Khi nước mặn xâm nhập vào ao, mương trong vườn sẽ tích tụ các muối hòa tan trong đất. Khi tưới nước nhiễm mặn cho cây trồng thì hàm lượng của muối hòa tan cao làm cho áp suất thẩm thấu của dung dịch đất lớn hơn áp suất thẩm thấu của tế bào. Chính sự chênh lệch áp suất này làm cho hệ thống rễ cây không hút nước và dinh dưỡng được, đồng thời làm cho màng tế bào bị phá vỡ dẫn đến cây bị mất nước, héo và gây chết cây.
Vùng có nguy cơ nhiễm mặn thường xuyên cần chú ý thực hiện tốt thủy lợi nội đồng để có khả năng trữ nước ngọt và ngăn mặn cục bộ.
Nếu trồng cây ăn trái cần dịch chuyển để tránh thời điểm ra hoa, mang trái tập trung trong thời điểm nước mặn, tạo bóng mát và đậy gốc cây, có đủ điều kiện che phủ bờ liếp trồng để tăng cường giữ ẩm, giảm mất nước cho cây, đất trồng.
Trước giai đoạn nhiễm mặn, cần tăng cường bón các loại phân có chứa các chất kali, lân, vôi, chất hữu cơ để tăng khả năng đề kháng của cây trồng. Hạn chế tỉa cành, tạo tán.
Trong điều kiện hạn, mặn, một số giải pháp được khuyến cáo cho nông dân áp dụng để bảo vệ vườn cây ăn trái như sau:
Bà con nên kiểm tra, củng cố hệ thống đê bao của mỗi vườn cho chắc chắn để tránh nước xâm nhập vào vườn. Đồng thời, để đảm bảo đủ nước ngọt tưới cho vườn cây ăn trái, người dân cần dự trữ nước ngọt trong mương để tưới cho cây ăn trái khi nước mặn xâm nhập. Kết hợp với việc ngăn mặn trữ ngọt mọi người cần che đậy bằng lá dừa nước, rơm rạ, lục bình, cỏ khô… để giảm bốc thoát hơi nước, tăng cường giữ ẩm cho cây.
Đối với giải pháp về dinh dưỡng, bà con nông dân cần tăng cường bón phân hữu cơ và kali nhằm làm tăng hàm lượng K+ trong cây để tăng tỷ lệ K/Na, từ đó hạn chế sự hút Na+ vào cây, hạn chế cây bị ngộ độc do Na+ cao. Bón thêm phân lân để cung cấp lân cho cây, hạn chế sự thu hút các ion Cl- quá nhiều trong cây. Đồng thời, phun các chế phẩm như: Vitazyme, Nyro có chứa các hoạt chất brasinoline giúp cây tạo ra proline điều hòa thẩm thấu của tế bào hạn chế sự hút Na+ vào cây để tăng tính chống chịu mặn của cây trồng.
Không nên xử lý cây ra hoa trong giai đoạn này nếu nguồn nước tưới không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây khi đậu trái, phát triển trái và nuôi trái.
Bà con canh tác hoa kiểng các loại cần chú ý các giải pháp để phòng chống hạn mặn. Vì các loại hoa kiểng như cúc, vạn thọ, mai vàng… rất mẫn cảm với điều kiện mặn nên người dân nên thường xuyên cập nhật thông tin và đo độ mặn hàng ngày nhằm dự báo tình hình xâm nhập mặn, nồng độ mặn trên các sông, rạch để có hướng xử lý kịp thời ngăn chặn nước mặn hoặc lấy nước tưới cho các loại hoa kiểng. Có thể phun phân bón lá có chứa kali, calci, magnesium, silic giúp hoa kiểng tăng sức đề kháng, tăng khả năng chịu hạn, chống chịu với nhiễm mặn, cứng cây, không đổ ngã giúp màu sắc hoa tươi đẹp hơn.
LÊ ĐÌNH TẤN TÀI
(Trung tâm khuyến nông Bến Tre)