Bí quyết ‘trồng và sử dụng’ cây đinh lăng lá nhỏ

    Đinh lăng lá nhỏ (còn gọi là cây gỏi cá), tên khoa học là Polyscias fruticosa, họ Nhân sâm (Araliaceae). Cây có thể cao 2 m, thân màu xám, mang nhiều vết sẹo to. Lá mọc so le, kép, lông chim 2 – 3 lần, có mùi thơm khi vò nát. Đinh lăng lá nhỏ là loại cây kiểng, có thể dùng để làm thuốc.

    Ở Việt Nam, cây có từ lâu đời trong nhân dân dùng làm cảnh, làm rau và làm thuốc. Để làm thuốc, đào rễ rửa sạch đất cát phơi hay sấy khô.

    Trong rễ đinh lăng có alcaloid, glucosid, saponin, flavonoid, tanin, B1, acid amin không thay thế được như lysin, xystei, methionin.

    Việt Nam nghiên cứu cây đinh lăng từ 1961 thấy rễ nó có tác dụng làm tăng sức dẻo dai của cơ thể trên thí nghiệm cấp tính tương tự nhân sâm.

    Đặc biệt,  đinh lăng rất ít độc, nếu so sánh với nhân sâm càng ít độc hơn (lưu ý, nếu dùng không đúng nhân sâm cũng có thể gây tai biến).

    Rễ đinh lăng còn có tác dụng tăng sức đề kháng với bức xạ siêu cao tần, tác dụng tốt với các nhà du hành vũ trụ khi tập luyện trong tư thế dốc ngược đầu, tăng khả năng chịu đựng của bộ đội, vận động viên thể dục thể thao.

    Tác dụng của rễ đinh lăng không thua gì nhân sâm nên được mệnh danh là “nhân sâm của người nghèo”.

    Trồng đinh lăng trong chậu: Vừa làm cảnh, làm rau ăn, làm thuốc

    Cách trồng

    Đinh lăng là cây ưa ẩm, hơi chịu bóng, có thể trồng quanh năm nhưng tốt nhất là trồng vào tháng 2 hoặc tháng 8.

    Cây trồng được trên nhiều loại đất (kể cả với vùng đất nhiễm mặn), trồng trong chậu, cây vẫn mọc tốt.

    Dùng 3 – 5 kg phân chuồng hoai mục bón lót dưới đáy chậu, trên đổ tro trấu, xơ dừa, đất thịt.

    Cắm một đoạn thân hoặc cành vô chậu đất, tưới nước, một thời gian sau cây đâm rễ.

    Định kỳ bón phân NPK hay phân vi sinh.

    Đinh lăng không có sâu bệnh gì nghiêm trọng.

    Cây trồng 5 năm có thể thu hoạch rễ, nếu để lâu hơn, năng suất và chất lượng rễ càng cao.

    Cách sử dụng
    Rễ đinh lăng: rễ thu hái xong rửa sạch, rễ nhỏ để nguyên, rễ to chỉ dùng vỏ rễ. Xắt rễ mỏng phơi khô chỗ mát cho có mùi thơm, sau đó tẩm rượu gừng sao qua, rồi lại tẩm mật ong sao thơm. Ta đã có được thứ nhân sâm của người nghèo.

    Rễ ngọt, tính bình, bổ 5 tạng, tăng lực.

    Người suy mòn uống rễ đinh lăng nhanh hồi phục, ăn ngon, ngủ tốt, tăng cân, đặc biệt nó không làm tăng huyết áp như nhân sâm.

    Làm thuốc bổ, dùng 5 g rễ đinh lăng đã sao tẩm như trên thêm 100 ml nước đun sôi 15 phút chia 2 lần uống trong ngày, thân và lá cũng có tác dụng tăng lực nhưng yếu hơn so với rễ. 

    Trung tâm sâm và dược liệu TP.HCM phân tích rễ đinh lăng thấy nó có tác dụng kháng khuẩn mạnh, chống ung thư, chống chứng trầm uất, giảm mỡ máu, kích thích sinh dục ở động vật già, kích thích sinh lực ở động vật đang mệt mỏi, tác dụng này kéo dài và bền.

    Thân cành đinh lăng: chữa đau lưng và thấp khớp, dùng 60 g, sắc uống.

    Lá đinh lăng: dùng làm rau ăn sống, làm gỏi, nấu canh. Lá khô nhồi vào áo gối nằm giúp có giấc ngủ ngon, lá khô nấu nước cho sản phụ sau sinh có nhiều sữa.

    TÔ HOÀNG THÁI

    Recommended For You