Người mẹ quê nghèo

    Ngày ấy, nhà tôi nghèo lắm! Mẹ tôi ngày ngày tần tảo với công việc mà gia đình vẫn luôn gặp khó khăn. Cuộc sống chật vật ngày từng ngày trôi qua với những đồng bạc lẻ mà mẹ kiếm được từ việc đốn củi trong rừng về bán hay với những mớ rau lang mẹ trồng ngoài đồng. Nhà tôi đông anh em, ba tôi thì đau ốm thường xuyên nên tất cả mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà ngày từng ngày cứ dồn dập đè nặng lên đôi vai gầy của mẹ tôi.

    Dường như cái cảnh nghèo khổ không chỉ ở gia đình tôi mà khắp cả xóm đều cùng cảnh ngộ. Vậy nên cũng không mấy ngạc nhiên khi bắt gặp những đứa bé chừng 3 tuổi đã biết chăn trâu, 5 tuổi đã đi làm đồng. Đứa lớn đứa nhỏ gì cũng biết làm đồng phụ giúp cha mẹ cả. Anh em chúng tôi cũng chẳng ngoại lệ… Nhiều lúc cùng mẹ đi cấy lúa, mới lúc đầu tập cấy nên cấy đằng trước lúa nổi đằng sau, nhìn lại mà thấy bực mình.

    Mẹ tôi cười bảo: “Hễ là con gái xóm Gò Đá này là phải biết cấy lúa nghe con”. Lời nói của mẹ như giục tôi phải chăm chỉ tập cấy hơn, nhưng nghĩ lại thì thấy sờ sợ cho tương lai của mình với: không lẽ con gái xóm mình sau này phải chịu tối mặt tối mũi với ruộng đồng như thế này sao?

    Hồi ấy, tôi nhìn mẹ cấy lúa mà thấy khâm phục quá: tay mẹ rút mạ nhanh phăng phắt, chân di chuyển liên tục, mẹ giỏi như vậy nên có nhiều người đặt cho mẹ cái tên “chích chòe lửa”. Tôi chẳng hiểu vì sao lại gọi như vậy nữa nhưng cũng thấy tự hào lắm!

    Được khen thì tốt rồi nhưng cũng xót lắm, trưa nắng như thiêu như đốt, nước dưới ruộng nóng như nước sôi mà mẹ vẫn cố chịu đựng. Mồ hôi khắp người mẹ rơi nhễ nhại ướt cả chiếc áo nâu mỏng dánh… Thật tình là tôi đã nhiều lần phát khóc vì thương mẹ. Tôi ước mơ bao điều cho vùng quê này, cho gia đình và đời mẹ tôi được thay đổi…

    Ước mơ thật nhiều, cố gắng thật nhiều cho tương lai nhưng lúc ấy những điều đó không thể đối chọi được với cảnh túng quẫn.

    Có những lúc khó khăn, nhà hết gạo để ăn, mẹ nhìn vào cái vò gạo trống trơn lét nhét chỉ còn vài ba nhúm gạo cỏn con, nhìn vào ấy mà mẹ thở dài rồi quay ra sân nhìn chúng tôi với cặp mắt rưng rưng. Rồi mẹ tôi phải đi vay mượn hàng xóm từng lon gạo, bởi lẽ khi ấy cũng có được mấy nhà còn dư gạo.

    Ấy vậy mà anh em chúng tôi vẫn được đến trường như đám bạn, mẹ khuyên anh em chúng tôi mọi điều: “Các con phải ráng học cho thật giỏi để sau này thoát khỏi cái cảnh vất vả như đời mẹ”.

    Rồi ngày qua ngày, anh em chúng tôi được lớn lên và học tập đàng hoàng từ những gánh củi, mớ rau lang mẹ bán và cả những giọt mồ hôi mặn đắng ướt nhòe trên má mẹ, cả những chén cơm chan đầy nước mắt mẹ.

    Có những lúc tôi thấy mẹ bới cơm trắng cho anh em chúng tôi còn mẹ thì chỉ ăn cơm cháy, mới đầu tôi cứ tưởng cơm cháy ngon lắm chứ nhưng nào ngờ mới nhận ra một điều: cơm cháy không hề ngon một chút nào, nó đắng chát như cuộc đời mà mẹ đang phải gánh chịu vì gia đình, vì đàn con thân yêu của mình…

    Tôi đã không phụ sự vất vả của mẹ khi đậu vào đại học. Dù phía trước còn rất nhiều khó khăn nhưng tôi tin mình sẽ vượt qua vì trong tôi có phẩm chất của mẹ, người phụ nữ quê nghèo cần cù, lam lũ, giàu nghị lực sống…

    Nhật Dạ

    Recommended For You