Đập Quỳnh Lưu, nặng nghĩa ân tình

Gần nửa thế kỷ trôi qua, công trình Đập ngăn mặn Quỳnh Lưu, xã Bình Châu (Bình Sơn) được xây dựng từ đóng góp công sức của hàng nghìn người dân và sự giúp đỡ của huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), địa phương kết nghĩa với huyện Bình Sơn vẫn còn nguyên giá trị.

Đập ngăn mặn Quỳnh Lưu trước có tên là đập ngăn sông Sa Kỳ, đoạn từ đầu chợ thuộc xã Bình Châu qua xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi), được xây dựng từ năm 1937. Trải qua chiến tranh ác liệt, đập bị bom đạn tàn phá hoàn toàn.

Sau ngày giải phóng, Huyện ủy Bình Sơn đề ra chủ trương khôi phục các hồ, đập để phục vụ sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Huyện đã thành lập 3 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn đảm nhận khôi phục một công trình thủy lợi lớn. Đó là đập Cà Ninh ngăn mặn cho 350ha đất sản xuất nông nghiệp, đập Đá Giăng có năng lực tưới cho 200ha và đập Quỳnh Lưu ngăn mặn cho hơn 150ha.

Sở dĩ đập ngăn mặn tại xã Bình Châu có tên là Quỳnh Lưu bởi thời điểm bấy giờ hai huyện Quỳnh Lưu và Bình Sơn là hai địa phương kết nghĩa và công trình có sự giúp sức từ địa phương bạn lúc bấy giờ. Đây là con đập ghi dấu tình nghĩa keo sơn của hai địa phương và có ý nghĩa rất quan trọng giúp “hồi sinh” hàng trăm hecta đất bị bỏ hoang nhiều năm do nhiễm mặn.

Bình Sơn kết nghĩa với huyện Quỳnh Lưu từ thời kháng chiến chống Mỹ. Trải qua hàng chục năm, mối quan hệ kết nghĩa giữa hai huyện ngày càng bền chặt. Hằng năm, hai huyện đều tổ chức các đoàn công tác để thăm, làm việc, chia sẻ cách làm hay, mô hình mới và giúp đỡ nhau lúc khó khăn. Trong đợt mưa bão vừa qua, đoàn công tác của huyện Quỳnh Lưu đã vào thăm hỏi, động viên và trao số tiền gần 1 tỷ đồng giúp nhân dân huyện Bình Sơn khắc phục hậu quả bão số 9, sớm ổn định cuộc sống“, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn NGÔ VĂN DỤNG

Ông Phạm Tấn Tùng – nguyên Chủ tịch UBND xã Bình Châu (1989 – 1999) vẫn còn nhớ không khí sôi động của những ngày khiêng đất, vác đá, đắp đập be bờ làm đập Quỳnh Lưu. “Ngày ấy, hàng nghìn thanh niên, nông dân, phụ nữ… đồng lòng đóng góp công sức để làm đập, với khí thế quyết tâm cao. Nhân dân huyện Quỳnh Lưu cũng góp tiền, hỗ trợ nhân lực làm đập”, ông Tùng nhớ lại.

Theo thống kê của Huyện ủy Bình Sơn, sau giải phóng, nhân dân trong huyện đã đóng góp hơn 2 triệu ngày công, bình quân mỗi lao động đóng góp 60 ngày công khai hoang, phục hóa, làm đập. Đập Quỳnh Lưu trải qua năm tháng trở thành một địa danh lưu dấu công sức con người và phong cảnh thiên nhiên hòa quyện ruộng đồng, sông nước rất đỗi nên thơ.

Theo ký ức của nhiều người dân trong vùng, khi chưa có đập ngăn mặn này thì cả một vùng rộng lớn các xã Bình Châu, Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) ruộng đồng ngập mặn, không thể canh tác nông nghiệp. Cả cánh đồng chỉ toàn cây lác làm chiếu, bần, đước và nhiều loại cây dại chịu mặn khác. Đời sống người dân chủ yếu chài lưới, đánh bắt cá, tôm… Canh tác nông nghiệp chỉ dựa vào nước trời, vì thế lương thực quanh năm thiếu thốn. Ông Nguyễn Sanh (80 tuổi) ở thôn Châu Me, xã Bình Châu chia sẻ: Từ ngày con đập hoàn thành, đời sống của người dân địa phương được cải thiện nhờ sản xuất ổn định.

Hiện nay, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, đập Quỳnh Lưu đã được bê tông kiên cố. Đập tràn này hiện có chiều dài hơn 50m, rộng khoảng 6m, trở thành một phần của tuyến đường xung yếu từ Bình Châu đến các xã Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa, Tịnh Khê lên TP.Quảng Ngãi. Cho đến bây giờ, con đập không chỉ có giá trị to lớn đối với các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông… mà nó còn là con đập thấm đượm nghĩa tình giữa nhân dân hai huyện Bình Sơn và Quỳnh Lưu.

KIM NGÂN

  • Hình bìa: Đập ngăn mặn Quỳnh Lưu giờ được bê tông kiên cố hơn ở địa phận chợ Bình Châu (Bình Sơn) giáp với xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi).

Nguồn: Báo Quảng Ngãi điện tử

Recommended For You

Để lại một bình luận