Đậu xanh có giải được thuốc?

    HỎI: Cháu nghe nói Đậu xanh ăn vô sẽ giải thuốc, có đúng không? Khi uống thuốc có cần cữ Đậu xanh không? Ăn nhiều Đậu xanh có nổi mụn không? Quách Thu H. (Q.5, TP.HCM)

    ĐÁP: Kinh nghiệm dân gian thường dùng Đậu xanh để làm thuốc giải độc cho nhiều loại thuốc và thức ăn có độc. Kinh nghiệm này có đúng cho một số trường hợp nhưng không đúng hoàn toàn.

    Có hàng ngàn chất gây độc và phải biết đang bị ngộ độc chất gì, tính chất của nó ra sao thì mới chọn được cách xử trí thích hợp. Việc giải độc trước hết là ngưng không cho chất độc ấy vào cơ thể nữa hoặc lấy nó ra bằng cách móc họng cho ói, dùng thuốc gây nôn… Ngộ độc cấp thì bác sĩ cho súc ruột và có thể giải độc bằng thuốc đối kháng tác dụng của chất độc…

    Có những chất có tính giải độc chung chung như nước, sữa (để pha loãng chất độc), than hoạt tính, tinh bột, lòng trắng trứng (để hấp thu một số chất độc rồi thải ra theo phân chứ không hấp thu vào cơ thể)…

    Đậu xanh cũng thuộc loại chung chung này nhưng chỉ giải độc nhẹ cho cơ thể chứ không giải được chất gây ngộ độc vì nó được hấp thu vào cơ thể.

    Đậu xanh giàu chất dinh dưỡng lại dễ tiêu hóa nên người bệnh, người yếu có thể dùng được. Nhất là chứa nhiều kalium (1.116 mg/100 g Đậu xanh) có tính lợi tiểu giải độc nên giúp cơ thể loại thải chất độc ra khỏi cơ thể nhanh hơn.

    Đặc tính giải độc này có làm mất tác dụng của thuốc không thì còn tùy từng loại.

    Nếu là thuốc bổ thì không nên loại nó ra sớm. Ta biết rằng mỗi loại dược chất đều có một thời gian bán hủy riêng.

    Thí dụ, uống 1 viên paracetamol 325 mg, sau 30 – 60 phút sẽ đạt nồng độ đỉnh (hầu hết lượng thuốc ấy được hấp thu hết vào cơ thể và lúc đó máu có một nồng độ của paracetamol cao nhất, gọi là nồng độ đỉnh P).

    Vì thời gian bán hủy của paracetamol là 2 giờ nên sau 2 giờ thì nồng độ đỉnh ấy sẽ giảm còn phân nửa (còn 1/2 P); sau 2 giờ nữa thì sẽ giảm 1/2 nữa, tức còn lại 1/4 P)… Cứ thế cho đến 24 giờ sau thì hầu hết paracetamol trong viên thuốc ấy được loại thải khỏi cơ thể.

    Trong khi trị bệnh thì cứ 4 giờ thầy thuốc lại cho uống thêm 1 viên nữa, nên nồng độ paracetamol trong máu lúc này là P + 1/4 P…

    Như vậy, trong thời kỳ dùng thuốc thì trong dịch thể của ta lúc nào cũng được duy trì một nồng độ thuốc nhất định đủ để tạo tác dụng trị bệnh. Nếu ta uống nhiều lần hơn, thí dụ 2 giờ thay vì 4 giờ một lần, thì sẽ bị ngộ độc thuốc vì lượng thuốc tích lũy quá cao so với nồng độ đỉnh cần thiết. Đồng thời trong nước tiểu hay đúng hơn là trong thận cũng có một nồng độ chất chuyển hóa (thoái biến) của thuốc cần được loại ra khỏi cơ thể.

    Nếu ta uống đủ nước  hoặc ăn nhiều chất lỏng, kể cả chè đậu xanh chẳng hạn, thì sẽ giúp cho thận bài tiết nhanh các chất cần thải loại qua thận mà thôi chứ không giải được thuốc còn ở trong máu và dịch thể khác.

    Vậy Đậu xanh có tính giải độc cho cơ thể chứ không làm dã (mất tác dụng) thuốc. Đậu xanh có tính lợi tiểu giải độc như vậy là làm mát cơ thể nên làm bớt mụn nhọt chứ không gây mụn trừ khi bạn ăn quá nhiều chè đậu xanh (nhiều đường). Dùng Đậu xanh nên để nguyên vỏ lụa sẽ bổ dưỡng hơn Đậu xanh đãi vỏ.

    DIỆU PHƯƠNG

    Recommended For You