Nông nghiệp đô thị TP.HCM: Vươn lên từ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp

    Chủ trương chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị đã giúp thay đổi bộ mặt ngành nông nghiệp TP.HCM. Giai đoạn 2017 – 2020, nhiều hộ nông dân, doanh nghiệp được hỗ trợ vốn vay làm ăn hiệu quả. Góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ hiệu quả kinh tế thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao như: hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, rau an toàn, chăn nuôi bò sữa, thủy sản các loại.

    Các chính sách vay vốn có hỗ trợ được triển khai theo Quyết định số 36/2011/ QĐ-UBND ngày 10/6/2011, Quyết định số 13/2013/ QĐ-UBND ngày 20/3/2013, Quyết định số 04/2016/QĐ- UBND ngày 23/2/2016, Nghị quyết 10/2017/NQ-HĐND ngày 7/12/2017 và Quyết định số 655/QĐ-UBND ngày 12/2/2018. Việc triển khai các quyết định đã góp phần khuyến khích các tổ chức, hộ dân, cá nhân đầu tư mở rộng sản xuất, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị thành phố. Qua đó, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp TP.HCM.

    Theo báo cáo của Chi cục phát triển nông thôn TP.HCM, kinh phí đã giải ngân hỗ trợ lãi vay từ ngân sách đối với các phương án được duyệt từ năm 2017 – 2019 là 296.320 triệu đồng. Nhờ có hỗ trợ ưu đãi vốn vay, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị có hiệu quả kinh tế cao.

    Cũng theo báo cáo của Chi cục phát triển nông thôn TP.HCM, đối với các mô hình sản xuất rau có doanh thu bình quân đạt 800 triệu – 1 tỷ đồng/ha/năm, các mô hình trồng hoa lan có doanh thu bình quân đạt 2 tỷ đồng/ha/năm, bò sữa đối với quy mô 20 con có doanh thu bình quân đạt 800 triệu đồng/năm, mô hình nuôi cá cảnh có doanh thu bình quân đạt từ 10 – 15 tỷ đồng/ha/năm, nuôi lươn trong hồ (diện tích 6 m2/hồ) có doanh thu đạt 63,3 tỷ đồng/0,5 ha/năm.

    Bên cạnh đó, nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi mà nhiều cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã mạnh dạn vay vốn đầu tư khoa học – công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp. Từ đó, giúp nâng cao giá trị sản lượng và chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi.

    Đơn cử, mô hình trồng lan mokara của anh Bùi Văn Cường (xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi) là một trong những cá nhân tiêu biểu về thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn huyện Củ Chi. Năm 2017, anh được tư vấn và tiếp cận với vốn vay ưu đãi từ chương trình khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố. Anh Cường đã mạnh dạn vay vốn đầu tư và được hỗ trợ lãi vay, với tổng vốn đầu tư là 7.305 triệu đồng và số tiền vay vốn được hỗ trợ lãi vay là 4.900 triệu đồng. Vốn hỗ trợ được sử dụng để sửa chữa nhà lưới, thay giống cho 20.000 cây hoa lan mokara già năng suất thấp, trồng thêm 40.000 cây hoa lan mokara mới.

    Việc chuyển đổi sang những mô hình cây – con có giá trị kinh tế cao góp phần gia tăng tốc độ tăng trưởng nông nghiệp. Năm 2018, giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp đạt 21.402 tỷ đồng, tăng 294% so năm 2008, tốc độ tăng trưởng (GRDP) nông nghiệp đạt 9.610 tỷ đồng, tăng 233,7% so năm 2008, 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 4.304 tỷ đồng, tăng 6,01% so với cùng kỳ 2018.

    Nhờ có chính sách chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố, ngành nông nghiệp TP.HCM đã phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững. Đồng thời, góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương, nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống.

    HOÀI AN

    Recommended For You