Dễ cũng đã hơn 10 năm rồi chúng tôi mới có dịp gặp lại Giáo sư Trần Nghi, nhà khoa học đầu tiên xác định được tuổi của Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng.
So với những lần gặp trước, ông vẫn khỏe như ngày nào, duy có điều bao đề tài khoa học mới đang làm ông bận bịu suốt ngày. Bởi vậy tìm gặp ông giữa đô thành Hà Nội quả không dễ chút nào. Cuối cùng sau một ngày tìm địa chỉ, chúng tôi đã đến được ngôi nhà riêng của ông. Sau cái bắt tay ấm áp đầy tình cảm của một người đồng hương, ông vui vẻ trò chuyện.
GS-TS Trần Nghi quê ở xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch. Ông sinh ngày 10-8-1947 trong gia đình giàu truyền thống hiếu học. Ông cắp sách đến trường phổ thông vào những năm tháng chiến tranh ác liệt. Hồi đó ở vùng đất Nam Quảng Trạch còn ngổn ngang những hố bom. Những ngôi trường tạm bợ làm bằng hầm chữ A để tránh bom đạn là nơi ông cùng các bạn đồng trang lứa làm nơi học hành.
Vậy nhưng khó khăn không làm ông nản chí, trái lại càng tăng niềm khát khao được học. Ông luôn thể hiện rõ là người học sinh học giỏi xuất sắc toàn diện. Hầu hết các môn học tự nhiên và xã hội ông đều giành kết quả cao nhất trường.
Năm học lớp 10, ông giành giải nhất môn Văn của tỉnh và nhận được phần thưởng của Bác Hồ- phần thưởng cao quý dành cho học sinh đạt điểm tối đa tất cả các môn học.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông nhận được giấy báo sang học khoa Vật lý Trường đại học Bắc Đại, Trung Quốc.
Với quyết tâm cao, ông đã giành 15 ngày đêm đi bộ vượt qua 500 km từ Quảng Bình ra Hà Nội để được đi học nước ngoài.
Tuy nhiên do hoàn cảnh quốc tế thay đổi, ông đã ở lại học trong nước. Ông được phân về học ngành Địa chất tại khoa Địa lý – Địa chất Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Tại đây ông may mắn được sự dìu dắt của GS-NGND Nguyễn Văn Chiến, người thầy và là nhà địa chất đầu tiên của nước ta. Cùng với tài năng bẩm sinh và niềm say mê khoa học, GS-TS Trần Nghi đã vượt qua bao gian khổ hy sinh thầm lặng để trở thành một nhà khoa học địa chất danh tiếng. Năm 1970, ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy Trường đại học Tổng hợp Hà Nội.
Bảy năm sau đó, ông được cử tham gia kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh toàn quốc. Sau khi đỗ thủ khoa, ông được cử sang nghiên cứu sinh tại Trường đại học Tổng hợp Bucaret, Rumani. Năm 1982 ông đã xuất sắc bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về Địa chất dầu khí tại Đại học Tổng hợp Bucaret.
Ông đã từng đảm nhiệm nhiều vị trí như Phó Chủ nhiệm khoa Địa lý – Địa chất, Chủ nhiệm khoa Địa chất Trường đại học Khoa học Tự nhiên đại học Quốc gia Hà Nội; Phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học Tự nhiên đại học Quốc gia Hà Nội.
Sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục được Nhà nước giao trọng trách Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển và Đảo – Đại học Quốc gia Hà Nội. Với cương vị là nhà khoa học, nhà giáo nhân dân ông đã có nhiều cống hiến cho đất nước nói chung, quê hương Quảng Bình nói riêng.
Trong cuộc trò chuyện với ông, chúng tôi muốn được ông trao đổi nhiều hơn với đề tài tìm ra tuổi Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng.
Thật thú vị bởi trong quá trình nghiên cứu khoa học của cuộc đời ông gắn liền với bước phát triển của quê hương Quảng Bình yêu dấu – vì ông là nhà khoa học đầu tiên tìm ra tuổi Phong Nha – Kẻ Bàng.
Phát hiện của ông cùng nhóm cộng sự đã góp phần rất lớn vào việc đưa Phong Nha – Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.
Trong dòng hồi ức của mình, GS-TS Trần Nghi cho biết: Để hoàn chỉnh hồ sơ gửi UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới đối với Phong Nha – Kẻ Bàng cần chứng minh được 4 vấn đề quan trọng:
- Đa dạng địa chất, địa mạo và lịch sử của vỏ trái đất khu vực;
- Chứng minh hang động có tuổi cổ;
- Tính độc đáo của hệ thống hang động;
- Đa dạng sinh học và những loài động thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Trước đó, vào năm 1998, hồ sơ di sản chưa thành công vì nhiều lý do, trong đó có lý do chưa chứng minh được những vấn đề quan trọng trên. Và có một kết luận nhầm lẫn khi cho rằng hang động Phong Nha là hang động trẻ. Do đó tỉnh Quảng Bình đã gửi công văn cho GS-TSKH Nguyễn Văn Mậu, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội yêu cầu nghiên cứu bổ sung hồ sơ di sản. GS-TS Nguyễn Văn Mậu giao cho GS-TS Trần Nghi thực hiện công việc.
