Trước đây con người ta có nhu cầu mở rộng lòng mình, muốn có dịp được tâm tình, chia sẻ buồn vui. Đi làm về, thỉnh thoảng tạt qua hàng xóm hỏi han đôi câu, cũng là một cách để biết trong khu vực mình đang trú ngụ, có gì mới không?
Những cô Tư, chị Ba, bà Tám có nhu cầu “buôn dưa lê” lúc rỗi việc. Họ chia sẻ chuyện mình, chuyện người rồi bình luận, khen chê, cũng là một cách cởi mở tình cảm…
Những đêm trăng sáng, cánh đàn ông cao hứng pha ấm trà thật đậm, thật ngon mời một vài người bạn láng giềng sang nhà “đàm đạo” chuyện xa, chuyện gần; hoặc chỉ cần một hai xị rượu lai rai cùng nhúm đậu phọng, con mực khô thơm điếc mũi là có thể rôm rả, vui như Tết. Cũng là một cách gắn kết tình làng nghĩa xóm.
Thế nhưng, với tốc độ phát triển ngày một chóng mặt, khoa học kỹ thuật đã “trang bị tận răng” và can thiệp vào ngóc ngách của mọi nhu cầu, do đó, con người ta ắt có sự thay đổi.
Dù ngồi một xó trong phòng, đóng kín cửa, không thèm giao tế, giao thiệp với ai vẫn cập nhật được thông tin.
Trước kia, một khi khúc mắc trong công việc, cần tìm hiểu thêm chuyên môn gì đó, thường tìm đến sách, tìm gặp bạn bè để tham khảo. Nay, chẳng cần. Cứ việc nhờ cái ông “gú gồ” là xong tất.
Ấy là chưa kể việc mưu sinh tất bật hơn, nhịp sống vội vã hơn khiến ít ai có nhiều thời gian như trước. Những lúc ấy, cần có sự yên tĩnh, nhất là không cúp điện, đường truyền không nghẽn mạch. Không bị ai quấy rày để được một mình đối diện với cái màn hình ngay trước mắt.
Vì lẽ đó, nhiều người cảm thấy bực bội, khó chịu nhất là những lúc quay trở về nhà lại gặp ông cha/bà mẹ đã lọm khọm, già yếu. Dù thân thiết, dù cùng máu mủ nhưng lú lẫn, lúc nhớ lúc quên, chẳng biết gì ngoài những chuyện từ thời bà Cố Hỉ, từ “thời Bảo Đại cởi truồng tắm mưa”, xa lắc xa lơ. Đã thế lại còn hay thích hỏi han, tỉ tê những chuyện chẳng đâu vào đâu. Nếu không được đáp ứng thì cha mẹ già thở dài, buồn bã cứ như thể đứa con vừa phạm một lỗi làm gì ghê gớm lắm.
Mà có gì đâu, có bà mẹ “gần đất xa trời” thấy con cái đi làm về, vui quá, bởi suốt ngày nằm nhà một mình nên thèm được nói một câu gì đó, chẳng hạn: “Hôm nay, thời tiết mát mẻ con nhỉ? Có phải trời sắp mưa không?”.
Hỏi thế mà cũng hỏi, đã sang thu thì còn mưa với mọt gì nữa? Trong khi đó, cậu con trai, cô con gái chỉ muốn tếch ngay vào phòng “leo lên” mạng chít chát, hẹn hò với bồ bịch nên ậm ừ cho qua chuyện.
Mà đã xong đâu. Lại hỏi: “Dạo này, con thường bỏ cơm nhà, có chuyện gì buồn hả con? Kể cho mẹ nghe với!”.
Trời, đang say đắm, hứng chí, vui vẻ với tình nhân nên hò hẹn ở nhà hàng, món ăn đặc sản đến ngấy cả họng đây nè! Thế nên, nghe những câu hỏi “ngớ ngẩn” ấy là cảm thấy… bực mình.
Sự xung đột thế hệ do khoảng cách về tuổi tác là điều có thật. Họ dễ dàng xẩy ra những mâu thuẫn không đáng có hoặc “bằng mặt mà không bằng lòng”.
