Thịt chuột đông – tây

    Chuột có nhiều loại, chuột nhà thì hầu như mọi người đều biết, nhưng chuột đồng thì chỉ những người sống bằng nghề nông ở đồng bằng sông Cửu Long mới hiểu hết. Chuột đồng to, có bộ lông màu vàng nâu, trông giống màu lông của những con cheo, con mễn của rừng U Minh Nam bộ.

    Nguồn thực phẩm tự nhiên

    Chuột đồng thường sống ở nơi hoang dã và khả năng sinh sản mạnh. Trung bình mỗi con chuột cái sinh từ 50 – 100 chuột con một năm.

    Ở đồng bằng sông Cửu Long, chuột đồng thường sống thành từng đàn trong những hang thông nhau dưới đất, bên trên là những cánh đồng cò bay thẳng cánh.

    Bà con nông dân ở đây coi thịt chuột đồng là một món ăn trời cho, từ đó họ có cách săn bắt chuột đồng khá thú vị.

    Để bắt được chuột, phải tìm cho được cửa hang chính và các lối thoát hiểm của đàn chuột. Sau đó đốt rơm rạ, hun khói cửa hang và đặt bẫy ở các lối thoát hiểm của chúng. Chuột trong hang bị sặc khói buộc phải chạy ra các cửa thoát hiểm và lọt vào bẫy.

    Trong mùa nước lớn, các hang chuột đồng bị chìm dưới mặt nước, chuột phải kéo nhau lên các mô đất cao để lánh tạm, do vậy khi bắt chuột đồng khỏi cần giăng bẫy, chỉ việc dùng rơm, hoặc cỏ khô vây kín gò đất và đốt, sau đó đi lượm từng con chuột đồng đã bị thui chín…

    Khi làm thịt chuột đồng, người ta chặt đầu, bỏ bộ lòng và các móng chân.

    Thịt chuột đồng không có mùi hôi nhưng vẫn phải ướp thịt với ngũ vị hương hay sả, ớt. Sau đó người ta chế biến thành các món ăn.

    Thịt chuột đồng trong các quán nhậu, nhà hàng ở Nam bộ được nấu nướng khá công phu với các món chuột đồng rô ti, hoặc chuột đồng xào lăn, chuột đồng kho với nước cốt dừa…

    Bà con nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long thường chế biến thịt chuột đồng với cây hà thủ ô và lá câu kỷ để có một món ăn có tác dụng giúp cho cơ thể cường tráng, tăng cường sinh lý.

    Ngoài ra, khi gặp được một ổ chuột mới đẻ, bắt được những con chuột con còn đỏ hỏn chưa mở mắt, gọi là chuột bao tử, người Nam bộ đem rửa sạch bằng rượu đế, sau đó ngâm rượu chung với vài vị thuốc đông y khác trong vòng 100 ngày sẽ có được một loại rượu thuốc nhiều tính năng bổ dưỡng.

    Thịt chuột… ngoại

    Không chỉ có bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam mới ăn thịt chuột đồng, mà có rất nhiều dân tộc khác trên thế giới cũng thích ăn thịt chuột.

    Riêng các dân tộc sống ở miền Bắc cực có món thịt chuột vô cùng độc đáo. Họ ngâm thịt chuột trong rượu mạnh vài giờ, sau đó đem thịt lăn với bột mì rồi chiên vàng rụm trông rất ngon lành.

    Trong sách “Món ăn, bài thuốc” quyển hai (Sở khoa học công nghệ và môi trường tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu xuất bản năm 1995), DS. Bùi Kim Tùng cho biết: do chuột đồng có khả năng sinh sản mạnh nên ăn thịt chuột đồng nhiều ngày sẽ giúp cho mạnh thận khí, tinh tủy đầy đủ, không đau lưng, hết mỏi gối, tóc đen trở lại như thời trẻ trai. DS. Bùi Kim Tùng còn dẫn thêm sách của đại danh y Tuệ Tĩnh đã từng khẳng định thịt chuột đồng đực có vị ngọt chát, hơi ấm, không độc, dùng để chữa trị các chứng gãy xương, phong hàn, các vết thương do dao rựa gây nên, hoặc trị cả bệnh hiếm muộn con cái …

    Nói tóm lại, bên cạnh loài chuột nhà chuyên phá phách và hôi hám, bẩn thỉu, loài chuột đồng Nam bộ là những món ăn, bài thuốc bổ dưỡng, góp phần đáp ứng nhu cầu ẩm thực cho mọi người…

    NGUYỄN TẤN TUẤN

    Recommended For You