Nghĩ về niềm vui, “vui thế hôm nay”!

Người dân Thành phố mang tên Bác vui với quan niệm “xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị”; thể hiện qua việc Quốc hội khóa XV kỳ họp thứ V đã ban hành Nghị quyết 98 (ngày 24/6/2023) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 8/1975, Sài Gòn còn đang ngập tràn không khí giành “Toàn thắng về ta”, nhà thơ Tố Hữu cho ra đời bài “Vui thế hôm nay”. Từ nay Sài Gòn – Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước bước vào công cuộc “xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!” như lời Bác dặn.

Có niềm vui cuối năm 1983 lần đầu tiên được nghe câu tổng kết đánh giá: “Vì cả nước, cùng cả nước, Thành phố Sài Gòn hôm qua đã được giải phóng. Vì cả nước, cùng cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay nhất định xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”. Đó là niềm vui thấm thía khi Tổng Bí thư Lê Duẩn – người lãnh đạo cao nhất của Đảng, cũng là người từng hoạt động ở Thành phố và Nam Bộ suốt mấy mùa kháng chiến, tại Đại hội đại biểu lần thứ III Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (ngày 8/11/1983), nói thay cho hơn bốn triệu dân Thành phố những điều muốn nói, muốn hứa về mảnh đất Thành đồng “đi trước về sau”, nay trở thành nơi đi đầu trong hòa bình xây dựng và phát triển.

Giai đoạn tháo gỡ khó khăn, vượt rào cơ chế, tìm tòi mô hình, cách làm mới… cả nước vui và tin tưởng Thành phố Hồ Chí Minh đi đầu trong tư duy mới, cách làm ăn mới, đặt ra tiền lệ mới trong sản xuất, kinh doanh, sáng tạo ra hướng mới để phát triển. Thành phố trở thành đầu tàu, tiên phong trong thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hiện thực của yêu cầu “Trung ương, địa phương và cơ sở cùng làm”, điển hình thực tiễn “thành phố và quận cùng lo”.

Từ đó Thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước Đổi mới, phát triển và hội nhập, vui tự tin khi trở thành địa phương đầu tiên khởi xướng chương trình “Xóa đói giảm nghèo”; vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ “Vì biển đảo quê hương – Vì tuyến đầu Tổ quốc”, Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu, vì tuyến đầu Tổ quốc”; lá cờ đầu phong trào “Góp đá xây Trường Sa”, “Tấm lưới nghĩa tình”, “Mùa hè xanh”, “Chiến dịch Xuân tình nguyện”, “Tiếp sức mùa thi”, “Tiếp sức đến trường”, “Tiếp sức người lao động”, “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ”, “Hoa phượng đỏ”, “Đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp”…

Trở thành tuyến đầu, trọng điểm trong ứng phó với đại dịch COVID-19, Thành phố Hồ Chí Minh lại được vui trọn tình trọn nghĩa khi đón nhận những tấm lòng vàng, xuất hiện những ATM Gạo, ATM thực phẩm, ATM ô xy, Chợ không đồng, Chuyến xe không đồng…

Lại có niềm vui mới theo dòng Nghị quyết Trung ương về Thành phố Hồ Chí Minh – Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị (ngày 31/12/2022) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Vui với mục tiêu “đến năm 2030 Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao”; càng vui với tầm nhìn rộng đến năm 2045 “Thành phố Hồ Chí Minh phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á”.

Thêm vui với quan niệm “xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị”; đặc biệt vui khi đã có phương châm lớn: “Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước, cả nước vì Thành phố Hồ Chí Minh”.

Điều đó thể hiện qua việc Quốc hội khóa XV kỳ họp thứ V đã ban hành Nghị quyết 98 (ngày 24/6/2023) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (gồm 44 cơ chế, chính sách; trong đó có 6 cơ chế Thành phố Hồ Chí Minh được đi trước và 27 cơ chế, chính sách chỉ dành riêng cho Thành phố Hồ Chí Minh) nhằm “khơi thông nguồn lực”, cơ hội tối ưu hóa mọi nguồn lực, tiềm năng sẵn có để phát triển vượt bậc, từ đó Thành phố góp phần thúc đẩy cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và lan tỏa ra cả nước.

Thế đấy, cái vui của Thành phố hơn 300 năm tuổi hồn nhiên mà đôn hậu, mộc mạc mà ấm tình. Điều quan trọng là ai đã đến Thành phố đều dần dần nhận ra và cũng “thấm” cái tố chất người thành phố năng động, sáng tạo, vượt khó, nhân ái, nghĩa tình; và ai đi xa càng hiểu rõ để nhớ mãi cái danh xưng đã thành truyền thống Thành phố Văn minh – Hiện đại – Nghĩa tình.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ | Hà Minh Hồng

Ảnh bìa: Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM vừa được Quốc hội thông qua sẽ tạo khuôn khổ pháp lý toàn diện, giúp cho tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của TPHCM có cơ sở thực hiện.

Recommended For You