Kỹ thuật trồng rau theo hướng hữu cơ

    Theo Viện khoa học kỹ thuật miền Nam, sản xuất rau hữu cơ phải dựa trên các nguyên tắc: sử dụng các biện pháp, chế phẩm đặc biệt để kích thích hoạt động sinh học; áp dụng phân trộn hữu cơ, phân bón hữu cơ trong danh mục được công nhận; sử dụng cây che phủ và cây phân xanh, phân động vật được ủ đúng kỹ thuật; luân canh cây trồng và trồng đồng loạt; làm đất tối thiểu và thích hợp, bổ sung đá thiên nhiên, vôi và đá phốt phát theo yêu cầu.

    Chọn giống cây

    Hạt giống, cây giống và vật liệu trồng cần phải lấy từ nguồn sản xuất hữu cơ. Việc ngoại trừ có thể cho phép khi một giống “tương đương” của hạt giống hay vật liệu trồng hữu cơ chưa được thương mại hóa cho cây rau muốn trồng hữu cơ nhưng cần đảm bảo chuyển đổi nguồn giống hữu cơ sau một vài năm.

    Trong trường hợp không phải giống hữu cơ, thì hạt giống vàcây con không được xử lý hóa chất, nhất là nguồn giống làm các loại rau mầm.

    Trường hợp hạt giống không xử lý không có sẵn trên thị trường, thì chỉ chấp nhận hạt giống và vật liệu trồng được xử lý với các chất cho phép của cấp có thẩm quyền vànằm trong danh mục quy định được phép.

    Những nguồn giống này đều được khai báo với cơ quan cấp chứng nhận và được phép.

    Dinh dưỡng đất

    Nguồn vật liệu từ thực vật (phụ phẩm cây trồng, rơm rạ, cây họ đậu…) và động vật (phân heo, bò, gà, phân trùn quế, xác cá…) dùng làm phân bón cho rau hữu cơ không được dùng các chất cấm để xử lý hoặc phối trộn.

    Phân trộn (compost) cần đáp ứng các yêu cầu về nhiệt độ và lượng carbon – nitơ (C : N). Phân hữu cơ sử dụng phải có tỷ lệ C : N ban đầu từ 25 : 1 đến 40 : 1.

    Ngoài ra, khi sử dụng hệ thống ủ trong thùng hoặc ủ thông khí tĩnh phải đạt nhiệt độ từ 55 – 77 độ C trong tối thiểu 3 ngày.

    Nếu sử dụng hệ thống ủ phân, nhiệt độ đống phân phải được duy trì từ 55 – 77 độ C trong thời gian tối thiểu là15 ngày và đảo trộn tối thiểu là 5 lần trong thời gian ủ đống.

    Nhiệt độ và số lần đảo trộn phải được ghi chép lại. Vật liệu ủ phân được sử dụng bón cho rau hữu cơ cần thiết phải test kiểm tra hàm lượng dinh dưỡng và không tồn lưu chất độc hại.

    Ngoài ra, các loại phân bón và chất cải tạo đất cho phép theo Danh mục quốc gia có sẵn được áp dụng cho sản xuất rau hữu cơ.

    Quản lý cỏ dại

    Để giảm sự phát triển cỏ dại khi trồng rau hữu cơ, cần thực hiện các biện pháp: giảm khoảng cách giữa các hàng trồng rau, gia tăng mật độ cây rau trồng; giảm khoảng cách giữa các luống trồng; tăng số hàng cây, mật độ rau trồng trên luống; trồng cây rau có khả năng cạnh tranh cao với cỏ dại; nghiên cứu hợp lý khoảng cách và mật độ tối ưu cây trồng/rau cho mỗi vùng cụ thể; dùng bạt nylon che phủ đất; luân canh cây trồng hợp lý để giảm ngân hàng hạt cỏ trong đất.

    Quản lý dịch hại rau hữu cơ

    Sản xuất rau hữu cơ không được dùng thuốc hóa học để tiêu diệt dịch hại, mà chủ yếu bằng các biện pháp phòng tránh:

    Biện pháp canh tác:

    Làm đất: rau thích hợp trồng ở đất có độpH từ 5 – 7, có khả năng giữ ẩm và thoát nước tốt. Làm đất tơi xốp và phơi ải đất ít nhất 7 – 10 ngày. Phơi nắng diệt mầm sâu bệnh hại rau.

    Trồng luân canh: áp dụng biện pháp luân canh với cây khác họ phòng tránh sâu bệnh. Ví dụ, trồng cà chua xen với cây rau thập tự như cải bắp, cải thảo, súp lơ… Mùi cây cà chua có tác dụng xua đuổi sâu tơ hại trên cây rau thập tự.

    Bẫy cây trồng: để dẫn dụ sâu hại hoặc đuổi sâu hại. Ví dụ, có thể trồng cây hoa hướng dương trên đầu các bờ ruộng rau, để thu hút sâu khoang đến đẻ trứng… Dùng bẫy dính màu vàng hoặc màu xanh để bẫy một số con trưởng thành có cánh như rệp, ruồi đục lá, đục trái, bọ nhảy… hại nhiều loại cây trồng.

    Biện pháp cơ giới, thủ công: thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để ngắt bỏ ổ trứng mới nở và giết nhộng của chúng. Các kỹ thuật canh tác, làm đất, phơi đất, dùng màn phủ chống sâu bệnh cũng thuộc biện pháp này.

    Biện pháp sinh học: biện pháp sinh học phòng trừ sâu bệnh hại rau là lợi dụng các thiên địch đểtiêu diệt sâu hại trên đồng ruộng, dùng chế phẩm sinh học, hữu cơ khi cần thiết. Thiên địch gồm: các loài bọ rùa ăn rệp ăn sâu hại; các loài ong ký sinh trứng, sâu non, nhộng của sâu hại; các loài kiến, nhện… ăn sâu hại. Để tiêu diệt chúng, sử dụng chế phẩm nấm đối kháng: Trichoderma, Beauveria, nấm xanh Ometar… để phun khi cần thiết diệt sâu hại, các loại rầy và bảo vệ được các loài thiên địch có ích. Hoặc sử dụng bẫy pheromone treo trên ruộng rau để thu hút con trưởng thành cái đến các bẫy mà không giao phối được, không đẻ được trứng và không hình thành được sâu.

    PHÚC TẦN

    Recommended For You