Liên kết chuỗi giá trị: Thách thức lớn của hợp tác xã quy mô vừa và nhỏ

    Liên kết chuỗi giá trị là xu hướng tất yếu của nông nghiệp đô thị, tuy nhiên việc thực hiện chuỗi sản xuất – tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn ở các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Hình thành chuỗi đòi hỏi phải hội tụ tất cả những yếu tố cần và đủ như vốn, cơ sở vật chất, trình độ nhân lực và phối hợp của các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản. Đây là thách thức lớn của các HTX nông nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.

    Quy trình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị bao gồm 3 công đoạn, sản phẩm đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ khoa học – kỹ thuật…), sản xuất trực tiếp nông sản và dịch vụ đầu ra. Công đoạn đầu vào và dịch vụ đầu ra chịu nhiều tác động của doanh nghiệp, biến động từ thị trường.

    Theo thống kê của Chi cục phát triển nông thôn TP.HCM, tính đến 10/6/2019, có 85 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, có 26/85 HTX thực hiện tốt việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho hộ thành viên, bao gồm các HTX hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, bánh tráng.

    Về tổ chức sản xuất, có 21/26 HTX trực tiếp sản xuất, 5 HTX còn lại không trực tiếp sản xuất mà chỉ tổ chức thu mua sản phẩm của thành viên và các hộ vệ tinh.

    Về tiêu thụ sản phẩm, có 12/26 HTX ký kết hợp đồng kinh tế với thành viên, 2 HTX thực hiện tổ chức sản xuất với doanh nghiệp lớn. Trong đó, HTX bò sữa Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, TP.HCM) có hơn 300 hộ sản xuất, tổng đàn bò sữa là 5.000 con, cung cấp sản phẩm cho Công ty bò sữa Long Thành, với sản lượng 12 tấn sữa/ngày. HTX Phước An (huyện Bình Chánh, TP.HCM) có hơn 100 hộ sản xuất, tổng diện tích trồng rau an toàn là 25 ha, trong dó có 20 ha đạt VietGAP, cung cấp sản phẩm cho Co.opmart. Hai HTX trên nằm trong tổng số hơn 100 HTX nông nghiệp tiêu biểu của 63 tỉnh, thành cả nước do Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn bình chọn.

    Số lượng HTX còn lại chưa thực hiện được liên kết chuỗi chủ yếu là các HTX nông nghiệp vừa và nhỏ, hầu hết chỉ mới thực hiện tốt ở công đoạn đầu của chuỗi liên kết, cung ứng đầu vào cho thành viên, hộ nông dân liên kết. Do thiếu vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, vốn góp của thành viên còn thấp (bình quân 49,7 triệu đồng/thành viên).

    Ngoài ra, nhiều HTX quy mô vừa và nhỏ chưa tiếp cận được nguồn vốn vay từ tổ chức tín dụng, do không có tài sản thế chấp hoặc có tài sản thế chấp nhưng tổ chức tín dụng còn định giá đất và các tài sản trên đất còn thấp, chưa phù hợp với thị trường.

    Bên cạnh đó, các HTX nông nghiệp có quy mô vừa và nhỏ còn chưa ký kết được hợp đồng với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho thành viên HTX. Do chưa đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng và số lượng của doanh nghiệp, thành viên HTX còn phải “tự bơi” tiêu thụ nông sản. Đồng thời, HTX nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong khâu triển khai xây dựng các mô hình chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất, hỗ trợ vật tư, trang thiết bị cho các bên tham gia chuỗi liên kết và cung ứng nông sản.

    Để các HTX nông nghiệp có quy mô vừa và nhỏ hình thành được liên kết chuỗi giá trị, cần có sự phối hợp đồng bộ từ cấp trung ương đến từng địa phương. Cần có những cơ chế, chính sách ưu đãi và quan tâm đặc biệt hơn nữa đến các HTX nông nghiệp có quy mô vừa và nhỏ trong xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ.

    TRẦN HOÀN

    Recommended For You