước và quốc tế cho các dự án, chương trình du lịch nông thôn gắn với cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái. Tham gia mạng lưới đối tác du lịch nông thôn để phục vụ cho kết nối đầu tư, kết nối thông tin cung – cầu du lịch.

Ngọc Tấn

  • Hình bìa: Rừng ngập mặn Cần Giờ là điểm lịch sinh thái hấp dẫn của TPHCM – Ảnh: VGP/Ngọc Tấn

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Recommended For You

Để lại một bình luận