Núi Tà Lơn thuộc tỉnh Kampot, Campuchia, từ lâu trở thành “Thánh địa” linh thiêng của các bậc tu hành, luyện phép khắp nơi. Nơi đây được xem là hội tụ tinh hoa trời đất mà các đạo sĩ, pháp sư hay những nhà tu hành sau khi khổ luyện ở quê nhà thượng sơn vào cảnh giới của sự giác ngộ và đắc đạo. Những hang động cheo leo bên vách núi, những tảng đá nhiều hình thù kỳ quái, mây mù vần vũ bốn phương…làm cho nơi này thêm huyền bí.
Chốn rừng thiêng, nhiều thú dữ
Tà Lơn từ xa xưa là nơi núi cao hiểm trở, ẩn náo của muôn loài thú dữ. Tà Lơn vang tiếng khắp nơi vì được các vị bổn đạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xem là chốn linh thiêng, là nơi phát sinh những huyền thuật.
Các vị tổ từng lui tới nơi này có tài hơn người, oai lực hơn người, từ thầy thuốc trị bệnh, vị chân tu hay ông thầy bùa, thầy ngải… khi đã lên Tà Lơn tu luyện thì luôn được nể phục.
Trải qua hàng thế kỷ, câu chuyện về Tà Lơn vẫn luôn là huyền bí với chôn dân gian.
Chúng tôi bắt đầu hành trình lên núi tận mắt chứng kiến tích xưa chuyện cũ làm mê hoặc con người.
Tà Lơn thuộc tỉnh Kampot (Campuchia), người Khmer gọi là Bokor, từ An Giang, Kiên Giang đều có đường tới đây, đi qua cửa khẩu quốc tế hay cửa khẩu địa phương. Mất khoảng 3 – 4 giờ đi xe từ biên giới Việt Nam là đến núi.
Đường lên núi được trải nhựa rộng thoáng, uốn lượn qua cánh rừng lộng gió, phía xa là bờ biển xanh thẳm hiền hòa khiến khách thượng sơn thả lòng với mây ngàn dạo bước lãng du.
Càng lên cao không khí mát lạnh, có lẽ ở độ cao 1079 m nên tiết trời nơi đây có chút “đỏng đảnh” khoe mình, lúc nắng xuân ấm áp, rồi chuyển sang man mác thu buồn, rồi bất chợt mây mù kéo đến, cả gió lạnh mưa phùn chợt đến chợt đi…
Dù cảnh đẹp Tà Lơn làm say lòng người nhưng kỳ lạ, hàng thế kỷ qua không có người dân kéo về đây sinh sống, phát rừng làm rẫy như ở xứ ta, trừ những phế tích do người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20 xót lại chứng minh nơi đây từng là khu nghỉ dưỡng quan chức Pháp và quốc vương.
Có lẽ vậy mà Tà Lơn có thế phong thủy độc đáo, những nơi núi cao ngàn năm không người tới ở, rừng rậm ngàn năm không ai lui tới sẽ là địa linh hiểm, cao siêu tinh thần…nên các vị tu hành thường đến đây ẩn mình tu đắc đạo.
