Mang bánh mì quê vào Sài Gòn

Giữa một Sài Gòn nhộn nhịp và đông đúc với rất nhiều món đặc sản vùng miền nổi tiếng, món bánh mì ở quê nhà hiện lên giữa những góc phố, con hẻm khiến mỗi người xa quê đều cảm thấy thân thuộc, gần gũi.

Thời gian gần đây, ở Sài Gòn xuất hiện một số tiệm bánh mì nhỏ do người trẻ Quảng Ngãi mang vào để phục vụ “thượng đế” xa quê. Đi ngang, ai cũng muốn dừng xe lại, ghé vào để mua một ổ thưởng thức ngay.

Bánh mì là món ẩm thực đặc trưng của Việt Nam. Ở Sài Gòn, nơi có sự giao thoa văn hóa các vùng miền rất lớn, nơi được xem là thiên đường của bánh mì thì bánh mì có đủ các loại, hiện diện từ những nơi sang trọng cho đến nơi bình dân nhất.

Thế nhưng, với mỗi người Quảng Ngãi xa quê, cái hương vị bánh mì bình dân, dòn rươm bên ngoài, mềm dịu bên trong, cùng nhân bánh đặc trưng gồm có chả, thịt, tương ớt, rau thơm, thịt xíu, nước chan… không có loại bánh nào có thể thay thế. Nó quen thuộc đến độ, nhiều người đi xa vừa về đến quê đã vội vàng mua vài ổ lót dạ cho đỡ cơn thèm quay quắt.

Với nhiều người đang học tập, làm việc, mưu sinh ở Sài Gòn, may mắn thay thời gian gần đây, một số người trẻ quê ở Quảng Ngãi đã mang hương vị bánh mì này vào Sài Gòn để lập nghiệp.

[Bài liên quan: Xe đạp cũ cho năm học mới ]

Có công ăn việc làm ổn định ở quê nhưng hơn một năm nay, kể từ khi lập gia đình, anh Nguyễn Hoài Bảo, 27 tuổi, ở phường Chánh Lộ (TP. Quảng Ngãi) đã chuyển hẳn vào Sài Gòn sinh sống.

Cách đây nửa tháng, vợ chồng anh quyết định mở một tiệm bánh mì khang trang nằm trên đường số 11, phường 11 (quận Gò Vấp), lấy tên là “Bánh mì Thiên Ấn” như một cách gợi nhớ về quê hương, để những ai mỗi lần đi ngang nhìn thấy đã nhận biết đó là tiệm bánh mì của người Quảng Ngãi. Chi phí cho xe bánh mì và các đồ dùng cần thiết trong thời gian đầu khởi nghiệp chỉ tốn khoảng 25 triệu đồng.

*Thời gian gần đây, nhiều người trẻ quê Quảng Ngãi đã mang hương vị bánh mì của quê hương vào Sài Gòn để khởi nghiệp.

Bánh mì Thiên Ấn có đủ các loại giá trung bình từ 15 – 20 nghìn đồng, tùy theo loại. Mỗi ngày, tiệm bán hàng trăm ổ dù khai trương mới một thời gian ngắn. Khách hàng ban đầu chủ yếu là người Quảng Ngãi xa quê đến ủng hộ. Để thuận tiện hơn cho người quê ở khắp Sài Gòn có thể dễ dàng liên hệ mua về thưởng thức, anh còn mang thương hiệu lên ứng dụng giao đồ ăn của Grab, kết nối với các tài xế giao bánh.

“Dù mới khai trương nhưng hai vợ chồng cũng kiếm được nguồn thu nhập ổn định. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn là nhanh chóng thu hồi vốn. Sau thành công ở cửa hàng đầu tiên, qua Tết tôi sẽ mở thêm 4 địa điểm nữa, chứ không chỉ riêng ở Gò Vấp. Dự định đây cũng là dự án startup tâm huyết của tôi trong thời gian đến”, anh Bảo chia sẻ.

