Về giữa mùa hoa dã quỳ!

Trở lại TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đúng mùa hoa dã quỳ vàng rực, chúng tôi như lạc lối giữa khung cảnh mộng mơ của loài hoa đồng nội này.

Thật hạnh phúc và thích thú khi được tận hưởng cảm giác đi trên những cung đường đồi dốc quanh co hai bên ngập sắc vàng miên man cùng vạt nắng hanh hao vắt qua từng ngõ ngách. Thật khó cưỡng bước chân trở lại mùa hoa dã quỳ nở rộ trên khắp cao nguyên Đà Lạt vào khoảng tháng 10 đến tháng 12.

Không phải ngẫu nhiên mà anh Nguyễn Thành Mai, sinh viên khoa Ngữ văn khóa 16 Trường Đại học Đà Lạt viết:

“Em rạng ngời như nắng
Vàng dã quỳ lung linh
Em rạt rào như gió
Rối bời cao nguyên xanh”.

Hay một Facebook khác đã chia sẻ: “Tiết trời bắt đầu se lạnh, nắng nhẹ, cũng là lúc những cánh hoa dã quỳ đua nở và phủ sắc vàng rực rỡ. Loài hoa thân thảo mỏng manh như báo hiệu thời điểm mùa mưa đã kết thúc và những vạt nắng vàng bắt đầu trải dài trên mọi nẻo đường dưới bầu trời trong xanh bất tận”.

Và với nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Hữu Nết, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Lâm Đồng, anh dành trọn sự ưu ái cho loài hoa này. Dẫu trong mưa rét hay gió lạnh thì những cánh hoa dã quỳ vẫn ẩn chứa một sức sống mãnh liệt vươn lên trong mưa trong gió để khoe trọn sắc vàng.

Hoa dã quỳ tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của Tây Nguyên nói chung, Đà Lạt nói riêng.

*Đường đến giảng đường Trường Đại học Đà Lạt ngập sắc hoa dã quỹ.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Nết đã không vô tình khi chọn Đường hầm đất sét Đà Lạt là điểm đến của chuyến đi thực tế cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương và một số báo địa phương khu vực phía Nam, miền Trung – Tây Nguyên tham gia khóa tập huấn “Truyền thông nguy cơ và kỹ năng viết báo” do Cục Báo chí – Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông tổ chức vào giữa mùa hoa dã quỳ nở năm 2020.

Không chỉ tự hào giới thiệu về phiên bản độc đáo thứ hai của ga xe lửa, nhà thờ Con Gà, thung lũng Tình yêu, hồ Xuân Hương, chợ Đà Lạt, núi Langbiang và rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác của Đà Lạt bằng đất sét đỏ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Nết còn hào phóng “thiết đãi” đồng nghiệp gần xa một khung cảnh thơ mộng và hơn cả là để đắm chìm trong màu vàng hoang dại của dã quỳ trên suốt quãng đường gần 15 km từ trung tâm thành phố đến Đường hầm đất sét.

Chính sắc vàng quyến rũ ấy đã mê hoặc, níu chân người nghệ sĩ gắn bó với xứ sở ngàn hoa hơn 36 năm qua. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Nết trải lòng: “Đà Lạt mùa nào cũng đẹp, loài hoa nào cũng tươi, nhưng sắc vàng ươm của hoa dã quỳ là quyến rũ nhất. Hoa đẹp nhất vào buổi sáng, khi cái nắng của mùa đông vừa hừng lên, sương vẫn còn đọng trên lá và những cánh hoa. Từng khóm hoa dã quỳ đua sắc, khoe hương bên những sườn đồi, những ngõ nhỏ quanh co, bên những căn biệt thự xinh xắn”.

*Công trình Bông Hoa Dã Quỳ, tọa lạc bên bờ Hồ Xuân Hương – một trong những vị trí đẹp nhất của thành phố ngàn hoa. Ảnh: Võ Trang

Quả thật Đà Lạt mùa nào cũng đẹp, loài hoa nào cũng rực rỡ, nhưng loài hoa dã quỳ đã đi vào tiềm thức của người dân bản địa và cả du khách gần xa. Hoa dã quỳ đi vào nhiều tác phẩm thơ, văn, nhạc, họa. Đặc biệt hoa dã quỳ gây cảm xúc mạnh cho các nhà kiến trúc.

Sân bay Liên Khương – Đà Lạt chính là một bông hoa dã quỳ đang nở cách điệu. Quảng trường Lâm viên Đà Lạt có một nhà hát cực kỳ ấn tượng nhất đất nước – Nhà hát dã quỳ – phỏng theo một bông dã quỳ đang nở.

Và một điều đặc biệt nữa là rất nhiều cuộc thi logo Festival hoa Đà Lạt; và hoa dã quỳ của họa sĩ Vũ Văn Thành – một bông hoa dã quỳ đang nở, đồng thời cũng là hình một cây đàn cách điệu đã trở thành logo Festival hoa Đà Lạt ấn tượng nhất.

Một mùa đông nữa đang dần trôi về miền ký ức. Những cánh hoa dã quỳ vẫn bừng lên trong gió, trong nắng của xứ cao nguyên để lại kỷ niệm ngọt ngào, vẹn đầy, lãng du. Em về trong mùa hoa nở!

Nguyên Hoa

  • Hình bìa: Du khách thích thú ngắm hoa dã quỳ.

Nguồn: Báo Đăk Lăk

Recommended For You

Để lại một bình luận