Bài học quý từ “Chiếc cối xay tiêu” của Bác Tôn

    Trễ chuyến phà sớm trên bến Ô Môi, mẹ tôi sốt ruột chờ. Nắng khỏi đọt tầm vông thì chúng tôi cũng vừa tới nơi. Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng hiện ra uy nghi mà bình dị bên dòng sông Hậu hiền hòa. Tại nơi đây, mẹ tôi đã rưng rưng xúc động khi nghe thuyết minh viên kể về những kỷ vật vô giá, thiêng liêng của Bác. Và trong số những kỷ vật ấy, mẹ tôi nhớ mãi, nhắc hoài về một kỷ vật nghĩa tình vẹn vẽ của Bác – chiếc cối xay tiêu – kỷ vật đời thường của một cuộc đời cao cả.

    Bác Tôn – người con ưu tú của An Giang, không những là nhà cách mạng đầy chí khí mà còn là tấm gương của một nhà lãnh đạo nổi tiếng về sự trong sạch và giản dị.

    Cuộc đời Bác Tôn là hiện thân của một con người mà trái tim và khối óc đã hòa trong nhịp đập, trong suy nghĩ, trong niềm vui và nỗi đau của dân tộc mình.

    Câu chuyện về chiếc cối xay tiêu mà Bác dành tặng vợ đã phần nào khắc họa rõ nét chân dung của một nhà lãnh đạo bình dị, cao cả, yêu thương vợ con, gia đình tha thiết.

    Chiếc cối xay tiêu Bác Tôn mua tặng vợ.

    Vào năm 1956, Liên Xô trao tặng Bác Tôn giải thưởng hòa bình quốc tế Lênin. Giải thưởng đi kèm là 100.000 rúp. Bác Tôn đã trao lại số tiền này cho Ủy ban thiếu niên, nhi đồng Hà Nội.

    Trong thời gian đoàn ở Liên Xô, mỗi thành viên trong đoàn được phía Liên Xô tặng 1.000 rúp để tiêu và mua quà về cho gia đình. Các thành viên trong đoàn đều mua hết số tiền dành cho mình, riêng Bác Tôn đến ngày về vẫn chưa mua gì.

    Bác sĩ riêng của Bác có nhã ý mua giúp, Bác suy nghĩ hồi lâu rồi nói rằng Bác thích nhất là cá kho tộ bỏ nhiều tiêu – một món ăn dân dã đượm tình quê mà dẫu làm gì, đi đâu, Bác vẫn không quên.

    Đại diện thanh niên Năm xung phong quây quần bên Bác Tôn. Ảnh tư liệu.

    Nhớ món ngon quê nhà, Bác cũng chạnh lòng nhớ đến hình ảnh người vợ tảo tần chiều nào cũng đem tiêu hột ra đâm trong chén nên văng tứ tung ra ngoài; vì mắt kém nên mỗi lần như vậy bác ấy phải lọ mọ lượm lại từng hột tiêu. Thế là kỷ vật chiếc cối xay tiêu đã trở thành kỷ vật của ngày hôm nay trong hoàn cảnh ấm áp nghĩa tình như thế.

    Nhà trưng bày cuộc đời và sự nghiệp Bác Tôn

    Nghe đến đấy, chợt mẹ tôi cất tiếng hỏi lại thuyết minh viên: “Thế cái cối xay tiêu hồi ấy được bán với giá bao nhiêu?”.

    Để rồi mẹ cứ lẩm nhẩm mỗi câu: “Cối xay tiêu 7 rúp, số tiền còn lại, Bác Tôn đã giao trả lại tất cả cho phía nước bạn”.

