Chúng tôi đến thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) vào một ngày đầu tháng tư khi nắng vàng tươi trải dài trên cánh đồng, làng mạc của một miền quê thanh bình, yên ả. Đặc biệt, không gian nơi đây đang tỏa hương dầu tràm thơm ngát, hòa quyện trong những hàng cau, khóm chuối, ruộng vườn… bởi đâu đây có lò dầu tràm đang tỏa khói.
Các bậc cao niên xã Hòa Khương cho hay, trước nay trên địa bàn vùng đồi cao của khu vực đồi Gò Cà mọc nhiều các loại cây chổi, cây tràm. Đây cũng là điều kiện thuận lợi giúp người dân phát triển nghề làm chổi quét cũng như nấu tinh dầu.
Trao đổi với chúng tôi, cô Phan Thị Thục (57 tuổi, trú tại thôn Phú Sơn 2) là “chủ lò” cho hay, cách đây 5 năm, tình cờ một lần đi lên núi Sợn Gà, cô phát hiện cây tràm mọc khá nhiều, bắt đầu từ năm đó, cô mua sắm dụng cụ để nấu dầu tràm.
Cô Thục chia sẻ: Cách nấu dầu tràm cũng tương tự như cách nấu rượu. Trước hết bỏ lá tràm vô trong một thùng nấu bằng inox, nhận chặt khoảng 80 kg lá, chiếm tỷ lệ 2/3 thể tích thùng. Đổ ngập nước vào, rồi đun sôi đến khoảng 5 tiếng đồng hồ. Phải chụm củi lửa thật đều, không lúc nào thiếu lửa, cũng chú ý đừng để cho lửa cháy quá lớn sẽ làm bay hơi mất mùi dầu.
Thùng inox được nối với một cái lô (dụng cụ dùng để chưng cất dầu), rồi ngâm lô trong một cái bể xây bằng xi măng chứa “nước lạnh”, khi nấu dầu tràm, cái bể nước này phải thường xuyên cho nước lạnh vào, có như vậy tinh dầu mới ngưng tụ nhiều. Tinh dầu (có lẫn nước) sẽ chảy ra chai bằng đường dẫn từ lô, người nấu sẽ trích lấy phần tinh dầu nổi lên trên của chai.
Cô Thục cho hay, mỗi tuần nhà cô nấu từ 5 đến 10 nồi, mỗi nồi nấu 80 kg lá tràm và thu về 100 mml tinh dầu tràm. Sau khi trừ đi tiền nguyên liệu, công, củi cũng kiếm được khoảng 300.000 đồng/nồi.
Còn nhớ tại hội chợ “Nông nghiệp Hòa Vang 2020” tại khu trung tâm hành chính huyện Hòa Vang (thôn Dương Lâm 1, xã Hòa Phong) diễn ra từ ngày 2 – 4/7, do UBND huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) phối hợp với Sở công thương và Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố tổ chức, có hơn 150 gian hàng trưng bày các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm đặc trưng của từng địa phương, thực phẩm chế biến, sản phẩm làng nghề nông thôn, trong đó có gian trưng bày sản phẩm tinh dầu tràm của cô Thục là “cây nhà lá vườn” được bà con quan tâm với lọ dầu tràm 50 mml (có giá 150.000 đồng/lọ) và loại 30 mml (có giá 100.000 đồng/lọ).
Các thầy thuốc cho hay, tinh dầu chổi, tràm màu vàng nhạt có tác dụng long đờm, dùng làm thuốc chữa ho, viêm họng, cảm cúm, ngoài ra còn được dùng xoa bóp, chữa đau nhức… nên sản phẩm được người dân ưa chuộng. Đặc biệt, với tính năng kháng khuẩn cao ở đường hô hấp, nên tinh dầu tràm được nhiều người quan tâm, ưa chuộng.
Ông Nguyễn Chí Trí, chủ tịch UBND xã Hòa Khương cho hay: “Thời gian qua, địa phương đã tạo điều kiện để cô Thục sản xuất tinh dầu tràm, tận dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương. Hiện nay, sản phẩm tinh dầu tràm của cô Thục có uy tín và đã được “Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2” thử nghiệm với kết quả: “Tinh dầu có dạng lỏng, trong, không cặn; màu vàng nhạt, mùi thơm của tinh dầu tràm, vị cay…”. Ngoài ra, sản phẩm tinh dầu tràm của cô Thục đoạt giải ba tại hội thi “Ý tưởng khởi nghiệp” năm 2020 của Ban thường vụ Hội liên hiệp phụ nữ huyện Hòa Vang. Thời gian tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ, bổ sung những điều kiện cần thiết và cô Thục tự thân hoàn thiện sản phẩm tốt hơn để tinh dầu cô Thục đạt sản phẩm OCOP đặc sản của địa phương”.