Hôm nay tôi được tan làm sớm hơn mọi khi. Ra khỏi công ty, tôi bắt gặp ngay một cơn gió chiều nhè nhẹ thổi qua khiến tôi chợt dừng bước, chỉ một giây ngắn ngủi của gió khẽ đi qua làm lòng tôi bỗng chốc rung động.
Tôi chợt nghĩ, đã bao lâu rồi chưa nhìn cảnh vật xung quanh mình. Cuộc sống nơi công sở chỉ quẩn quanh chuyện sáng mở mắt đến công ty, tối tan làm thì đón xe bus về nhà. Có lẽ đã quá lâu tôi chưa nhìn những gì diễn ra trước mắt mình hay vì cảm xúc đột ngột đến bất chợt nên khiến tôi đưa ra quyết định, thay vì đón xe bus như mọi hôm, nay tôi muốn đi bộ về nhà.
Sau những bước chân đầu tiên, tôi cứ ngỡ mình đi nhầm đường. Hôm nay, con đường về nhà tôi sao thật lạ? Sự ngạc nhiên và ngỡ ngàng khiến tôi cảm giác như mình chưa bao giờ gặp, mặc dù tôi đã đi qua con đường ấy hàng trăm lần để về nhà.
Tôi tản bộ về nhà trong sự ngỡ ngàng. Không rõ từ lúc nào, đường về nhà tôi đỏ rực màu hoa phượng, từ khi nào hai bên đường đã xuất hiện hàng phượng vĩ đỏ thắm… Cây phượng nở hoa mời mùa hè ghé đến khiến tôi cũng chợt nhận ra mùa hè nay đã gần kề. Cũng đã lâu, tôi chẳng còn tâm trạng gì để nghĩ đến các mùa trong năm. Cuộc sống luôn hối hả, đến khi mình chậm lại mọi chuyện đã vượt ngoài tầm tay. Cả ngày tôi chỉ biết sáng nay phải làm gì với đống tài liệu trên bàn, ngày mai phải in bao nhiêu sắp tài liệu ở máy photo. Cuộc sống nhàm chán cực điểm.
Nhìn hàng phượng đung đưa theo từng ngọn gió, tôi nhớ về ngày mình còn đi học, ở nơi góc phượng năm đó cũng có vô vàn kỷ niệm. Đột nhiên tôi có cảm giác muốn cười, ra trường cũng năm năm, nhưng giờ mới nhớ đến ngôi trường cũ, cây phượng già dưới sân. Tôi cảm thấy hoàn cảnh của mình có chút giống với nhân vật Nhĩ trong tác phẩm “Bến quê” của Nguyễn Minh Châu. Cuộc đời của anh ta là một chuỗi đi vòng quanh thế giới ngắm vô vàn cảnh đẹp nhưng cuối đời lại bị kẹt chặt với giường bệnh; khi bị chôn chân ở giường bệnh, anh mới phát hiện ra quê hương mình cũng đẹp, cũng thơ mộng nhưng anh chưa bao giờ để ý đến. Rồi Nhĩ nhờ con trai mình đi và kể lại cho anh, nhưng nào được như ý. Cuối cùng, đến cuối đời, Nhĩ chỉ còn lại nuối tiếc và xót xa. Đột nhiên tôi có chút sợ hãi, mình đã trải qua những tháng ngày làm việc như thế nào? Cả ngày chỉ làm việc rồi làm việc, xong lại làm việc.
Không biết có phải không khí hôm nay mang đậm sự hoài niệm hay không nhưng ngày hôm sau tôi đã quyết định xin công ty nghỉ một ngày để trở về ngôi trường của mình, ngắm lại cây phượng già năm ấy đã bên tôi suốt tuổi thanh xuân. Nơi ngập tràn sự ngây thơ trong sáng tươi đẹp. Nơi của những lo toan gần như không tồn tại. Nơi chất chứa bao ước mơ và hi vọng vẫn mãi chắp cánh.
Trường tôi có một cây phượng gốc rất to. Thân phượng như cây đại thụ, các bạn của tôi hay gọi vui là “cây phượng già”. Hôm nay, tôi về trường sau 5 năm, có lẽ phượng già nay còn to hơn nữa, lá cành chắc sẽ xum xuê hơn nữa.
Nhưng… trước mặt tôi không phải là gốc phượng lá hoa đua nở mà là một khuôn viên trồng cây kiểng. Tôi vội chạy đi tìm cô lao công để hỏi. Cô bảo rằng: Phượng rất to, cành nghiêng đâm vào mái của trường và cũng không còn ra hoa, lúc đầu người ta cũng nói rằng chặt đi rất uổng, nên cũng để đấy rồi trồng hai hàng phượng vĩ đối diện, nhưng rồi nhà trường cũng quyết định chặt đi.
Những lời của cô lao công lúc này tôi chẳng nghe lọt được câu nào nữa cả, đôi lúc thử muốn hỏi liệu trên đời có gì tồn tại mãi mãi hay không? Có ai đảm bảo, chúng sẽ mãi mãi trường tồn, sẽ không bị mai một dù ít hay nhiều? Mọi thứ có phải đều sẽ như “phượng già” nhiều năm lặng lẽ tồn tại, chứng kiến từng lớp phượng được trồng lên, lúc đó “phương già” nghĩ gì?
Phải chăng phượng biết mình đã già, phải chăng phượng biết mình phiền hà nên chẳng muốn ra hoa. Nhìn khuôn viên nhớ lại dáng “phượng già” năm nào, tim tôi dường như trật mất một nhịp. Tôi không muốn nán lại trường lâu hơn nữa, xoay người đi ra cổng, thuận đường trở về nhà. Trước mắt tôi, đám trẻ đang dùng những cánh hoa phượng kết thành hình những chú bướm nhỏ xinh. Tôi chợt quay đầu lại, hai hàng phượng vĩ vẫn đu đưa theo làn gió, có lẽ lúc này tôi đã biết “phượng già” nghĩ gì? Có phải phượng nghĩ rằng: Sự ra đi của nó không phải là sự mai một hay mất mát gì cả. Mà đó là sự tiếp nối. Trường giang sóng sau xô sóng trước. Không ai vượt qua ai, tất cả chỉ có sự kế thừa.