“Hò ơi…. sông quê nước chảy đôi bờ
Để anh chín dại… mười khờ thương em”
Quê tôi thuộc vùng châu thổ sông Cửu Long chằng chịt kênh rạch, sông ngòi, nên từ khi lọt lòng mẹ, những đứa trẻ đã nhìn thấy trước nhà chúng những con sông, con rạch trước cửa hoặc mấy cái mương bên hông nhà. Mấy đứa trẻ miệt vườn như tụi tui lớn lên qua những mùa nước nổi, nước ròng. Tôm cá dưới lòng sông dưỡng nuôi từng thớ thịt. Phù sa trong dòng chảy nhuộm vàng mỗi tấc da. Sông với chúng tôi đâu chỉ là nguồn sống, mà còn là cả bầu trời tuổi thơ êm đềm, dịu dàng vỗ về, tưới mát cả làng quê nghèo nhưng êm ả.
Nhớ mỗi bận năm hết tết đến, khi những khoảng sân trong xóm đều sáng bừng màu vàng đậm của vạn thọ, đỏ tươi của mào gà và chi chít những nụ vàng thanh tao của cây mai trước ngõ thì sông quê tôi nhộn nhịp tiếng khua chèo của mấy dì, mấy cô bán hàng, cùng với tiếng rao lanh lảnh trong nắng ấm: “Ai mua vạn thọ hông?”, “Ai dưa hấu, bắp cải, củ cải, củ hành, dưa leo, khóm đây….”. Tiếng rao thánh thót vang dài trên những con sóng lăn tăn, vọng lên những chùm hoa mào gà đang run khe khẽ hợp với tiếng chèo khua nước, tạo ra một bản hòa âm nhịp nhàng và êm ả. Cứ chốc chốc lại nghe thấy tiếng kêu “ơi” của một nhà nào đó, rồi tiếng khua chèo từ từ chậm lại, ngừng hẳn. Bắt đầu có tiếng nói lao xao, một nhà, hai nhà, rồi ba nhà, những cô dì trong xóm rủ nhau ra bến sông cùng lựa dưa tết cho gia đình. Các bà nội trợ phải làm sao tìm cho được quả dưa tròn đều, màu sắc đẹp mắt để chưng lên bàn thờ tổ tiên.
Những người khác thì tranh thủ ra bến sông xem ghe hàng bông nào có nhiều bông đẹp, giá cả phải chăng thì lựa vài chậu bông vạn thọ, cúc đồng tiền… để trang hoàng cho nhà cửa nhân dịp tết đến. Mặt sông rộn rã hẳn lên, tiếng cười nói, tiếng thăm hỏi, có người rỉ tai nhau xem làm sao cho dưa chua thật giòn, có người mách nhau cách làm mứt mãng cầu sao cho đẹp mắt lại dẻo thơm cùng vô số những câu chuyện không tên khác. Những âm thanh vang vọng từ mặt sông khiến cho lũ trẻ nhà quê chúng tôi biết rằng “Tết đã về đến quê ta rồi”.
Qua những ngày tết rộn rã, xóm giềng lại rủ nhau ra đồng cày cấy, phát bờ, bón phân cho cây trái. Vào mùa này ở miền Nam, mặt trời trở nên cau có hơn, tựa như một cô gái đang thì còn son giận dỗi, tỏa ra những tia nắng chói chang trên khắp nẻo đường quê. Nắng khiến cánh đồng lúa đang thì con gái xanh tươi hơn, rạo rực hơn. Nắng khiến mấy trái bưởi, trái cam nhà bà ngoại căng đầy nước ngọt. Nắng rải vô số những hạt pha lê lấp lánh trên sông, dập dềnh trôi theo con nước. Mùa hè, bọn trẻ thích nhất là được ra bến sông, nơi có những hàng dừa, hàng tre nghiêng mình soi bóng mát trên mặt sông tĩnh lặng. Cứ ngồi dưới gốc những bụi tre dưới bến sông, thể nào cũng đón được ngọn gió lùa từ phía cánh đồng lúa đang xanh tươi mơn mởn. Hương thơm của lúa non quyện với cái mát của lòng sông phả lên mặt, cùng tiếng chim cứ ríu rít chẳng ngừng đã quạt mát cho những giấc mơ trưa của bao tâm hồn non trẻ. Để sau này, khi đã lớn, ngồi trong bốn bức tường kín mít có hơi máy lạnh thổi phà phà vào mặt, chợt nhớ đến cái hương lúa non mát lành bên bến sông xưa, thầm cảm khái cái vô hồn của thời hiện đại.
Rồi người ta bỗng nhớ những buổi chiều của một năm nào đó xưa lắm, khi khói trắng bay lên từ những chái bếp bên nhà, kéo theo mùi thơm của mẻ cá bống kho tiêu nóng hổi, đưa cơm. Cứ mỗi năm vào tháng 7 tháng 8 âm lịch là xóm tôi lại rộn ràng chuẩn bị đăng vó bắt cá. Cữ này là khoảng thời gian con nước đỏ đổ về, mang theo trong dòng chảy hàng vạn con cá bống trứng đen nhánh, mập ú. Vào mùa này, khi nước lên ngập mấp mé hai bờ sông, mấy đứa con nít chỉ cần mang theo cây vợt nhỏ mà cha chúng làm cho, rảo dọc theo những dề lục bình cặp mé, thể nào cũng vớt được ít nhất là nửa cân cá bống. Nhưng thú nhất vẫn là vào chập tối, cầm theo cái đèn dầu hột vịt, những đứa con nít lẽo đẽo theo ông hoặc cha của chúng, ngồi trên chiếc xuồng nhỏ neo giữa lòng sông để đợi giở lưới. Tụi con nít nào có thèm quan tâm đến cá bắt được ít hay nhiều, chúng chỉ thích được neo xuồng giữa sông. Giữa sông nước mênh mang, tiếng gió, tiếng chèo khua khe khẽ, tiếng sóng nước ập vào mạn xuồng dưới lưng, bỗng thằng nhỏ nghe lòng mình mát rượi. Càng khoái chí hơn khi ông nội ngâm vài câu Kiều ở đầu mũi xuồng, nó thấy mình tiêu dao như một vị tiên ở chốn bồng lai nào đó mà nó hay xem trên truyền hình. Ký ức đẹp đẽ đó theo nó cả một thời non dại, rồi vỗ về nỗi đơn côi của nó giữa thành thị xa hoa và tấp nập vào hai mươi năm sau.
Có đêm đang ngủ, bỗng nghe tiếng nước ộp oạp vỗ vào mạn xuồng và tiếng ngâm Kiều văng vẳng… Đêm bỗng dài hơn: “Trăm năm trong cõi người ta…”
Nguồn: Cà Phê Thứ Bảy