Xu hướng sử dụng máy bay không người lái trong các cuộc xung đột quân sự gần đây

Dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, máy bay không người lái ngày càng được cải tiến, cho phép vừa tiến hành các hoạt động quân sự với hiệu quả cao hơn, vừa giảm thiểu thương vong cho người điều khiển. Thực tiễn các cuộc xung đột quân sự gần đây đang chứng tỏ sẽ có một cuộc cách mạng về nghệ thuật tác chiến của loại phương tiện bay này và kéo theo đó là những tác động rất lớn tới chiến lược quân sự của nhiều quốc gia trong tương lai gần.

Đột phá về khả năng bay tuần kích và tự động tấn công mục tiêu

Từ thực tiễn cuộc xung đột tại Nagorno – Karabakh năm 2020 giữa Azerbaijan và Armenia cho thấy, đó không phải là một khoảnh khắc lịch sử đơn lẻ mà được đánh giá như một sự khởi đầu cho một loại hình chiến tranh mới, mà trọng tâm là triển khai lực lượng tấn công đường không quy mô lớn bằng máy bay không người lái (UAV).

Tuy nhiên, phương thức tác chiến UAV đã được đúc rút trong nhiều năm trước đó, từ thời điểm Mỹ sử dụng UAV trong các chiến dịch chống khủng bố, cho tới kinh nghiệm triển khai UAV tại các cuộc xung đột ở Syria và Libya.

Từ đó, nghệ thuật tác chiến UAV đã được định hình với những thương hiệu UAV nổi tiếng hiệu quả trên chiến trường, như: Predator và Reaper của Mỹ, Bayraktar và Anka-S của Thổ Nhĩ Kỳ, Orlan-10 và Orion của Nga, Shahed-136 của Iran…

Một trong những bước phát triển quan trọng nhất của công nghệ UAV thế hệ mới là tính tự hoạt ngày càng cao.

Trong khi các UAV trước đây yêu cầu có người điều khiển từ xa và đưa ra các quyết định quan trọng, thì những tiến bộ về trí tuệ nhân tạo (AI) đang cho phép UAV thế hệ mới hiện nay, nhất là UAV tuần kích tự hoạt động với sự can thiệp tối thiểu của người điều khiển.

Thực tiễn các cuộc xung đột quân sự gần đây cho thấy, quyền tự chủ tăng lên cho phép UAV thực hiện các nhiệm vụ phức tạp như giám sát, trinh sát và thậm chí tấn công mục tiêu với độ chính xác và hiệu quả cao hơn bao giờ hết.

Sử dụng UAV bay tuần kích và tấn công mục tiêu chứng minh tính hiệu quả khi mức độ tự động hóa của chúng được nâng cao.

Những khả năng tác chiến mà UAV bay tuần kích mang lại được xác định nằm ở khoảng giữa hệ thống máy bay không người lái (UAS) và tên lửa hành trình.

Khả năng bay tuần kích ở một khu vực được chỉ định trong nhiều giờ và tìm kiếm mục tiêu có nghĩa là những loại UAV này hoạt động theo nguyên lý hoàn toàn tự động.

UAV tuần kích được sử dụng trong thực chiến thời gian qua đóng vai trò như tên lửa hành trình phóng từ ống phóng, được trang bị đầu tìm và lắp đầu đạn để tiêu diệt các mục tiêu cần thiết; đồng thời, có sự tích hợp và cung cấp khả năng tấn công chính xác vượt xa tầm bắn của đạn pháo.

Điểm đáng chú ý là, chúng hiện đang được sản xuất rẻ hơn so với tên lửa, đủ nhỏ và nhẹ để cung cấp khả năng tấn công trực tiếp, trang bị cho các đơn vị nhỏ hoạt động phân tán, bí mật nhằm tránh bị phát hiện.

Lợi thế lớn của UAV tuần kích so với pháo truyền thống là khả năng đạt tầm bắn xa hơn, duy trì cự ly an toàn hơn cho các lực lượng.

Ngoài ra, kích thước nhỏ và đặc tính âm thanh, hình ảnh và nhiệt độ thấp khiến chúng khó bị phát hiện, nhận dạng hoặc theo dõi, ngay cả ở cự ly gần.

Bên cạnh đó, sự phát triển của các công nghệ tiên tiến hơn về cảm biến, thông tin liên lạc, khả năng tự hoạt và ngắm bắn mục tiêu,… giúp cho các loại UAV tuần kích mới đóng vai trò như một vũ khí chế áp hiệu quả đối với hệ thống phòng không của đối phương.

Thực tiễn đã minh chứng, việc Azerbaijan sử dụng rất thành công UAV tuần kích trong cuộc xung đột Nagorno – Karabakh năm 2020 đã chứng minh tính hiệu quả chế áp hệ thống phòng không và tiêu diệt lực lượng tăng thiết giáp của Armenia.

