Tạo động lực phát triển ngành nghề nông thôn

    TP.HCM từng là cái nôi của rất nhiều ngành nghề thủ công truyền thống, tuy nhiên, đến nay, đã bị mai một nhiều, chỉ một số ngành nghề còn tồn tại với số lượng người theo nghề cũng ít dần. Để giúp ngành nghề thủ công phát triển, cách mà thành phố đang triển khai là hỗ trợ phát triển các sản phẩm ngành nghề nông thôn đặc trưng của 5 huyện ngoại thành.

    Sáu mươi bốn làng nghề truyền thống ở TP.HCM từng trải qua nhiều biến cố, thăng trầm cùng với lịch sử của đất nước. Người làm nghề truyền thống gặp muôn vàn khó khăn, số này phải chật vật đi tìm nguyên liệu, tìm đầu ra cho sản phẩm, cũng như đối mặt với sự lụi tàn của nghề bởi sự phát triển của công nghiệp hóa quá nhanh, sự ảnh hưởng cơ chế kinh tế thị trường quá mạnh.

    Trước đây, ngành nghề thủ công từng phát triển rất hưng thịnh và trù phú, gắn với nhiều địa phương, trong đó, tại vùng đất thép Củ Chi có nhiều ngành nghề nổi tiếng như: mành trúc Tân Thông Hội; làng chằm nón Tằm Lanh; làng rổ rá Mũi Lớn, Thái Mỹ… Huyện Bình Chánh với làng đan đệm Tân Túc, làng dệt chiếu Nam Đa Phước.

    Đến các quận ven của quận 8 cũng phát triển nhiều làng nghề như: làng dệt chiếu Bình An; làng bao giấy Bình Đông; làng đóng sửa ghe Cầu Rạch Ông. Quận Tân Bình có làng dệt Bảy Hiền; làng thuộc da Phú Thọ. Quận Gò Vấp có làng đúc lư đồng An Hội, làng dệt chiếu Bến Hải. Quận 12 có làng chạm khắc gỗ Trung Mỹ Tây. Quận 4 có làng giày Khánh Hội. Quận 6 có làng chổi bông cỏ, lông gà. Quận 9 có làng gạch – gốm Long Bình. Quận Thủ Đức nổi tiếng với làng nem Thủ Đức…

    Tuy nhiên, những năm trở lại đây, một số làng nghề bắt đầu mai một và gần như sắp lụi tàn, trong đó có làng dệt chiếu Bình An ở quận 8, hiện chỉ còn một hộ gia đình làm nghề, hoặc làng nghề đúc lư đồng An Hội ở Gò Vấp cũng chỉ còn 5 hộ gia đình làm nghề. Điều “tréo ngoe” là phần lớn những hộ gia đình giữ nghề truyền thống lại có nguồn thu nhập chính từ việc kinh doanh, buôn bán, cho thuê nhà trọ…

    Nguyên nhân khiến ngành nghề nông thôn không thể tồn tại với thời gian là do thiếu vốn, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, mẫu mã sản phẩm đơn điệu, công nghệ lạc hậu không thể cạnh tranh được với sản phẩm công nghiệp…

    Để vực dậy ngành nghề nông thôn, thành phố đã có dự án quy hoạch làng nghề, ngành nghề nông thôn tầm nhìn đến năm 2020 gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tập trung bảo tồn và phát triển các làng nghề, ngành nghề mang đậm văn hóa truyền thống, có khả năng phát triển độc lập, bền vững. Đồng thời, xây dựng thí điểm một mô hình làng nghề tập trung nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển ngành nghề nông thôn.

    Ngoài ra, TP.HCM cũng triển khai đề án Chương trình OCOP trên địa bàn vùng nông thôn thành phố, trong đó, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, quảng bá rộng rãi sản phẩm ngành nghề nông thôn đặc trưng của 5 huyện gồm: khô cá dứa Cần Giờ, khô cá sặt Củ Chi, tổ yến Cần Giờ và sản phẩm xoài cát Long Hòa.

    Cụ thể là hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; triển khai thực hiện Nghị quyết số 52/2018 /NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn; vận động thành lập mới các hợp tác xã (HTX) tham gia sản xuất kinh doanh sản phẩm ngành nghề nông thôn đặc trưng; khuyến khích doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với HTX…; hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của HTX, tháo gỡ khó khăn liên quan đến đất đai phục vụ xây dựng, nâng cấp nhà sơ chế, bao gói sản phẩm của HTX… tham gia sản xuất kinh doanh sản phẩm ngành nghề nông thôn đặc trưng.

    HẢI ĐĂNG

    Recommended For You