Chị Phạm Thanh Hạnh, 32 tuổi, quê ở thị trấn Châu Ổ (huyện Bình Sơn) cùng một người bạn cũng vừa mở một quầy bánh mì miền Trung ở đường Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú). Điểm khác biệt của những cửa tiệm, xe bánh mì của những người trẻ này mở ra so với ở quê đó là có sự đầu tư kỹ lưỡng về hình ảnh bao bì, nhãn mác cũng như vẻ ngoài của cửa tiệm, xe đẩy. Còn lại mọi thứ vẫn phải giữ vẹn nguyên hương vị truyền thống.

Anh Bảo, chị Hạnh tận tay đặt riêng ở các lò loại bánh đặc ruột, có hình dạng nhỏ, nhọn ở hai đầu như ở quê, chứ không dùng bánh mì bán phổ biến ở Sài Gòn là loại to, tròn ở hai đầu nhưng rỗng ruột và khi thưởng thức hơi khô.

Còn tương ớt, chả bò, cũng như cách làm thịt xíu, nước chan, các chủ tiệm đều mang từ quê vào và học cách làm của người quê. Ngoài các nguyên liệu trên, dưa leo, rau, đậu phộng, chà bông là những nguyên liệu thể thiếu tạo nên một sự kết hợp hoàn hảo trong ổ bánh mì quê. Và dĩ nhiên trước khi giao bánh cho khách đều không quên nướng đều qua lửa than.

“Việc vận chuyển nguyên liệu từ quê vào cũng hơi bất tiện, nhưng chúng tôi đều cố gắng để giữ nguyên hương vị quê nhà. Để khi cảm nhận, mỗi người Quảng xa quê đều có cảm giác quen thuộc khi thưởng thức”, chị Hạnh cho hay.

*Bên trong một ổ bánh mì đậm đà hương vị quê nhà.

Ở Sài Gòn, không khó để tìm đến những món ăn đặc sản mang đặc trưng riêng của người Quảng Ngãi, từ don, mì quảng, chè, cháo lòng, bánh bèo… Tuy nhiên bánh mì là một trong những món mới trong thời gian gần đây được bày bán phổ biến hơn.

Như nhiều người khác sinh sống, học tập và làm việc tại Sài Gòn, nỗi nhớ quê luôn canh cánh trong lòng chị Võ Ái Trúc Ly, 28 tuổi, quê ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi). Lúc nào chị cũng thèm những món ăn tuy đơn giản nhưng đậm đà hương vị quê nhà. Nghe ở đâu có món ăn của người Quảng Ngãi, chị cũng tìm đến. Chị và những người bạn không giấu được niềm xúc động khi được thưởng thức một món ăn nhanh ấm áp, cùng hình ảnh giản dị do chính người Quảng Ngãi tạo dựng nơi đất khách, quê người.

“Bánh mì Sài Gòn to, tròn do dùng bột nở, thịt thì là heo quay nên ăn rất khô và khó ăn. Có lẽ cái hương vị truyền thống của miếng chả mềm kèm rau thơm, dưa leo, tương ớt, chà bông, nước chan… đã tạo sự kết hợp hoàn hảo trong từng chiếc bánh mì mà vị giác vốn đã quen từ thuở nhỏ. Vì vậy, bánh mì ở Sài Gòn có nhiều loại nhưng ngon đến đâu cũng khó có thể thay thế”, chị Ly bày tỏ.

Những tiệm bánh mì quê do người Quảng Ngãi mang vào, hiện diện giữa lòng thành phố lớn, đó không chỉ là niềm vui mưu sinh của mỗi chủ tiệm mà còn là của nhiều người Quảng Ngãi xa quê, khi hình bóng quê nhà được tìm thấy trên đất khách quê người.

Họ đến đây để cảm nhận quê hương trong hương vị món ăn, được nói chuyện thoải mái bằng cái chất giọng địa phương không lẫn vào đâu được. Với những người ở các tỉnh, thành phố khác tìm đến cũng là để thưởng thức món ăn đặc sản của Quảng Ngãi, hiểu thêm về mảnh đất và con người nơi đây.

Bài, ảnh: G.Nghi

  • Hình bìa: Bánh mì Thiên Ấn- Hương vị Quảng Ngãi trên một con đường ở quận Gò Vấp.

Nguồn: Báo Quảng Ngãi điện tử

Recommended For You

Để lại một bình luận