Những cơn mưa đầu mùa đã về với TP.HCM, xua tan cái nóng đặt trưng của nơi đông dân nhất của đất nước hình chữ S. Nhìn dòng người vội vã về nhà dưới cơn mưa chiều như trút nước, tôi nhớ về những cơn mưa trên cánh đồng quê tôi. Tôi cố lắng nghe tiếng côn trùng, tiếng ếch nhái, hay tiếng gà, nhưng không có, tất cả chỉ có tiếng động cơ, tiếng còi xe, tiếng bước chân người… Những lúc thế này, tôi mới nhận ra rằng: Tôi yêu tha thiết cánh đồng quê dưới cơn mưa vào buổi chiều chạng vạng, yên bình và mênh mông.
Tôi nhớ những ngày gắn bó với đồng quê, với sông nước miền Tây, ngày quê tôi chưa có điện, chưa có xe máy, ô tô, nhà lợp lá, vách tre, đi lại chỉ bằng ghe xuồng và cuốc bộ. Mưa chiều như nhuộm sắc tím cho cảnh vật ở quê.
Tôi thích cột võng ngoài hiên, nằm đung đưa để nhìn ra ngoài đồng. Cánh đồng nhà tôi nằm gần những cánh đồng của hàng xóm, tạo nên một khoảng đất bao la, nhìn mãi, nhìn mãi chỉ thấy một hàng cây thật xa, không rõ là cây gì và dường như ở nơi đó, bầu trời và mặt đất được về với nhau.
Chiều mưa, đồng vắng người, nhưng lại là nơi hội tụ của rất nhiều loài vật, từ chim chóc đến lưỡng cư, côn trùng.
Ngày trước còn nhiều cò, chúng hay ghé xuống đồng kiếm ăn, nhiều nhất là vào chập tối. Chúng đứng thành hàng trên bờ mẫu, rồi tràn xuống mặt ruộng nhặt nhạnh những hạt thóc còn sót lại hay bắt mấy con châu chấu, dế, cào cào.
Đội quân cò mặc những tấm áo trắng tinh khôi, nhuộm sáng cả cánh đồng, dù trời càng ngày càng tối, nhưng tấm áo của chúng vẫn nổi bật lên, như đang phớt lờ cơn mưa lạnh: “Bọn tôi không ngại mưa đâu nhé”.
Lúc ấy tôi chợt thấy, sao những con cò này giống như những đóa hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, mang dáng dấp bóng hình của người Việt Nam ta, lam lũ, vất vả, dầm mưa dãi nắng, nhưng tâm hồn vẫn trong sáng, vẫn trắng trong, không hề thay đổi.
Và cũng giống như người người nông dân chúng tôi, chúng làm bạn, mưa sinh, trải qua quãng thời gian của cuộc đời gắng bó với cánh đồng quê hương này.
Văng vẳng đâu đó là tiếng ếch nhái kêu vang, tiếng dế, tiếng chim… tạo nên một bài giao hưởng ngộ nghĩnh. Loài nào cũng có tiếng kêu đặt trưng của riêng chúng, loài nào cũng ra sức kêu thật to như đang chứng tỏ sức mạnh của mình. Bản giao hưởng át cả tiếng mưa, hòa vào tiếng gió, tiếng lũy tre rì rào, tiếng gà gáy tối, tiếng chó sủa. Hẳn là chẳng tìm được nhạc trưởng nên bản nhạc đôi khi trở nên lộn xộn, đôi khi lại lạc nốt, hay dừng lại bất chợt, làm không gian bỗng trở nên im lặng bất ngờ rồi sau đó lại rần lên, ồn ào như cũ. Có lúc, tôi thấy bản nhạc thật trữ tình, nhưng cũng có lúc nó như một cuộc khẩu chiến buồn cười của các loài vật vào chập tối.
Nhìn ra đồng thì chỉ thấy đàn cò và cánh đồng mênh mông nhưng âm thanh thì chật cả không gian. Những nhạc sĩ ẩn nấp kín đáo để chơi nhạc trong khi các vị khách cò im lặng vừa thưởng thức nhạc, vừa tranh thủ kiếm ăn.
Bức tranh đồng quê chiều mưa buồn tưởng như chỉ mang một màu nâu tẻ nhạt thì đối với tôi, nó là bức lung linh, có màu tim tím của mưa, màu nâu của đất, vàng của rơm rạ, trắng của cò, xanh xanh của ngọn cỏ.
Không chỉ vậy, bức tranh còn tỏa mùi thơm rơm vừa gặt, mùi khói đèn dầu, khói bếp tỏa ra từ những căn nhà lá, mùi đất nồng ấm, mùi của sự lam lũ, của lao động đầy siêng năng. Còn có âm nhạc mang phong cách hoang dã, ngẫu hứng đồng quê của những nhạc công nghiệp dư, những ca sĩ “vô tình”, “vô ý” nhưng tạo nên bài ca hữu tình, hữu ý.
Rồi từ khi lên thành phố sống, tôi không tìm đâu ra bức tranh, bản nhạc nhiều cung bậc ấy nữa. Có những đêm nằm nghe mưa, tôi tưởng như mình nghe thấy tiếng lũy tre rì rào hay tiếng côn trùng kêu đêm, vội bật dậy tìm, để rồi nhận ra đó chỉ là ảo thanh của nỗi nhớ.
Trong giây phút này đây, tôi mới thấm thía câu hát của nhạc sĩ Bắc Sơn: “Xin được làm mây mà bay khắp nơi giang hồ, ghé chốn quê hương xa rời từ cất bước ly hương”. Giá như trong cơn mưa này mà được đưa võng bên hiên nhà, hay được xách túi, xách thùng theo cha bắt cua, bắt nhái, để hòa mình vào không gian yên bình, nghe rõ hơn tiếng của đồng quê.
Đúng như ông bà ta vẫn hay nói “có xa mới thương”, “có mất mới tiếc”, lúc còn nhỏ tôi mong mình mau lớn, được lên thành phố nhộn nhịp, đông vui thì khi đã lớn rồi, lại thèm trở về làm một đứa trẻ, về với quê hương, nơi có cánh đồng mênh mông những chiều mưa tím.