Sau khi tốt nghiệp Học viện C, tôi được điều về công tác ở một cơ quan của bộ, thấm thoát đã chục năm có lẻ. Vợ tôi công tác cùng thành phố, thu nhập vào loại khá nên cuộc sống gia đình cũng ổn. Chúng tôi dành dụm tiền mua được một căn hộ chung cư và có ô tô riêng. Thỉnh thoảng vào ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần, hai vợ chồng đưa cháu về quê thăm ông cùng mọi người.
Mẹ tôi mất đã mấy năm, bố tôi sống với vợ chồng chú út. Chú làm nông nghiệp, chỉ đủ ăn, chả dư dả là bao. Bố tôi trước đây cũng vậy, nên hằng tháng vợ chồng tôi vẫn chu cấp thêm cho ông tiền sinh hoạt, dù không nhiều.
Tôi là con trưởng, xa quê từ ngày nhập ngũ. Năm trước, vợ chồng tôi bàn và thống nhất với nhau đón ông ra thành phố ở cùng để có điều kiện chăm sóc. Thế nhưng sau khi trao đổi với vợ chồng chú út và thưa chuyện với ông thì ông không đồng ý, mời ông ra chơi, ông cũng từ chối khéo. Tháng trước được nghỉ mấy ngày Tết, cả gia đình tôi về quê thăm ông. Nhân lúc vui vẻ, vợ tôi chủ động mời ông ra thành phố chơi một thời gian để thay đổi không khí cho khuây khỏa.
Vẫn như những lần trước, ông nhẹ nhàng từ chối với lý do: “Bố sống ở quê đã quen rồi, ra ngoài đó nhiều cái bất tiện lắm, không chừng lại để các con lo nghĩ thêm”.
Nghe vậy, tôi nói: “Bố đã ra ngoài đó bao giờ đâu mà bảo quen với không quen. Bố cứ thử ra chơi một chuyến biết đâu lại nghĩ khác cũng nên. Nhân thể chúng con đưa Bố đi tham quan một vài nơi”.
Thấy ông có vẻ xuôi, vợ chồng tôi mừng quá, chiều hôm đó đưa ông đi luôn. Những ngày đầu, nghe chừng cũng ổn, nhưng sang tuần thứ hai, tình hình có vẻ bất ổn. Tối hôm ấy, sau bữa cơm, hai bố con ngồi uống nước, ông nói: “Có lẽ cuối tuần các con cho Bố về”.
Vợ tôi đang dọn dẹp trong bếp, liền nói: “Bố mới ra chơi vài ngày, sao vội về làm gì? Để sang tuần cả gia đình mình đi Cát Hải chơi. Mà Bố cũng đã đi biển bao giờ đâu, đi cho biết Bố ạ”!
Ông chậm rãi nói: ừ, kể đi được cũng tốt, nhưng Bố nóng ruột quá, nhớ nhà, nhớ hai đứa con thằng H, chắc chúng nó cũng nhớ ông lắm! Thôi để Bố về. Với lại Bố ở quê quen rồi, lúc nào cũng có hàng xóm láng giềng, người quen trò chuyện. Ở đây, chẳng ai biết ai, “đèn nhà ai, nhà nấy rạng”, buồn lắm! Ở lâu không khéo Bố thành người tự kỷ mất.
Tôi nói: con tưởng hằng ngày bố vẫn đi dạo và tập thể dục với ông T ở tầng 5. Ông thủng thẳng nói: “Ừ, ông T tuy không cùng quê nhưng cùng cảnh, nên dễ chuyện trò chia sẻ. Ông ấy có việc ở quê về chiều nay rồi. Nếu các con bận thì cứ để Bố đi xe ngoài cũng được, không sao đâu”.
Thấy ông có vẻ kiên quyết nên cuối tuần, tôi đành đưa ông về quê. Khi trở lại nhà, tôi cứ day dứt mãi, một phần thương bố, muốn lo cho bố mà không được, phần khác bởi câu nói “đèn nhà ai, nhà nấy rạng”.
Có lẽ tôi xa quê đã khá lâu nên quen và thấy mọi việc bình thường. Chỉ khi nghe ông nói “đèn nhà ai, nhà nấy rạng”, tôi mới ngộ ra là khác thường.
Càng ngẫm tôi càng thấm thía lời nói ấy; nó gợi lại trong tôi những ký ức đẹp đẽ về một miền quê tuy còn nghèo khó nhưng ấm áp tình người với những mối quan hệ thân thiết từ làng trên, xóm dưới mà cuộc sống hiện tại của mình ở thành phố chưa dễ gì có được.
Thiết nghĩ, trong cuộc sống thường nhật nhưng hết sức sôi động của ngày hôm nay, câu thành ngữ “đèn nhà ai, nhà nấy rạng” như một lời nhắn nhủ tới mỗi chúng ta về những nét đẹp văn hóa ở các khu dân cư, tuy mộc mạc nhưng chan hòa, cởi mở, chân thành. Đây là điều rất đỗi bình thường nhưng không dễ tìm được lời giải, nhất là trên địa bàn đô thị.
Nguồn: Tạp chí Quốc phòng toàn dân| HÀ ANH