Các UAV tuần kích, như: Harop và Sky Striker do Israel chế tạo đã được Azerbaijan sử dụng số lượng lớn trong suốt thời gian xung đột.

Trong cuộc xung đột Nga – Ukraine, UAV tuần kích như Lancet liên tục được Moscow triển khai để phá hủy hàng trăm mục tiêu quân sự có giá trị trên mặt trận hoặc phía sau chiến tuyến của đối phương.

Cự ly tác chiến của UAV Lancet lên tới 70km, được dẫn đường tự hoạt bằng AI hoặc nạp trước tọa độ mục tiêu, thời gian bay tuần kích 40 phút, đầu đạn 03kg, tốc độ tấn công mục tiêu đạt 330km/h khiến cho nó phát huy hiệu quả cao trong thực chiến.

Trong cuộc nội chiến ở Libya, UAV tuần kích Warmate của Ba Lan đã được sử dụng. Tại Yemen, nhóm phiến quân Houthi đã triển khai UAV tuần kích HESA Qasef-1 của Iran. Tất cả những UAV kể trên đều chứng tỏ tính hữu dụng của chúng trong thực chiến.

Hiệu quả sử dụng UAV bầy đàn trong tác chiến ngày càng tăng

Một xu hướng đáng chú ý khác trong tác chiến bằng UAV là sự phát triển của phương thức tác chiến bầy đàn. Đây là thuật ngữ liên quan đến việc triển khai nhiều UAV có thể liên lạc và phối hợp chặt chẽ với nhau để thực hiện các nhiệm vụ hiệu quả hơn.

Cách sử dụng này cho phép mang lại sự linh hoạt và khả năng thích ứng cao hơn trên chiến trường, vì bầy đàn có thể nhanh chóng điều chỉnh theo các điều kiện thay đổi và phản ứng với các mối đe dọa trong thời gian thực.

Bầy đàn UAV đang triển khai thực hiện một loạt các nhiệm vụ: trinh sát, truyền phát thông tin chiến dịch – chiến thuật đến các sở chỉ huy theo thời gian thực, tiêu diệt mục tiêu mặt đất, dẫn đường cho không quân oanh kích các loại mục tiêu, hiệu chỉnh hỏa lực pháo binh và các phương tiện tấn công khác cũng như tạo mục tiêu giả.

Việc sử dụng bầy đàn có thể áp đảo hệ thống phòng không của đối phương, vì số lượng UAV quá lớn có thể gây khó khăn cho đối phương trong việc ngắm bắn mục tiêu và tiêu diệt từng UAV riêng lẻ.

Khả năng tác chiến bầy đàn ngày càng tăng của UAV có thể khiến chúng trở thành một lực lượng đáng gờm trên chiến trường.

Bên cạnh đó, bầy đàn UAV còn gây ảnh hưởng tâm lý lớn tới đối phương khi chúng liên tục quấy rối cả ngày lẫn đêm. Việc sử dụng số lượng lớn UAV trên chiến trường sẽ dẫn đến những thay đổi đáng kể về mặt chiến thuật, đặc biệt do sự hiện diện khắp nơi của “cỗ máy” này có thể giám sát các khu vực rộng lớn hơn nhiều trong thời gian thực với chi phí thấp.

Các điểm xung đột được theo dõi bởi UAV giúp pháo binh có thể bắn nhanh trong trường hợp phát hiện sự xâm nhập; xe tăng thiết giáp phải ngụy trang, ẩn nấp bởi chỉ một chuyển động nhỏ cũng dễ dàng bị phát hiện ngay lập tức.

Trên thực tế, Nga đã triển khai bầy đàn UAV, gồm: Forpost, Orlan-10, Eleron-3, tiến hành trinh sát ở nhiều độ cao khác nhau, tấn công các mục tiêu trên mặt đất; chúng được tích hợp hiệu quả với pháo binh, đặc biệt là các bệ phóng tên lửa.

Bất kỳ UAV nào cũng có thể cung cấp dữ liệu cho các khẩu đội pháo binh. Bầy đàn UAV có thể quan sát chiến trường tốt hơn và dẫn đường tấn công chính xác vào bất kỳ điểm nào, sử dụng vũ khí tầm gần hoặc tầm xa khi cần thiết.

Thực tế các cuộc xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ gần đây cũng thêm phần khẳng định, UAV đã, đang được sử dụng với số lượng lớn chưa từng có, được triển khai với mật độ cao, dẫn tới sự thiệt hại đối với phương tiện này cũng không hề nhỏ, thậm chí có bên tham chiến có thể mất tới 10 nghìn chiếc UAV mỗi tháng.

