Đi, về trong nỗi nhớ

Đi và về là một chu trình khép kín của cuộc sống. Người ta sống ở trên đời này, dẫu là phận người đơn giản nhất, êm đềm nhất cũng không thể thiếu những chuyến đi. Và ra đi cũng là để trở về. Cõi đời cũng vậy, sinh ra là hạt bụi, đi hết một kiếp người rồi lại trở về thành hạt bụi.

Những lần đi, nói sao cho hết, và những lần trở về, cũng chẳng lần nào giống lần nào, có giống chăng cũng chỉ là cái nao nức bồn chồn. Dẫu là một đứa bé con trở về sau một chuyến đi chơi ngắn ở quê ngoại làng bên hay là gã đàn ông phong sương tóc điểm bạc trở về sau những năm dài đằng đẵng lữ thứ quê người thì nghĩ đến ngày về vẫn cứ nôn nao mong đợi.

Xa nhất trong ký ức, là cái lần chị mới tám tuổi được bố đưa xuống thị xã chơi ở cơ quan của bố nơi cách nhà có sáu km thôi mà như mở ra một thế giới mới lạ.

Đấy là vào cuối mùa đông, hàng cây xà cừ thân xù xì mốc thếch sừng sững nơi phố thị ràn rạt trút lá theo gió bấc. Căn phòng làm việc của bố trống trải, tối hai bố con nằm lạnh ơi là lạnh, cái chăn đơn mỏng không đủ ấm phải sang mượn chiếu của phòng bên cạnh đắp thêm bên ngoài.

Lần đầu được nhảy chân sáo trên những bậc cầu thang leo lên tầng ba, từ lan can nhìn ra ngoài kia, gió bấc đu những tán lá xà cừ. Chơi vui, đến ngày thứ ba bố mua cho một túi kẹo vừng, bảo về chia cho các chị em ở nhà làm quà.

Và hai bố con về đến làng chừng xẩm tối. Sau bữa cơm, chia quà cho cả nhà xong, có cái gì cứ nghẹn ngào trong lòng, chị chui vào góc buồng trong ngồi khóc.

Bố tìm chị, lau nước mắt, dỗ dành, hỏi han, mà con gái không nói và chỉ khóc. Bố lại tưởng có ai trong năm chị em còn lại bắt nạt gì chị chăng. Có biết đâu, con bé tám tuổi là chị lúc bấy giờ khóc chỉ vì nhớ tiếc chuyến đi, vì muốn được đi chơi nữa.

Năm tháng trôi, những chuyến đi lần lần dày đặc, bắt đầu là đi học lớp chuyên của huyện phải ở lại thị trấn cách nhà tám cây số những năm học cấp hai, những năm học cấp ba trọ học cách nhà chừng năm cây số, và sau đó là những chuyến đi dài thăm thẳm.

Lần nào trở về cũng là náo nức từ khi bước qua cây cầu nhỏ bắc qua bờ con sông máng hiền hòa, cây bồ kết dé xum xuê đầu xóm, con đường nhỏ men theo con mương dẫn tới rặng tre đầu ngõ. Khi ấy đường thôn xóm còn toàn là lối mòn sỏi son chạy giữa những um tùm dày đặc cỏ mần trầu, cái giống cỏ đun với bồ kết, hương nhu gội những mái tóc dài con gái của một thời chưa biết tới xà phòng, dầu gội đầu hay dầu xả.

Đây rồi ngõ nhỏ thân thương, khu vườn um tùm những cây ăn quả, mảnh sân đất nện, mái nhà thấp với những chấn song cửa sổ bằng gỗ không sơn. Và dáng mẹ gầy gầy lúi húi, ngoài vườn, trong bếp, trên nhà, phần nhiều là mẹ hay ngồi bờ giếng, khi rửa bát, khi nhặt rau, giặt quần áo. Mẹ nhìn ra thấy con về, mắt sáng lên mừng rỡ:

– Con gái về đấy à!

Nhớ có lần học tiếng Nga khó quá, cuối tuần chị mượn tiền bạn đi tàu từ Hà Nội về, khóc òa ngon lành với bố mẹ ngay bờ giếng:

– Con ở nhà thôi! Con không học nữa đâu!

