Trà Vinh ở cuối sông Mê Kông, nằm giữa hai nhánh sông lớn là Cổ Chiên và Hàm Luông thuộc sông Tiền.
Nơi đây có thổ nhưỡng đa dạng gồm: đất giồng cát, đất ruộng, đất cồn, đất ven biển với các vùng nước mặn, ngọt, lợ. Đặc thù địa lý, thủy văn kể trên cùng với sự cộng cư khá lâu đời của ba dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer đã tạo cho Trà Vinh nét văn hóa phong phú, đa sắc thái; đặc biệt là văn hóa ẩm thực rất đặc sắc.
Các món ăn nổi tiếng của Trà Vinh thể hiện khá rõ nét sự ảnh hưởng, giao lưu, hòa nhập văn hóa, bản sắc của các dân tộc ở đây.
Điển hình như lẩu mắm cá kèo Trà Vinh là sự kết hợp tinh tế, nhuần nhuyễn của ba yếu tố ẩm thực: Hoa, Kinh, Khmer.
Lẩu bắt nguồn từ cái “cù lao” của người Hoa, hình khối tròn như cái thau, ở giữa có nòng tròn dùng để chứa than nhằm làm nóng nước lẩu, chung quanh có chứa thức ăn.
Mắm là thực phẩm rất phổ biến của người Kinh, Khmer ở Nam Bộ. Mắm được làm, ủ từ các loại cá như: cá lóc, cá rô, cá sặc, cá cơm, cá trèn, cá linh, cá chốt…
Vùng nước lợ giáp biển ở Đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều cá kèo tự nhiên hoặc do bà con ngư dân nuôi thả. Cá kèo đã trở thành một thương hiệu đặc trưng của xứ Trà Vinh. Các loại rau được trồng trên đất giồng tươi tốt như: cải xanh, đậu bắp, đọt bí, mồng tơi, mướp, tần ô, khổ qua, cà phổi, rau muống, bắp chuối… Các loại rau hoang dã trong thiên nhiên cũng rất phong phú, đa dạng như: kèo nèo, rau mác, bông lục bình, cải trời, bông súng, so đũa, rau ngổ, rau dừa, rau muống đồng…
Đó là tất cả nguyên liệu cho món lẩu cá kèo. Để nấu một nồi lẩu cá kèo thật ngon, người ta cho mắm vào nồi đun sôi liu riu cho ra chất ngọt, sau đó lọc chỉ lấy nước, bỏ xương và cặn. Nước lẩu được nấu từ nước dừa ninh với xương heo. Sả bằm, tỏi, chút ớt băm phi thơm.
Nấu nước lẩu sôi lên, cho cốt mắm vào, bỏ sả tỏi, ớt phi, sả cọng cắt khúc; nêm nếm ít đường, bột ngọt, hạt nêm vừa ăn. Riêng cà phổi, khổ qua (móc ruột) cắt đôi, chẻ hai bỏ vào lẩu trước tiên, cho cá kèo đã làm sạch vào nồi lẩu, chín vớt ra ăn tới đâu bỏ cá tới đó.
Lẩu mắm cá kèo thường ăn, chan nước với bún, cá chấm với nước mắm ngon dầm ớt hiểm xanh ngon tuyệt, rau nhúng tùy thích…
Trà Vinh còn là xứ sở của món bún nước lèo. Nước lèo được nấu từ mắm bò hóc (một loại mắm đặc trưng của người Khmer) lược bỏ xác lấy nước cốt. Thịt cá lóc nấu chín nghiền thật mịn ướp sả ớt. Nước lèo ngon phải trong, ngọt và thơm lừng mùi mắm. Rau ghém là bắp chuối hột xắt mỏng ngâm nước lạnh, vắt chanh để ghém có màu trắng đục mới đúng điệu. Một vốc tay bún trắng sợi mỏng, một nạm ghém, ít rau thơm, và vài giá nước lèo cùng ít lát thịt đùi heo hoặc ba rọi, hoặc cá lóc ta sẽ có một tô bún mắm nước lèo tuyệt hảo. Đây là món ăn bình dân, phù hợp với túi tiền của nhiều người, lại lạ và ngon nên rất phổ biến ở các tỉnh Nam Bộ.
Miền biển của tỉnh Trà Vinh rất phong phú thủy hải sản. Có rất nhiều loài sinh vật giáp xác sinh sống ở vùng biển này như tôm, cua, còng, ba khía… Một loại đặc sản rất đặc trưng của vùng Trường Long Hòa – Ba Động có cái tên rất ấn tượng là con “chù ụ”.
Chù ụ thuộc họ nhà cua, thân hình vuông bằng cỡ chiếc nem.
Chù ụ có thể chế biến thành nhiều món ăn. Đơn giản và nhanh nhất nhất là nướng than hồng, những con chù ụ sống được bỏ trên vỉ nướng chín đều hai bề. Sau khi chín tới, chù ụ sẽ có màu đỏ bầm rất hấp dẫn, ta có thể trộn chù ụ với ít rau răm cho thơm, sau đó chấm muối ớt, hoặc muối tiêu chanh.
Chù ụ cũng có thể luộc như cua, ghẹ, hay hấp bia chấm muối ớt, hoặc nước mắm chua. Ngoài ra còn có thể rang me, kho nghệ, xào hành…
Hoàng Thám
- Hình bìa: Lẩu mắm cá kèo.
Nguồn: Báo Đắk Lắk điện tử