Lúc ấy ông đang là Chủ nhiệm khoa Địa chất. Sau khi được giao nhiệm vụ, ông thiết lập nhóm nghiên cứu gồm: GS-TS Trần Nghi (Chủ biên); GS-TS Nguyễn Quang Mỹ; TS Đặng Văn Bào; PGS-TS Vũ Văn Phái; KS Phan Duy Ngà; KS Lê Huy Cường và các nhà lâm nghiệp thuộc Trung tâm Tài nguyên và Môi trường Lâm nghiệp Viện điều tra quy hoạch rừng. Kết quả công trình vừa kế thừa các kết quả nhiều năm về địa chất địa mạo do Cục Địa chất Địa mạo Việt Nam thực hiện vừa bổ sung những nghiên cứu mới theo yêu cầu và tiêu chí đặt ra của UNESCO bao gồm: Lịch sử phát triển vỏ trái đất khu vực và những đa dạng địa chất địa mạo; Đa dạng sinh học và các loại bị đe dọa. Kết quả nghiên cứu đã chứng minh được các luận điểm quan trọng có ý nghĩa và quyết định thành công của hồ sơ di sản.
Chúng tôi hỏi GS-TS Trần Nghi: “Xin GS cho biết rõ hơn nét chính của kết quả nghiên cứu?”.
GS-TS Trần Nghi cho biết: “Qua nghiên cứu cho thấy Phong Nha – Kẻ Bàng là khu vực Karst cổ có lịch sử địa chất lâu dài trên 400 triệu năm, có hệ thống hang động giá trị nhất ở Đông Nam Á và trên thế giới thể hiện ở các đặc điểm: Khu vực có cấu trúc địa chất phức tạp và thành phần thạch học đa dạng; Lịch sử phát triển vỏ trái đất lâu dài từ 450 triệu năm đến nay.
Trải qua 5 giai đoạn phát triển lớn, Phong Nha-Kẻ Bàng là nôi bảo tồn đa dạng sinh học lớn, nơi chứa đựng nhiều loại động thực vật đang bị đe dọa.”
“GS là nhà khoa học đầu tiên cùng các cộng sự xác định được tuổi Phong Nha – Kẻ Bàng là trên 36 triệu năm?”. “Đúng vậy. Đó là kết quả nghiên cứu của tôi hàng chục năm nay và tôi biết đó là một trong những cơ sở khoa học để UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng”.
GS-TS Trần Nghi bình luận xung quanh phát hiện này: “Trên cơ sở giá trị thật của Phong Nha – Kẻ Bàng, các nhà khoa học đã góp phần cùng vén bức màn bí ẩn của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.
Công trình nghiên cứu bổ sung hồ sơ Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng là của cả tập thể, không riêng gì cá nhân nào. Chúng tôi chỉ là người kết nối tập hợp…”.
Hiện tại, GS-TS Trần Nghi đang đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm chương trình Biển KC-09/11-15 do Bộ Khoa học và Công nghệ bổ nhiệm.
Ở cương vị này ông sẽ có nhiều đóng góp quan trọng trong việc đề xuất tuyển chọn, quản lý các đề tài khoa học và công nghệ nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo Việt Nam.
Ngoài hoạt động nghiên cứu khoa học, ông cũng đang chuyên tâm dạy dỗ bồi dưỡng đội ngũ khoa học trẻ tài năng.
Dưới sự dìu dắt của ông, đã có trên 15 người trở thành tiến sĩ; riêng con gái của ông là Trần Thị Thu Yên cũng đang kế tục sự nghiệp khoa học của cha, đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại một quốc gia ở Châu Âu và hiện đang là giảng viên của nhiều trường đại học của Châu Âu.
Cuộc trò chuyện với nhà khoa học Trần Nghi thật thú vị. Trước khi chia tay, ông nói chuyện say mê về triển vọng của tiềm năng du lịch Quảng Bình, tiềm năng đó đang tiến triển đáng mừng nhờ Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới; không chỉ có rừng, biển Quảng Bình cũng đang phát huy giá trị lớn về nhiều mặt, trong đó có du lịch.
Chúng tôi hy vọng GS-TS Trần Nghi, người con quê hương xa xứ trên bước đường nghiên cứu khoa học sẽ tiếp tục có nhiều cống hiến mới cho quê hương Quảng Bình.
Nguồn: Báo Quảng Bình | Phan Hòa