Bố mẹ không nói lời nào, chỉ qua ánh mắt chị thấy cả một trời xa xót thương yêu. Thế mà rồi cũng tự nín, để rồi hết ngày Thứ bảy, sáng Chủ nhật lại tự đi bộ xuống bến xe bắt xe đi Hà Nội.

Mẹ gần như chẳng bao giờ mắng chị, duy nhất có một lần, đấy là trước chuyến đi dài ngày tưởng là sáu năm mà sau thành gần tám năm. Khi ấy chị đã chia tay cả nhà ra Hà Nội để chờ bay sang học tập nơi nước bạn. Chuyến bay năm ấy bị hoãn lại một tuần và chị trốn đoàn tranh thủ quay về thăm nhà một lần nữa.

Mẹ trông thấy con gái về thay vì mừng rỡ như mọi khi thì bỗng nổi giận mắng cho một trận, mẹ lo con gái đi đường tàu xe bao nỗi, mẹ lo lỡ chuyến đi dài kia. Con gái tủi thân vào buồng nằm khóc, nghe ngoài nhà bố ân cần bảo mẹ:

– Thôi em đừng mắng nữa, chỉ là con nó nhớ nhà nên nó mới trốn về.

Viết những dòng này, nước mắt lại hôi hổi tràn mi. Cả một trời yêu thương là những lần đi và về trong ký ức.

Những năm tháng thanh xuân, nông nổi, đa đoan, có lần bứt được ra khỏi một cuộc tình trái ngang, chị trở về nhà, thấy mình trơ trụi như một con gà con bị bàn tay tàn nhẫn nào đó vặt sạch lông.

Mảnh vườn quen thuộc trong nắng trưa im lìm, nghe rõ tiếng con gà mái tao tác nhảy ổ sau bếp, tiếng những con chim cu gáy gù rất ấm từ cuối vườn. Mẹ ngồi xé cua giã nấu canh. Chị lơ đễnh giúp mẹ múc từng gàu nước từ lòng giếng sâu, tiếng chiếc gàu khẽ chạm oạp mặt nước. Chị nhìn thăm thẳm lòng giếng, chợt như có một khao khát mơ hồ ở đâu đó thôi thúc chị nhào xuống, dưới kia hẳn là mát lạnh, hẳn là không còn nỗi đau nhức nhối, những phiền muộn âu sầu.

Chợt có vật gì âm ấm chạm vào chân chị, dũi dũi, rồi cuống quýt, nháo nhào. Con chó mực. Mà sao nó gầy tới giơ xương, lông không còn đen óng như mọi khi mà hung hung xơ xác. Không lẽ mốt nhuộm tóc Hàn Quốc đã về tới tận làng mình? Mẹ khẽ khàng bảo:

– Con mực nhà mình gần đến ngày đẻ con thì bị người ta lừa bắt đi, sau không biết làm sao nó trốn được về nhà mấy hôm nay rồi đó con! Mà thôi con ạ, còn may mà nó về được nhà.

Có những giọt nước không phải là nước giếng âm thầm rơi trên bờ giếng, trên cả mớ lông hung hung trơ trụi xác xơ của con mực.

Rồi cái đận ấy cũng qua.

Và sau đó là những lần trở về đã không chỉ một mình chị, niềm vui ngời ngời trên khuôn mặt chị và người bạn đồng hành, trong mắt của mẹ, của bố, của người thân. Khu vườn đầy tiếng nói, tiếng cười, cả tiếng hát. Khi người ta vui, người ta hạnh phúc, cây vườn như cũng lao xao, bầu trời lao xao, ngõ nhỏ lao xao. Và rồi những lần trở về tay bồng tay bế, những cái Tết sáng rực niềm vui, những lần ra đi bịn rịn nhưng đầy tin tưởng, rằng phía sau mình bố mẹ và mái nhà ấy, khu vườn ấy, ngõ nhỏ ấy cùng bao người thân vẫn đang ở đấy, tràn trề mong nhớ, đầy ắp yêu thương chờ ngày hội ngộ.

Nguồn: Báo Bắc Ninh | Khánh Vũ

Recommended For You