Dù muốn, dù không cha mẹ, con cái vẫn phải ở chung một nhà, mỗi ngày vẫn phải gặp mặt nhau. Gặp nhau mỗi ngày nhưng chắc gì đã cùng “tâm đầu hiệp ý”?
Cô con dâu nghiêm khắc dạy con nhưng bà mẹ chồng thương cháu nội lại xuề xòa, nuông chiều quá mức; cậu con trai thích rủ bạn bè về nhà bù khú nhưng bà mẹ lại than phiền ồn ào như vỡ chợ.
Người già ở nhà một mình, cả ngày thích mở truyền hình nghe vọng lại tiếng người để thấy không lẻ loi cô độc, thế nhưng con cái lại cằn nhằn tốn tiền điện…
Ai đó đã nói: “Người già là hai lần trẻ con”. Khổ nỗi, “đứa trẻ” ấy chính là đấng sinh thành, vậy phải làm sao?
Tôi xin kể mẩu chuyện này: Do khó có thể chung sống nên cậu con trai đưa cha già vào nhà dưỡng lão. Trên đường đi, người cha bắt đầu khóc.
Nhìn thấy những giọt nước mắt ấy, người con động lòng nhưng vẫn tìm lời bào chữa, rằng vợ chồng, con cái không có thời gian chăm sóc, hỏi han trò chuyện cùng cha. Còn vào trong đó, có nhiều bạn già tâm sự, mỗi ngày đều có người phục vụ cơm nước chu đáo.
Người cha nghe cũng có lý, ngưng khóc và tiếp tục bước đi.
Khi đến trước cửa nhà dưỡng lão, người cha nắm chặt lấy tay con mình như thể lần cuối cùng trong đời:
“Này con ơi, cha khóc đây không phải vì con dẫn cha đến đây đâu. Cha khóc vì lỗi lầm của cha.
Cách đây hơn 40 năm trước, cha cũng đã dẫn ông nội con vào nhà dưỡng lão này.
Nay, cha chỉ gặt những gì mà cha đã gieo”.
Làm sao có thể hòa đồng, vui vẻ chung sống với người già? Tất nhiên phải là nỗ lực từ hai phía.
Tuy nhiên, cho phép tôi được nhấn mạnh rằng, thiện chí đầu tiên phải bắt đầu từ con cái bởi người trẻ còn có dài thời gian sống, có sức khỏe, có năng lực kiếm ra tiền, có nhiều thú vui chơi hơn cha mẹ già chỉ thui thủi mỗi ngày trong bốn bức tường.
Mỗi một ngày, ngưòi già đều ngong ngóng đợi con cái quay về nhà. Được như thế đã là vui. Niềm vui đơn giản lắm.
Rồi, vì thương con, có bà mẹ lụi hụi nấu bát canh rau ngót thật ngon, chắc mẫm con mình sẽ thích. Thế nhưng, ối chà chà, canh gì lại mặn chát, mặn còn hơn nước biển! Lúc ấy, người con nhăn mặt, ngậu xị ỏm tỏi hay vẫn khen ngon cho vui lòng mẹ?
Nhà đã chật chội, ấy thế, bà cụ tiết kiệm, giữ lại từng cái bao nylong, cái khung tranh đã gẫy, cái chén, cái bát đã cũ, đôi giày đã chật, lại khâu vá lại chiếc áo đã rách… chất đầy góc nhà. Xốn mắt lắm. Hôm nào tống khứ cho bọn thu mua ve chai hay “lên lớp” một lần cho ra nhẽ để bỏ đi cái tính hà tiện?
Cuộc sống thiên hình vạn trạng, mỗi người đều gặp phải những chuyện không hài lòng tương tự, khó có thể liệt kê ra hết.
Thiết nghĩ, dù gì đi nữa vẫn còn có cách giải quyết khéo léo, tế nhị mà mọi việc vẫn “đâu vào đó”. Chẳng ai có thể khuyên ai trong phép ứng xử, bởi việc làm này phải từ cái tâm, từ chữ hiếu, từ nỗi lòng thăm thẳm ước vọng:
“Đêm đêm thắp ngọn đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con”.
Nếu có được tâm nguyện ấy thì không gì là áp lực khi được chung sống với người già, thậm chí còn là một nguồn vui sống…