Tìm hiểu về Cỏ vetiver – loài cây đa dụng

    Cỏ vetiver, một số nhà khoa học Việt Nam gọi phiên sang tiếng Việt là cỏ Hương Bài; một loài cỏ mọc tự nhiên trong rừng Việt Nam; nhưng có khác một số đặc tính so với cỏ vetiver nhập nội. Từ năm 2000; tôi đã tìm hiểu loài cỏ vetiver, khi đó được coi là loài cây khá mới mẻ, có tác dụng chống xói mòn; bảo vệ môi trường… và tôi rút ra một số kết luận như sau:

    Hiệu ứng thẩm thấu ngược của cỏ vetiver

    Tôi đã làm thí nghiệm nghiêm túc vào năm 2000: Trồng cỏ vetiver xen trong vườn thanh long. Vào mùa khô quan sát bằng mắt thấy nghiệm thức có trồng cỏ ẩm ướt hơn nghiệm thức đối chứng (không trồng cỏ).

    Lấy mẫu đất nơi nghiệm thức có trồng cỏ và nghiệm thức đối chứng đưa về thử nghiệm thì cho kết quả: hàm lượng nước trong đất ở nghiệm thức trồng cỏ và các chất khoáng, vi lượng… có sự sai khác có ý nghĩa (nghĩa là không phải ngẫu nhiên) so với nghiệm thức đối chứng.

    Kết luận: trồng cỏ vetiver giúp “lôi” nước và khoáng chất từ dưới sâu lên qua thẩm thấu ngược “bên ngoài” rễ cỏ, rồi mang mặt đất bổ sung nước và vi chất cho cây trồng trên mặt đất. Như vậy, trồng cỏ vetiver giúp ta chống hạn, chống xâm nhập mặn

    Chú ý là phần nước và vi chất/chất dinh dưỡng được cỏ vetiver hút vào từ “bên trong” rễ sẽ dùng để nuôi sinh khối cỏ vetiver chứ không cung cấp cho đất như phần dung dịch thẩm thấu ngược là dung dịch được hút lên theo bề mặt bên ngoài rễ với “hiệu ứng bấc đèn”.

    Như vậy cỏ vetiver cải thiện tiểu môi trường rất tốt: giúp chống hạn (phần nào); cung ứng vi chất cần cho cây trồng và chống nhiễm mặn.

    Do nguyên lý thẩm thấu ngược nhờ hiệu ứng bấc đèn như trên nên người ta có thể trồng xen cỏ vào sát gốc cây trồng chính (cây ăn trái, cây dây leo…) để hạn chế cỏ mọc trong gốc; ngoài ra định kỳ cắt cỏ tủ gốc sẽ giúp chống cỏ, tạo môi trường cho vi sinh phát triển; hỗ trợ cây trồng chính.

    Tuy nhiên, chỉ trồng xen cây mục đích sau khi trồng cỏ vetiver đủ lâu; đủ cho bộ rễ chui sâu xuống đất/không cạnh tranh dinh dưỡng với cây mục đích trồng xen ở trên cạn vì cỏ vetiver khi mới trồng rễ còn bé cũng đòi hỏi nước và dinh dưỡng như cây trồng cạn.

    Bê tông xanh

    Nếu bạn có vật thể dễ bị xói mòn: bờ ao, bờ đê, mái ta luy… bị xói mòn do mưa thì giải pháp trồng cỏ vetiver là tuyệt vời. Bộ rễ cỏ vetiver được mệnh danh là bê tông xanh, đan chằng chịt và ăn sâu vào lòng đất giúp bảo vệ đất, chống xói mòn trên cả tuyệt vời!

    Dùng làm thức ăn chăn nuôi trâu bò

    Thời tôi nghiên cứu, tôi lấy giống cỏ vetiver tại Trạm nghiên cứu thực nghiệm Xuân Lộc (Đồng Nai). Giống cỏ đó cho năng suất thấp và lá có lông nên bò ăn được ít. Theo thông tin từ công trình nghiên cứu của sinh viên Đại học Cần Thơ thì cỏ vetiver cho năng suất trung bình 60 tấn/ha/năm, chỉ bằng 10% so với cỏ VA06.

    Được biết hiện nay, người ta đã nhập về dòng cỏ vetiver giống mới, lá mềm và không có lông nên trâu, bò, dê, cừu… ăn bình thường. Cần ai đó làm khảo nghiệm thêm về năng suất và thành phần dinh dưỡng của giống cỏ vetiver mới nhập này.

    Ngoài ra, ở các nước Ấn Độ, Thái Lan, người ta dùng cỏ vetiver làm nguyên liệu đan lát các sản phẩm thủ công xuất khẩu, tạo công ăn việc làm đáng kể cho chị em phụ nữ, hoặc chiết xuất tinh dầu từ rễ cỏ vetiver làm nước hoa; hương liệu…

    VÕ ĐÌNH TIẾN

    Recommended For You