Về làng dứa Đại Lộc

Những ngày đầu hè, trên những con đường làng, bên sông, suối thuộc huyện Đại Lộc (Quảng Nam), ở đâu cũng thấy nông dân hối hả thu hoạch dứa. Màu vàng ươm của dứa chín, nụ cười hể hả của người nông dân… tạo nên bức tranh ấn tượng của làng quê đổi mới…

Đại Lộc hiện có khoảng 1.500 ha đất trồng dứa, tập trung chủ yếu ở những vùng đồi núi của xã Đại Hồng, Đại Lãnh, Đại Sơn, Đại Hưng, Đại Tân…

Trong đó, xã Đại Sơn được xem là một trong những vùng trồng dứa lớn nhất ở huyện Đại Lộc với diện tích khoảng 700 ha, nơi trồng nhiều dứa nhất tập trung ở thôn Hội Khánh với số hộ tham gia lên đến khoảng 300 hộ với khoảng trên 600 lao động trồng dứa. Năm nay, nhờ năng suất cao, giá thu mua hấp dẫn nên hầu như toàn bộ số diện tích trồng dứa đều cho mức lãi ròng cao, làng nghề trồng dứa phấn khởi, góp phần xóa đói giảm nghèo cho cư dân miền trung du xứ Quảng.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Bá Diệp (63 tuổi, trú tại xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc) có 10 năm trồng dứa cho biết: “Đến mùa thu hoạch dứa, mỗi ngày vận chuyển một chuyến bằng xe trâu kéo về bán cho bạn hàng. Mỗi chuyến xe trâu vận chuyển 300 dứa (360 trái) về đây bán cho bạn hàng khoảng 1,5 triệu đồng.

Trung bình mỗi hộ gia đình thu hoạch đến cả tấn dứa/ngày, bán tại chỗ với giá từ 8.000 – 9.000 đồng/kg. Dứa trên địa bàn huyện Đại Lộc tự chín tại vườn nên có mùi thơm tự nhiên, chất lượng đảm bảo, an toàn nên thường được ưa chuộng. Đa số được tiểu thương thu mua rồi chở đi tiêu thụ ở các chợ vùng Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Quảng Ngãi…” – anh Diệp cho hay.

Anh Nguyễn Cứ (53 tuổi), trú tại thôn Hòa Hữu Đông, xã Đại Hồng cho hay, thu nhập cao vậy nhưng người trồng dứa khá vất vả bởi làm việc dưới cái nắng “cháy da” của miền Trung. Dứa được trồng và chăm sóc trong thời gian 18 tháng mới cho thu hoạch.

Mùa dứa chín thường bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 6, thời điểm dứa chín rộ và cho độ ngọt cao nhất là từ tháng 4 đến tháng 5. Cho nên mùa dứa chín, bà con đều tranh thủ thu hoạch thật nhanh. Tuy nhiên, để tránh tình trạng “được mùa mất giá”, bà con nông dân trồng dứa theo phương pháp rải vụ, tránh được tình trạng dứa chín hàng loạt gây ứ đọng, khó tiêu thụ. Đến nay, mùa dứa tại địa phương không thu hoạch ồ ạt một lần mà kéo dài liên tục cho đến hết mùa hè. Đây cũng là sáng kiến bà con làm “đổi công” nhau trong làng nghề.

Anh Cứ nói thêm, cây dứa chịu hạn tốt, ít sâu bệnh, thích hợp với vùng đất dốc, chỉ vất vả công đoạn làm cỏ và vun gốc. Dứa năm nay cho trái to, đều, chín tự nhiên, nên rất ngọt, do vậy gần đến mùa thu hoạch đã có thương lái đến đặt tiền. Thời gian trước đây, dứa chỉ được giá trong vòng nửa tháng rồi giảm, năm nay vụ thuận, giá dứa giữ ở mức cao suốt 2 tháng nay.

Gần cuối vụ, trong các làng nghề trồng dứa, các nhóm góp công, góp tiền, góp dứa tổ chức liên hoan khá hoành tráng nhằm mang lại niềm vui và động lực cho vụ sản xuất dứa tiếp theo được bội thu. Trong liên hoan, các thành viên đều tham gia “hát cho nhau nghe”, nhảy múa tưng bừng… “hoa trái” dứa.

Về các xã miền núi huyện Đại Lộc hôm nay toàn một màu xanh của các đồi dứa, màu vàng “rừng dứa” chín ven đường. Hai bên đường bê tông, những căn nhà tôn rỉ rét, lụp xụp ngày nào, nay được thay vào những ngôi nhà xinh đẹp, khang trang; các con đường kiệt hẻm, ngày xưa nắng bụi, mưa bùn nay đã 100% bê tông và nhựa hóa, đường sá khang trang sạch đẹp. Trong những thành quả nói trên, thu nhập từ nghề trồng dứa của cư dân đóng vai trò không nhỏ cho sự phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của địa phương trung du miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.

Q. KỲ

Recommended For You