Quá trình lớn của trẻ được chia một cách tương đối thành 6 thời kỳ (bào thai, sơ sinh, nhũ nhi, răng sữa, thiếu niên, dậy thì), giữa các thời kỳ là giai đoạn chuyển tiếp, thời gian tùy từng trẻ, không hoàn toàn giống nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tác động riêng biệt trên từng trẻ. Các bậc cha mẹ cần lưu tâm các biểu hiện về sức khỏe của trẻ để có cách ứng phó hợp lý…
Thời kỳ mang thai và sơ sinh
Đây là khoảng thời gian trẻ em làm quen và thích nghi với môi trường bên ngoài. Các bệnh lý thường gặp ở trẻ giai đoạn này là: uốn ván rốn, viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết. Đối với người mẹ đang mang thai nên có chế độ dinh dưỡng tốt, chích ngừa đầy đủ, khám thai định kỳ. Sinh tại các cơ sở y tế. Đối với bà mẹ cho con bú, cho bú sữa non càng sớm càng tốt. Theo dõi sức khỏe tại cơ sở y tế. Nuôi con đúng cách.
Thời kỳ nhũ nhi
Ở thời kỳ này, trẻ tiếp tục lớn nhanh, đến tháng thứ 12 có thể tăng gấp 3 lúc sinh, nhu cầu năng lượng cho trẻ giai đoạn này: 120 – 150 kcal/kg/ngày. Trẻ nhũ nhi có nhu cầu dinh dưỡng cao nhưng chức năng tiêu hóa chưa hoàn chỉnh, dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Nếu ăn dặm không đúng cách trẻ dễ bị suy dinh dưỡng. Hệ thần kinh chưa hoàn chỉnh sốt cao co giật, phản ứng màng não. Miễn dịch của mẹ cho giảm, miễn dịch của trẻ tự sản xuất chưa đầy đủ, khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng tăng cao
Trẻ hiếu động, rất dễ bị tai nạn, ngộ độc, phỏng…
Phòng ngừa bệnh: tốt nhất là nuôi con bằng sữa mẹ, cho ăn dặm đúng cách, theo dõi sức khỏe định kỳ và chủng ngừa đầy đủ tại cơ sở y tế.
Thời kỳ răng sữa
Đến thời kỳ này, tốc độ lớn của trẻ hết nhanh và chậm dần. Trung bình mỗi năm chỉ tăng khoảng 2 kg. Trẻ tò mò, ham tìm hiểu, thích bạn bè, các sinh hoạt tập thể đi nhà trẻ, mẫu giáo. Tuổi răng sữa, trẻ nhai được thức ăn cứng, nếu duy trì mãi chế độ ăn lỏng, cháo, trẻ sẽ dễ chán ăn, hoặc mải chơi không ăn, ăn ít nếu cha mẹ không quan tâm dễ dẫn đến hạ đường huyết. Trẻ có nhu cầu giao tiếp, học nói, hát, biết chơi, trẻ phát triển ngôn ngữ tốt hơn trong môi trường sinh hoạt tập thể.
Đặc điểm bệnh lý: tiếp xúc rộng rãi với môi trường bên ngoài dễ lây các bệnh truyền nhiễm (sởi, ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan siêu vi); sốt xuất huyết. Tỷ lệ tai nạn, ngộ độc gia tăng. Hệ thống miễn dịch hoạt động tốt, bệnh nhiễm trùng giảm, bệnh dị ứng tăng: viêm cầu thận, suyễn, nổi mề đay.
Nên dùng muối iod trong khẩu phần ăn của trẻ giai đoạn này, khám răng định kỳ theo chương trình nha học đường, tiêm chủng đầy đủ…