Các số liệu từ báo cáo của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh, ước tính có 25 đến 50 UAV hoạt động đồng thời trong phạm vi 10km trong một khu vực xung đột. Các biện pháp đối phó điện tử như gây nhiễu tín hiệu, tấn công hệ thống điều khiển khiến cho UAV bị tổn thất lớn, nhưng do chúng quá rẻ và mang lại lợi thế chiến thuật lớn nên việc mạo hiểm sử dụng chúng trên chiến trường vẫn rất có lợi, ít nhất là về mặt kinh tế.

Vũ khí hóa UAV thương mại sử dụng trong tác chiến

Hiện nay, do chi phí thấp trong khi việc sử dụng số lượng lớn UAV đã phát huy nhiều tác dụng, hiệu quả nên xu hướng vũ khí hóa UAV thương mại với chi phí thấp đã được triển khai ở nhiều quốc gia. Nga và Ukraine đều đã sử dụng UAV thương mại và vũ khí hóa để sử dụng chúng với vai trò mang đạn lựu chống tăng, phóng bom kích cỡ nhỏ sát thương sinh lực đối phương.

Tuy nhiên, việc vũ khí hóa UAV thương mại không phải là vấn đề mới, ngay từ năm 2013, khi mà UAV thương mại bắt đầu được sản xuất số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu giải trí; giá một UAV thương mại chỉ khoảng 02 nghìn USD, nhưng sau khi cải tiến, chúng hoàn toàn có khả năng thực hiện các hoạt động trinh sát, tuần tra trong bán kính hơn 01km, mang bom, đạn cỡ nhỏ, trang bị cho các phân đội trong đội hình phòng ngự hoặc tiến công.

Hơn thế, công nghệ UAV thương mại được tích hợp AI và thuật toán học máy, đã cách mạng hóa cách sử dụng chúng trong tác chiến. Vì vậy, việc vũ khí hóa UAV thương mại nhanh chóng được các nhóm vũ trang trải nghiệm. Điển hình là nhiều nhóm, lực lượng du kích ở Trung Đông,… đã cải tiến và tích hợp vũ khí lên các UAV thương mại để tham gia hoạt động tác chiến. Từ đây, việc biến UAV giải trí thành phương tiện mang vũ khí lan rộng. Đây cũng chính là loại phương tiện được lực lượng Hamas sử dụng để vô hiệu hóa các tháp an ninh ngăn cách Dải Gaza với phần còn lại của Israel, trong cuộc tấn công ngày 07/10/2023.

Những UAV kiểu như vậy rất khó bị phát hiện và tiêu diệt. Tại Iraq, UAV thương mại tích hợp vũ khí thường xuyên bay ngay bên trên khu vực căn cứ quân sự của Mỹ. Việc tiêu diệt chúng bằng vũ khí nhẹ không phải là một điều dễ dàng. Mặc dù chúng có thể bị phát hiện trên màn hình radar và tiêu diệt bằng tên lửa, nhưng trở ngại lớn nhất là chi phí phát sinh.

Theo các chuyên gia quân sự, việc phóng tên lửa để tiêu diệt UAV tầm cao như Predator hay Reaper có đơn giá 25 triệu USD sẽ là hiệu quả, nhưng nếu sử dụng để bắn UAV thương mại có giá vài nghìn USD, thậm chí rẻ hơn sẽ gây tốn kém rất nhiều. Điều này thậm chí còn khó khăn hơn khi mối đe dọa chỉ là số lượng lớn UAV bốn cánh cỡ nhỏ có giá một trăm USD mỗi chiếc.

Trên thực tế, với mục tiêu nhanh chóng đưa UAV giá rẻ vào tác chiến, Ukraine đã triển khai chương trình “Đội quân UAV”, chế tạo 1.500 chiếc UAV Shrike FPV với giá vài trăm USD mỗi chiếc và đưa vào trang bị chiến đấu ở mặt trận phía Đông hồi tháng 10/2023. UAV Shrike FPV rất dễ sử dụng và tấn công mục tiêu chính xác. Về phía Nga cũng tăng cường sử dụng UAV thương mại kiểu flycam giá rẻ gắn thuốc nổ hoặc đầu đạn lõm để tấn công vào các điểm yếu trên xe tăng chiến đấu chủ lực của Ukraine.

Như vậy, UAV đã chứng minh mức độ nguy hiểm và thay đổi phương thức tác chiến trong chiến tranh hiện đại. Thủ đoạn tấn công quân sự mới bằng UAV đã cho thấy sự khốc liệt qua cuộc chiến ở Syria, Libya, Nagorno – Karabakh và trong cuộc xung đột Nga – Ukraine. Sự phổ biến của công nghệ UAV cũng làm dấy lên mối lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang, khi ngày càng có nhiều quốc gia phát triển và triển khai UAV tiên tiến, điều này có nguy cơ dẫn đến căng thẳng gia tăng và khả năng xảy ra xung đột.

Đại tá ĐẶNG ĐỒNG TIẾN
(Tổng cục Kỹ thuật)

Recommended For You