    Là mẹ đang cố gắng học bài cho thuộc, mẹ bảo: “Phải ráng nhớ từng chi tiết nhỏ về chiếc cối xay thắm tình keo sơn để về kể lại cho hàng xóm và gia đình nghe”. Bởi từ trước đến giờ mẹ chỉ lẩn quẩn từ nhà ra đồng, nên chuyến viếng thăm lần này với mẹ là ý nghĩa, là khắc sâu và đáng quý biết bao. Mẹ còn đứng thật lâu bên chiếc cối xay tiêu, trong khi cô thuyết minh đã giới thiệu tiếp về những kỷ vật khác.

    Như chừng hiểu ý, cô thuyết minh quay lại và tiếp tục kể cho chúng tôi nghe về mối tình cao đẹp từ chuyện đền ơn, trả nghĩa của Bác Tôn và vợ.

    Trong thời son trẻ, hai bác gắn bó và kề cận nhau chỉ có thể tính bằng giờ, phút hiếm hoi. Cả cuộc đời mình, Bác Tôn đã hoạt động ở những nơi, những thời điểm đầy gian lao và thử thách, trong đó có rất nhiều lần nằm trong lao tù của kẻ thù.

    Khi Bác Tôn bị bắt đi tù Côn Đảo, nghĩ rằng trong lao tù có thể hy sinh, Bác Tôn đã viết thư cho vợ để khuyên vợ đi lấy chồng khác.

    Vợ Bác Tôn đã viết thư trả lời: “Tôi đã đi lấy chồng, chồng tôi tên là Hai Thắng ở Cù lao Ông Hổ”.

    Cách mạng tháng Tám thành công, Bác Tôn và các đồng chí của mình được cách mạng đưa về đất liền sau 16 năm bị giam cầm ở ngục tù Côn Đảo.

    Bác chỉ tạt qua nhà được đúng một ngày thăm vợ con rồi lại lên đường ra đi vì công việc khẩn trương của đất nước.

    Vợ chồng Bác Tôn sum họp nhau khi tuổi đã về già nhưng tình yêu thì… vẫn tình sâu nghĩa nặng, chăm sóc – thương yêu – kính trọng đến hơi thở cuối cùng.

    Căn nhà sàn thời niên thiếu Bác Tôn ở.

    Tôi bồi hồi xúc động khi lần nữa nhìn ngắm chiếc cối xay nho nhỏ được trưng bày trang trọng trong tủ kiếng. Ngày ấy, nhờ chiếc cối xay mà bác gái đỡ phần vất vả. Chừng như hơi ấm của đôi bàn tay bác gái còn vương vít trên chiếc cối ấy. Chỉ cần tưởng tượng đến lần đón Bác Tôn trở về sau chuyến công tác xa, bác gái đã vui mừng và hạnh phúc với món quà nhỏ ấy thôi cũng đã đủ ấm lòng.

    Là vị Chủ tịch một đất nước nhưng Bác Tôn vẫn bình dân như thế và ứng xử với vợ con vẹn tình như thế, đủ thấy được phẩm chất đáng quý của Bác. Không xa hoa, không phô trương bày vẽ, chỉ một chiếc cối xay tiêu mà cháu con muôn đời sau còn nhắc nhớ, Bác ơi!

    Đền thờ Bác Tôn trong khuôn viên Khu lưu niệm Bác Tôn ở xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên.

    Hôm nay, chúng tôi đi giữa bình yên trên quê hương Bác. Bầu trời xanh trong, cao vợi. Dòng nước mát lành, nhẹ trôi. Bầy chim sẻ ríu rít, chuyền cành. Bước chân người đi trên mảnh đất cù lao anh hùng, bỗng trở nên nhẹ tênh, thư thái vô cùng.

    Và câu chuyện đằng sau kỷ vật “chiếc cối xay tiêu” vô giá, thiêng liêng là bài học triết lý nhân sinh – giáo dục, sẽ còn “sống mãi” trong lòng bao thế hệ để mỗi khi nhắc nhớ về, lòng lại thấy rưng rưng tự hào xen lẫn xúc động khôn tả.

    Bài và ảnh: HUỲNH CAM
    (Trường đại học An Giang)

    Recommended For You