Bí quyết ‘làm ấm cơ thể’ trong mùa lạnh với củ gừng

    Vào mùa lạnh, thời tiết thay đổi đột ngột. Hôm trước nóng, hôm sau lạnh, làm cho những người già yếu, trẻ em, phụ nữ khốn khổ vì cảm lạnh. Có thể dùng củ gừng chữa một số bệnh thông thường mùa lạnh như sau:

    Trúng phong

    Đưa ngay nạn nhân vào chỗ kín gió, nới lỏng dây lưng, dây áo, đắp mền ấm. Cho uống nước ép gừng tươi 30 ml hoặc dùng muỗng cà phê đổ từng ít nước gừng vào miệng. Bã gừng xát vào lòng bàn tay, bàn chân (lấy củ gừng tươi to khoảng 50 – 60 g, rửa sạch cạo vỏ, giã nát, thêm 20 ml nước sôi nguội vào, vắt cho kiệt nước để uống, bã để đắp, xát).

    Thổ tả do cảm lạnh

    Đau bụng, đi ngoài. Nôn ra mật xanh, người mệt lả… Cho uống 30 ml nước ép gừng lùi (nướng củ gừng tươi khoảng 50 – 60 g vừa chín, cạo sạch vỏ, giã nát, thêm 20 ml nước sôi nguội, vắt lấy nước).

    Đau bụng do cảm lạnh

    Đắp củ gừng nướng (khoảng 50 g), lót giấy mỏng phía dưới rốn (quá huyệt đan điền) băng giữ gừng hoặc nhai 15 g gừng nướng.

    Cảm lạnh thông thường (ngoại cảm phong hàn), nước mũi trong chảy ròng

    Gừng tươi 10 g lát mỏng, lá tía tô tươi 30 g, phòng phong 10 g. Sắc nước 2 lần lấy 1 chén thuốc. Chia làm 2 lần uống trong ngày.

    Hoặc ăn cháo giải cảm: gừng sống xắt chỉ 10 g, tía tô rửa sạch xắt nhỏ 40 g, hành tăm xắt nhỏ 15 g. Tất cả cho vào chén to. Trứng gà tươi 1 quả, bỏ vỏ, đặt lên trên. Cháo loãng đang sôi dội lên cho trứng chín. Đảo đều, ăn nóng, mỗi ngày 1 lần.

    Phòng chống cảm lạnh

    Người yếu, người già khi cần tắm, gội hoặc ra ngoài khi trời lạnh nên phòng chống cảm lạnh bằng cách cắt một lát gừng tươi cạo sạch vỏ (khoảng 15 g) cho vào miệng nhấm nhẹ cho tiết chất cay rồi mới vào phòng tắm gội hoặc ra ngoài trờì.

    Khi tắm gội xong, mặc quần áo ấm, nhai nốt gừng đang ngậm (có khi nấc lên) sẽ đuổi lạnh và làm cho cơ thể thích nghi với môi trường.

    Dị ứng do ăn hải sản (sứa, sá sùng, tôm, cua, cá biển…)

    Gừng tươi lát mỏng 20 g, tía tô xắt nhỏ 50 g. Cho một chén nước vào sắc sôi trong 15 phút. Lấy nước 1 cho bệnh nhân uống, rồi sắc tiếp nước 2 với 1/2 chén nước cho bệnh nhân uống tiếp 2 giờ sau.

    Ăn uống chậm tiêu, ậm ạch, khó chịu

    Gừng nướng cạo sạch vỏ 15 g, nhai nuốt cả bã. Ngày 1 lần.

    Chữa đau thắt ngực do vữa xơ mạch vành

    Gừng tươi 1 lát 5 g, nhai nuốt dần (mỗi ngày tối đa 3 lần). Tác dụng có thể tốt hơn Aspirin.

    Cứu người động kinh

    Gừng tươi 10 g, giã nát trộn với phèn chua cục (sinh bạch phàn) 9 g. Trộn kỹ thành hồ rồi thêm 20 ml nước sôi nguội, lấy muỗng cà phê để vào miệng nạn nhân cho nuốt dần.

    Lưu ý:

    • Cần thận trọng với bệnh nhân là phụ nữ mang thai, bệnh tiểu đường, tim mạch: không dùng gừng liều cao, nhiều ngày.
    • Không dùng mọi chế phẩm có gừng cùng lúc với Coumarin, Aspirin.
    • Không dùng gừng tươi cho những người đang chảy máu như rong kinh, hành kinh;
    • Ho, tiêu, tiểu, nôn ra máu, chảy máu răng, bị thương chảy máu, chảy máu cam… (thuốc cầm máu là gừng khô sao cháy đen: thán khương).
    • Không dùng gừng cho người bị cảm nắng, người ra nhiều mồ hôi, sốt cao không ớn rét.

    DS. TRẦN XUÂN THUYẾT

    Recommended For You