Núi cao hiểm trở, rừng rậm muôn thú khiến cho nơi này càng cách trở, bí hiểm với dân thường nhưng lại gần gũi với các vị tu hành, các đạo sĩ, các bậc hiền triết ẩn danh. Nhà văn Sơn Nam một thời trú ngụ núi Tà Lơn, ông cảm nhận về núi rừng và muôn thú nơi đây qua bài “Thơ núi Tà Lơn” người nghe rùng mình:
Xứ hiểm địa chim kêu vượn hú
Dế ngâm sầu nhiều nỗi đa đoan
Ngó dưới sông con cá mập lội dư ngàn
Nhìn trên suối sấu nằm dư khúc
Loại thú cầm trông thấy chỉnh ghê
Giống chằn tinh lai vãng dựa xó hè
Con gấu ngựa tới lui nằm xó vách
Bầy chồn cáo đua nhau lúc nhúc
Lũ heo rừng chạy giỡn bát loạn thiên
Trên chót núi nai đi nối gót
Cặp dã nhân kêu tiếng rảnh rang
Ngó sau lưng con kỳ lân mặt đỏ như vàng
Nhìn phía trước ông voi đen huyền như hổ…
Theo các tài liệu địa chất, hàng triệu năm trước Tà Lơn là biển cả, giờ thành non cao nên ẩn chứa trong nó bao huyền bí theo thời gian. Trên núi vẫn còn cát biển tinh nguyên, những vỏ sò ngàn năm tuổi, những hòn đá muôn vẻ hình thù…
Thánh địa của bậc tu hành
Trong các thư tịch, kinh sách, lời kể của các bậc tu hành vùng An Giang cho thấy, Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên, Huỳnh Phú Sổ (Đức Huỳnh Giáo chủ), Bổn sư núi Tượng Ngô Tư Lợi, Phật Trùm, Phật sống Cử Đa, Sư vãi bán khoai…. đều có thời gian tu luyện trên đỉnh núi thiêng Tà Lơn. Cho đến hôm nay, trong lòng các đạo hữu vùng Thất Sơn vẫn xem Tà Lơn là nơi chốn tịnh tâm, tu tập khi có cơ duyên. Thầy Thanh Sơn, tính đồ của Phật giáo Hòa Hảo ở Tịnh Biên, An Giang mỗi năm đều dẫn đoàn hành hương đến Tà Lơn tu luyện, giao lưu với các vị chân tu nơi này. Theo nhiều người tu hành, trong thế giới tu hành không có khoảng cách địa lý, không gian, mà mọi người chỉ biết hội tụ về nơi có oai linh để tinh tấn tu hành. Không chỉ các vị tu Việt Nam, mà các vị tu Thái Lan, Myanmar… cũng hay lui tới đây. Các pháp sư hay về Tà Lơn luyện phép mùa “Vặt Sa” (mùa tu hành giống như mùa kiết hạ đạo Phật), cũng có giáo phái sau khi tu luyện ở quê nhà thì hẹn mùa về Tà Lơn để vượt qua “Sát hạch” trước khi được chứng nhận lên bậc “đại sư”. Ngoài ra, các thầy bùa, thầy ngải…khắp nơi cũng hay lui tới thu nạp “thần khí” cũng như cúng bái các vị tổ sư để nâng cao nghiệp tổ.
Trên đỉnh Tà Lơn, một ngôi chùa nhỏ rêu phong với thời gian hiện mình đầy uy nghiêm giữa mây ngàn bên vực núi cao dựng đứng, đó là chùa Năm Thuyền. Dựa vào năm tảng đá hình chiếc thuyền vươn mình ra hướng biển, ngôi chùa cổ kín này là nơi đắc đạo của nhiều bậc chân tu, có cả giáo chủ các tôn giáo miền Nam là Phật Thầy Tây An, Đức Huỳnh Giáo Chủ… Theo lời kể của ông Bảy Thới ở Tịnh Biên, hai đệ tử của Đức cố Quản (Quản cơ Trần Văn Thành) là Ba Gang và Cử Đa, khi khởi nghĩa Láng Linh – Bảy Thưa chống Pháp thất bại, Quản cơ tử trận thì hai ông về Tà Lơn, ở chùa Năm Thuyền tu luyện chờ thời cơ, dân làng ở chân núi tôn hai ông là pháp sư đắc đạo, họ gởi con lên núi, trong đó có nhà vua Monivong gởi hoàng tử Pre Thoong cho hai ông tiếp dẫn đạo tu hành. Tượng của hai ông vẫn được vị lục cả người Việt thờ cúng từ lâu ở chùa này nhưng tiếc rằng, vị lục cả không còn, tượng hai ông được biến hóa theo kiểu Khmer.
(Còn tiếp)
PHƯƠNG DUY